Xuân Kỷ Dậu 1969, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên vinh dự là người ngâm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ. Bên ấm trà xanh chiều cuối năm, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên thể hiện khúc ngâm "Chào Xuân 69" của Hồ Chủ tịch với niềm xúc động, tự hào: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn".
Với nghệ sĩ Kim Liên để có niềm vinh dự được Bác Hồ chọn ngâm bài thơ chúc Tết "Chào Xuân 69" là sự tôi luyện, không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Tại Nam Định, vào thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, trước hào khí của một dân tộc “Tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ”, trong khi dàn dựng vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”, đạo diễn Đoàn Bá đã quyết định chọn các nữ nghệ sĩ để đóng vai chính nhằm cụ thể hoá phong trào “Ba đảm đang”, cổ vũ cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc. Hai nhân vật của vở chèo có tích truyện lịch sử là Trần Quốc Toản và Thế Tử do diễn viên trẻ Kim Liên và Thuý Ngân thể hiện.
Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên kể: Hưởng ứng phong trào "Ba đảm đang", chị em phụ nữ đều ý thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Tổ quốc trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù xâm lược là cần phải rèn luyện phẩm chất cách mạng cao quý, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất và phải ra sức phấn đấu để nâng cao năng lực và trình độ đảm nhiệm sản xuất và công tác. Nơi hậu phương, những người mẹ, người vợ vừa phải lo thu xếp công việc gia đình ổn thỏa, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan vừa phải hăng hái tham gia lao động sản xuất chi viện cho tiền tuyến lớn.
Thời điểm đó, vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” ra mắt công chúng, gây tiếng vang lớn, được biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh… Ngày 20-12-1968, bốn nữ diễn viên của Đoàn Chèo Nam Định là Kim Liên (vai Thế Tử), Thuý Ngân (vai Trần Quốc Toản), Hồng Lê (vai Cô gái làng Vân), Thuý Nga (vai Hề đồng) với trích đoạn trong vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” đã vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Dịp này, nghệ sĩ Kim Liên đã ngâm các trích đoạn "Kiều gặp Kim Trọng", "Kiều ở lầu Ngưng Bích". 4 ngày sau, nghệ sĩ Kim Liên cùng nghệ sĩ Linh Nhâm, Trần Thị Tuyết được mời đến Đài Tiếng nói Việt Nam tập luyện và thu âm bài thơ “Chào Xuân 69” của Bác. Nghệ sĩ Kim Liên được Bác Hồ khen "Giọng Kim Liên trong sáng và đạt được ý thơ của Bác".
Trong thời khắc thiêng liêng đón giao thừa, cả dân tộc hân hoan lắng nghe lời chúc Tết của Bác. Nghệ sĩ Kim Liên ứa nước mắt trong niềm vui khôn siết khi nghe bài thơ "Chào Xuân 69" của Bác bằng chính giọng ngâm của mình.
Tháng 7-1969, sau khi hoàn thành chuyến lưu diễn tại Pháp, nghệ sĩ Kim Liên vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng Huy hiệu của Người; sau đó, được ăn cơm cùng Bác. Trước khi trở về, Kim Liên được Bác tặng chiếc thước kẻ có khắc 3 chữ "S.N.K". Lúc đầu chị không hiểu, sau này mới ngẫm ra đó là viết tắt ba chữ “Suy nghĩ kỹ” (Làm việc gì cũng phải suy nghĩ kỹ, đắn đo rồi mới quyết sao cho có lợi cho cách mạng, cho dân tộc).
Là một nghệ sĩ, Kim Liên luôn khắc ghi lời dạy của Bác. Năm 1971, nghệ sĩ Kim Liên cùng các diễn viên tham gia bộ phim sân khấu "Trần Quốc Toản ra quân" của đạo diễn Bạch Diệp. Trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, ê kíp dựng phim đã làm việc không kể ngày đêm. Diễn viên Thuý Ngân phải mang theo con gái đầu lòng 4 tuổi lên tận nơi làm phim tại Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Nghệ sĩ Kim Liên có hai con nhỏ, chồng đi bộ đội, công việc quay phim lại thường diễn ra vào ban đêm vì phải lồng tiếng trực tiếp mới đảm bảo được chất lượng âm thanh. Để quay được cảnh phim có độ dài từ 2 đến 5 phút, các diễn viên phải tập luyện hàng chục lần với đạo diễn và kỹ thuật viên âm thanh.
Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Liên đã cống hiến khả năng của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, góp phần nhỏ bé của mình vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong những năm chống Mỹ cứu nước./.
Việt Thắng