Hoa trong đời sống người Việt!

02:01, 22/01/2019

Từ lâu, hoa đã có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khi một đứa trẻ sinh ra, những bó hoa tươi được tặng cho người mẹ thay lời chúc mừng của mọi người chào đón thiên thần bé nhỏ đến với thế giới. Đôi lứa yêu nhau, một bông hồng nhung đỏ thắm là lời tỏ tình lãng mạn nhất mà không ai có thể chối từ. Hoa có mặt trên đôi tay, mái tóc cô dâu e ấp trong ngày cưới, trong các dịp sinh nhật, những cuộc vui. Và ngay cả khi có chuyện buồn, khi tiễn biệt ai đó đi xa mãi, một bó hoa cũng nói hộ ta những sẻ chia, an ủi. Hoa điểm tô sắc màu cho bốn mùa trong năm đều rực rỡ sắc hương. Trong những vật dụng hằng ngày và vật liệu kiến trúc thời Lý - Trần thế kỷ XI-XIV được tìm thấy qua các phát hiện khảo cổ học đều được trang trí, chạm khắc tinh tế bằng những bông hoa sen, hoa chanh, hoa thị, hoa cúc. Hoa đi vào thơ ca, nhạc họa, làm đắm say bao tâm hồn nghệ sĩ tài hoa. 

Làng hoa Nam Mỹ (Nam Trực) vào Xuân. Ảnh: Huy hòa
Làng hoa Nam Mỹ (Nam Trực) vào Xuân.
Ảnh:
Huy Hòa

Trong muôn sắc hoa rực rỡ của mùa xuân, đứng đầu vẫn là hoa đào và hoa mai. Hoa mai vàng tươi, có 5 cánh kết thành vòng tròn tượng trưng cho Ngũ phúc thần, mang lại sự may mắn thịnh vượng được người miền Nam đặc biệt ưa thích. Hoa mai trắng lại là biểu tượng của vẻ đẹp trong sáng, thanh tao, tượng trưng cho tinh thần kiên cường bất khuất, cốt cách, khí tiết của người quân tử. Nhà thơ Cao Bá Quát, người được nhân gian truyền tụng “Thần Siêu - Thánh Quát” từng viết: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (nghĩa là: Một đời chỉ cúi đầu lạy hoa mai). Còn đối với người miền Bắc, hoa đào là biểu tượng riêng cho mùa xuân, cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Màu đỏ thắm của hoa đào tượng trưng cho một năm mới tươi sáng, ấm áp với sức khỏe dồi dào, sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc. Vì vậy, vào dịp Tết, hầu như nhà nào cũng rất cầu kỳ chọn một cành đào đẹp để trưng bày. Dù là đào phai, có hoa cánh đơn mỏng manh, màu hồng phớt hay đào bích cánh kép, màu hồng đậm thì đều phải đảm bảo các tiêu chí: cành đều, gốc thẳng; thân đào phải xù xì, khoẻ, chắc, điểm những đốm mốc rêu phong như da đồi mồi; dăm đào phải nhỏ, vút thẳng ra ngoài tán, những chiếc nụ bụ bẫm trải đều từ đầu tới cuối. Thú chơi hoa Tết đã trở thành nét đẹp tinh thần đáng quý trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam.

