Hồ Đức Thọ với các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu

08:02, 15/02/2019

Đến thăm nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ (79 tuổi), Chi hội trưởng chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh chúng tôi được biết ông vừa trải qua cơn tai biến lần 2. Dù sức khỏe chưa ổn định, ông vẫn cần mẫn với các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian. Với tâm huyết nghề, đến nay, ông đã có 25 đầu sách về văn hóa, văn nghệ dân gian được các nhà xuất bản uy tín trong nước ấn hành. Trong đó, các công trình về tín ngưỡng thờ Mẫu của ông được các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Đức Thọ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Đức Thọ.

Sinh ra ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhưng phần lớn cuộc đời của nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ gắn liền với mảnh đất Nam Định. Vừa là cán bộ Bảo tàng tỉnh, vừa là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh (năm 1990) và là hội viên Hội Văn nghệ - Dân gian Việt Nam (năm 1995) nên ông có nhiều điều kiện để tiếp cận nghiên cứu sưu tầm các tài liệu quý. Trong những lần đi kiểm kê, khảo sát di tích, ông đặc biệt ấn tượng với những thanh đồng; thường xuyên đạp xe đến các điểm trong khu Di tích lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy để nghiên cứu về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau nhiều năm nghiên cứu các câu đối, đại tự, văn bia ca ngợi công lao của Mẫu, năm 2000 cuốn “Mẫu Liễu sử thi” của tác giả Hồ Đức Thọ được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành. Cuốn sách dày 150 trang gồm 3 chương: Huyền tích Mẫu Liễu; Ảnh hưởng của tục thờ Mẫu Liễu; Từ nghi thức hành lễ đến lễ hội. Để có tư liệu ông đã dầy công nghiên cứu các văn bia, câu đối ở các di tích thờ Mẫu như: Phủ Dầy (Nam Định), Sòng Sơn (Thanh Hóa), Lảnh Giang (Hà Nam), Điện Hòn Chén (Huế), Phủ Tây Hồ (Hà Nội)… Cuốn sách sau khi xuất bản được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao. 

Thành công của cuốn sách đầu tiên về đề tài Thánh Mẫu đã truyền thêm niềm tin để ông tiếp tục nghiên cứu. Năm 2004, cuốn sách “Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Di sản văn hóa lễ hội Phủ Dầy” của ông được Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành. Cuốn sách gồm 4 chương: Đôi điều về địa linh Thiên Bản; Huyền tích và tín ngưỡng Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong dân gian; Di sản văn hóa trên quần thể di tích Phủ Dầy; Lễ hội Phủ Dầy. Với gần 250 trang sách đã góp phần làm sáng tỏ về địa danh Phủ Dầy, tục thờ Mẫu ở Việt Nam, giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của quần thể di tích và những đặc sắc trong lễ hội Phủ Dầy. Ấn tượng của người đọc về cuốn sách là sự phân bố nội dung hợp lý, cách sắp xếp các chi tiết mạch lạc, đan xen là những lý giải khoa học có dẫn chứng cụ thể. Chia sẻ về quá trình hoàn thiện và xuất bản cuốn sách “Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Di sản văn hóa lễ hội Phủ Dầy”, ông cho biết, sau khi cuốn sách đầu tiên về Mẫu được xuất bản, tác giả đã nhận được những ý kiến phản hồi tích cực của nhiều độc giả, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Điều đó khiến ông trăn trở bởi ngay trên mảnh đất Nam Định có nhiều di tích thờ Mẫu, trong đó quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu của cả nước. Nghĩ là làm, ông tiếp tục đến các đền, phủ ở quần thể di tích Phủ Dầy khảo sát, ghi chép các văn tự chữ Hán sau đó đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau để ra đời cuốn sách “Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Di sản văn hóa lễ hội Phủ Dầy”.

Mở rộng đề tài tín ngưỡng thờ Mẫu, hai cuốn sách “Hầu bóng Miền Bắc” và “Hầu bóng Việt Nam, trải nghiệm và hiệu ứng tâm linh” lần lượt được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành các năm 2014 và 2017. Trong đó cuốn “Hầu bóng Việt Nam, trải nghiệm và hiệu ứng tâm linh” được Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải B năm 2017 và Hội đồng lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương trao giải Khuyến khích dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật có chất lượng năm 2018. Cuốn “Hầu bóng Việt Nam, trải nghiệm và hiệu ứng tâm linh” được ông chắt lọc từ hơn 2.000 trang tư liệu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông đã đến nhiều di tích Lịch sử - Văn hóa thờ Mẫu trên cả nước để nghiên cứu văn bia, câu đối, gặp gỡ các bản hội lớn để tìm hiểu. Với gần 380 trang, cuốn sách đã nêu bật được tục thờ Mẫu Tam Tứ phủ ở Việt Nam, lý giải về lễ thức hầu bóng, hiệu ứng hầu bóng trong cuộc sống và điều trăn trở… Cuốn sách ra mắt bạn đọc ở thời điểm Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần quảng bá giá trị di sản với bạn đọc. Bên cạnh nghiên cứu, viết sách về tín ngưỡng thờ Mẫu, ông có nhiều tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó tiêu biểu là các tham luận: “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị” Hội thảo khoa học quốc tế năm 2012; “Nghiên cứu và thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức năm 2016. Tham luận của ông được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nhiều nhà quản lý, đại diện cộng đồng thực hành tín ngưỡng tham dự các hội thảo về tín ngưỡng thờ Mẫu đánh giá cao.

Với những cống hiến về nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, tác giả Hồ Đức Thọ đã được 6 giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của Trung ương và 5 Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lương Thế Vinh. Đến nay tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn dành nhiều tâm huyết và thời gian để tìm hiểu những góc nhìn mới về Mẫu đặt trong bối cảnh đương đại. Một trong những đề tài ông đang ấp ủ là “Tín ngưỡng thờ tổ Mẫu nhà Trần” đang trong quá trình hoàn thiện để phục vụ độc giả./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com