Từ xưa, dòng họ Đoàn ở làng Nam Ngoại, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đã có truyền thống hiếu học. Theo phả ký, Thái thủy tổ dòng họ là Đoàn Văn Khâm gốc ngoại thành Hà Nội, là thí sinh khai khoa triều Lý Nhân Tông, đỗ Minh Kinh bác học, được bổ làm quan tới chức Thượng thư Bộ Công. Dưới triều Trần Anh Tông có Đoàn Nhữ Hải văn võ song toàn, làm quan tới chức Hành khiển (tể tướng). Cuối thế kỷ XVI, dòng họ có cụ Đoàn Doãn Lượng đưa gia đình đến đây cùng với các dòng họ khác lập nên làng Nam Ngoại (nay thuộc xã Trực Mỹ). Cụ Đoàn Doãn Lượng được phong làm Trưởng Mục của làng ấp mới, khi qua đời được vua ban tên Thụy Đoàn Doãn Lượng. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, dòng họ đã đóng góp nhiều công sức cho làng xã, quê hương. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dòng họ đã có hàng chục người tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh… Sớm có truyền thống hiếu học, khi cuộc sống còn khó khăn dòng họ đã bằng mọi cách để người biết chữ dạy cho người chưa biết, người biết chữ nhiều dạy cho người biết ít. Vì vậy, số người biết chữ nho của dòng họ chiếm tỷ lệ cao so với trong vùng. Với truyền thống hiếu học của gia tộc, trong thời kỳ đổi mới dòng họ đã họp bàn tìm phương cách phát triển phong trào học tập trong mỗi gia đình và quy định mỗi gia đình đều phải có người là thành viên của chi hội khuyến học, chỉ bảo cho con cháu học hành, đồng thời trích quỹ họ mua sách vở, giấy bút tặng cho con cháu có kết quả học tập cao. Trong ngày giỗ tổ, giữa không khí trang nghiêm nghi ngút khói hương trên từ đường của dòng họ, ông trưởng họ đã thành kính đọc tên, báo công thành tích đạt được trong năm học vừa qua của con em trong họ. Việc làm này đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua giữa các gia đình trong dòng họ, động viên con em phấn đấu vươn lên trong học tập. Từ khi thành lập (1995) đến nay, dòng họ có 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường. Chi hội khuyến học dòng họ luôn động viên khuyến khích các cháu tích cực rèn luyện đạo đức, vươn lên học khá, học giỏi; quan tâm động viên và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tích cực học tập. Do có sự gắn kết giữa hội viên các chi họ, các thành viên trong dòng họ đã xây dựng phong trào học tập, phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ ngày càng phát triển. Đến nay, dòng họ đã có 2 giáo sư, phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 90 người là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ. Hầu hết con cháu trong họ đều thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chăm chỉ học hành để đền đáp công ơn của tiên tổ, dòng tộc. Dòng họ Đoàn đã được công nhận “Dòng họ hiếu học”.
Dòng họ Đoàn xã Trực Mỹ (Trực Ninh) trao phần thưởng cho học sinh giỏi. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Đến nay phong trào xây dựng dòng họ hiếu học ở tỉnh ta đã trở thành điểm sáng của cả nước. Dưới sự chỉ đạo của Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học các huyện, thành phố, các dòng họ hiếu học đã là nguồn động viên, tiếp sức cho các phong trào khuyến học ở cơ sở. Nhờ đó, con em các gia đình ở các dòng họ hiếu học đi học và học giỏi đạt tỷ lệ cao, giảm đáng kể tình trạng bỏ học. Việc tổ chức và hoạt động của dòng họ khuyến học ngày càng tạo thành phong trào sâu rộng như một nét đẹp trong văn hoá giáo dục của nhân dân. Trong 3 năm gần đây, thực hiện xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, dòng họ hiếu học được thay thế bằng dòng họ học tập với các tiêu chí cao hơn. Với tinh thần hiếu học, các dòng họ trong tỉnh đã tích cực hoàn thiện 5 tiêu chí của dòng họ học tập, đến tháng 10-2018 đã có 2.492 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”. Phong trào khuyến học dòng họ ngoài việc thúc đẩy con cháu học hành tiến bộ, còn góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ phát triển giáo dục, xây dựng quỹ khuyến học. Đến nay, đã có 54 dòng họ có số quỹ từ 100 triệu đồng đến 4 tỷ đồng để động viên, trao thưởng, cấp học bổng cho con em vươn lên học tốt. Các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Ý Yên, Mỹ Lộc tiếp tục giữ vững truyền thống có nhiều dòng họ hoạt động hiệu quả. Phong trào thi đua xây dựng dòng họ hiếu học, dòng họ học tập đã tạo nên sự gắn kết có hiệu quả với phong trào xây dựng cộng đồng khuyến học ở các thôn, làng.
Mỗi dòng họ hiếu học, dòng họ học tập đều có cách làm, thế mạnh và thành tích nổi trội riêng nhưng tựu chung lại đều có vai trò quan trọng trong xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập tại cơ sở. Qua đó đã góp phần tạo phong trào thi đua khuyến học có tính toàn diện và đa dạng về các hình thức hỗ trợ giáo dục, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong toàn tỉnh./.
Hồng Minh