Hoa không chỉ làm đẹp cho đời, hoa còn là món ăn ngon, tạo nên nét văn hóa ẩm thực vùng miền đặc sắc. Ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày trước, hầu như nhà nào cũng trồng một giàn hoa thiên lý. Hoa từng chùm đung đưa, nở xòe năm cánh như những ngôi sao màu cốm non dịu dàng, tỏa hương ngan ngát thềm nhà những đêm trăng. Trưa hè oi bức, đi gặt về có bát canh cua đồng nấu hoa thiên lý thì chẳng còn gì thơm thảo, mát lành bằng. Quanh bờ ao, những giàn bí, giàn mướp rập rờn những đóa hoa vàng tươi như muôn ngàn cánh bướm. Người ta hái nụ mướp nấu canh, xào tỏi và lòng gà hoặc nhồi thịt vào bông bí đỏ, hấp lên chấm với xì dầu, ăn vừa ngọt vừa thơm. Còn đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm vào mùa nước nổi tràn đồng, hoa điên điển nở vàng rực khắp nẻo bờ kênh. Canh chua bông điên điển nấu với cá linh tươi thơm nức, bông điên điển xào tép đồng ngọt lịm, bông điên điển tươi ăn kèm cá kho… đã trở thành những món ăn đậm đà hương sắc miền Tây mà ai đã một lần thưởng thức không thể nào quên. Trong các món đồ uống vào ngày thường cũng như dịp Tết, các loại trà làm từ hoa, trà ướp hương hoa cũng được nhiều người yêu mến. Trà sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc, mỗi loại trà đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công trong chọn hoa, ướp hương, sao tẩm. Riêng với trà sen, ngày trước, khi muốn uống trà sen tươi, những đêm hè trăng thanh gió mát, người ta phải chèo thuyền ra tận đầm sen, bỏ trà vào trong bông sen vừa he hé, buộc túm các cánh hoa lại hay lấy chiếc lá sen tơ bọc bên ngoài bông hoa rồi buộc lại. Để qua một đêm cho trà hút đẫm hương sen thơm ngát, sáng sớm hôm sau mới hái về dùng. Ở nhiều vùng nông thôn, đầu hè, hoa vối nở trắng cành, tỏa hương thơm dịu. Người ta thường thu hoạch nụ vối mọc chi chít trên những cây vối quế, phơi khô, sao thơm, cất kỹ trong bình gốm. Chờ đến tiết thu mát mẻ hoặc ngày đông giá lạnh, ủ một bình nụ vối trong giỏ tích, thả vào mấy lát gừng tươi làm thức uống, vừa đượm hương, vừa ấm bụng. Nam Định có nhiều làng hoa, vùng trồng hoa nức tiếng trong cả nước. Từ thời Trần, vây quanh các phủ đệ có rất nhiều vườn hoa để thượng hoàng và nhà vua thưởng ngoạn. Những vườn này mang tên thật đẹp: Phù Hoa, Liễu Nha, Lựu Phố. Các vườn này là nơi trồng hoa, ươm hoa và cây cảnh cho vương phủ. Đôi bờ sông Vĩnh, dòng sông nối liền toàn bộ kinh thành lại với nhau, nơi thì "Liễu tốt tươi thướt tha rủ lá xuống mặt nước" khiến "thuyền con men liễu lướt khe đi", nơi thì cam quýt chín vàng. Lê Trắc, một sử gia đương thời trong tác phẩm "An Nam chí lược" đã viết: "Ở đây, nước triều quanh thành, hoa cỏ bên bờ tươi tốt, mùi hương xông ngát, có những thuyền hoa trang hoàng đẹp đẽ qua lại trên sông như cảnh tiên vậy". Ngày nay, nhiều làng, xã vẫn giữ được và phát triển nghề trồng hoa truyền thống. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) được coi là “vương quốc của hoa cúc”. Xã Nam Mỹ (Nam Trực) rực thắm sắc hoa đào mỗi độ xuân về. Xã Nam Phong (Thành phố Nam Định) phong phú đa dạng hơn với hoa hồng, hoa ly, loa kèn, cát tường, violet, vàng anh… Làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh, quê hương của nhiều giống hoa. Theo ngọc phả đình Vị Khê, nghề trồng hoa, cây cảnh có từ thế kỷ XIII (1211). Hơn 800 năm trôi qua với biết bao biến cố nhưng làng hoa cây cảnh Vị Khê vẫn tồn tại và phát triển. Nhiều năm qua, từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng, làng đều tổ chức Lễ hội truyền thống hoa - cây cảnh, để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông tổ nghề. Đặc biệt, ở Thành phố Nam Định, ngoài chợ hoa đêm diễn ra hằng ngày ở khu vực đường Cột Cờ còn có Chợ Hoa xuân Thành Nam tại Quảng trường Hoà Bình. Chợ mỗi năm chỉ họp một lần bắt đầu từ trước ngày 23 tháng Chạp đến ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp, hội tụ sắc hoa của tỉnh ta và nhiều vùng miền trong cả nước.

Chen chân trong dòng người đông đúc giữa Chợ hoa Xuân Thành Nam ngày giáp Tết, giữa không gian tràn ngập hương sắc của mùa xuân, tôi thấy lòng  mình thật nhẹ nhàng ấm áp. Cảnh vật, con người như bừng lên sức sống mới đón chào năm Kỷ Hợi đang đến thật gần./. 

 Lam Hồng 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com