Mùa Xuân được coi là mùa của sự sinh sôi nảy nở. Vì thế, vào đầu xuân mới, người dân thường tìm đến những chốn linh thiêng: đền, chùa, miếu mạo để dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và những người có công với dân, với nước, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành. Đi lễ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt.
Lễ rước kiệu Ngọc Lộ trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần. |
Nam Định là vùng đất của lễ hội. Lễ hội đầu năm ở tỉnh ta diễn ra rất đa dạng, phong phú với các hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo, thể hiện tín ngưỡng thờ Phật, thờ nhân thần, đạo lý tôn kính tổ tiên, tổ nghề… đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Theo lệ, đi lễ đầu năm thường phải có đồ lễ. Mâm lễ chùa thờ Phật bao gồm: xôi chè, oản, hương hoa, tiền vàng và sớ. Lễ mặn chỉ được áp dụng trong trường hợp đình, đền, phủ thờ các vị Thánh, Mẫu, Thành hoàng… Lễ mặn gồm: thịt lợn, thịt gà, giò chả, rượu, trầu cau... Tuy cách lễ, khấn và đồ lễ ở một số địa phương có khác nhau nhưng cùng chung một ước nguyện cầu tài, cầu lộc, cầu may, cầu duyên, cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và những người thân trong gia đình. Theo quan niệm xưa sau khi lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa, nhà đền một thứ gì đó về làm lộc đầu năm. Do đó, việc xin lộc đầu năm đã trở thành tục lệ truyền thống. Lộc ở đây thường là những nhánh cây non bởi vì mùa Xuân không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ Xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Cũng theo phong tục cổ truyền, lộc xuân hái từ những cây như: đa, sung, sanh, si sẽ đem lại sức khoẻ, sự trường tồn. Còn hái lộc từ những cây như: tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và may mắn. Nhánh cây được người dân đem về treo trước cửa nhà hoặc chưng trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình.
Đến với các lễ hội mùa Xuân trong tỉnh, đông đảo người dân và khách thập phương không chỉ đi lễ mà còn được chiêm bái, tham quan đình, chùa, miếu mạo. Nhiều di tích là những công trình kiến trúc tôn giáo thể hiện tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân xưa thông qua nghệ thuật chạm khắc và trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Tiêu biểu như các di tích: Đền Trần - Chùa Tháp (Thành phố Nam Định), Phủ Dầy (Vụ Bản), Chùa Lương (Hải Hậu), Đình - Đền Kiên Hành, Đình - Chùa Diêm Điền (Giao Thuỷ), Chùa Đại Bi (Nam Trực)… Các di tích còn gắn với các di sản văn hóa phi vật thể thông qua lễ hội như: Nghi lễ Chầu văn, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong các lễ hội, ngoài phần lễ trang trọng, phần hội được khôi phục nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: múa rối cạn, rối nước, hát chèo, hát văn, ca trù… và các hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc mang đặc trưng từng vùng, miền như: múa lân - sư - rồng, chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, kéo chữ…
Khu di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp (Thành phố Nam Định) là điểm du lịch tâm linh không chỉ thu hút người dân Nam Định mà cả người dân các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đêm 30 và các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, người dân đến lễ chật kín cả khu vực nội tự lẫn ngoài sân đền, chùa; mỗi ngày có khoảng 10 nghìn người đến lễ. Lễ hội Khai ấn Đền Trần (từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) là dịp di tích đón lượng khách đông nhất từ khắp nơi đổ về. Mỗi ngày có từ 100-200 đoàn khách đến lễ. Chị Trần Thị Loan, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) chia sẻ: Đi lễ đầu năm đã trở thành việc làm thường niên đầy ý nghĩa với tôi và gia đình. Đối với tôi, đi lễ hội Khai ấn Đền Trần dịp đầu năm mới không chỉ đơn thuần là cầu công danh, sự nghiệp mà còn được tham gia vào các nghi lễ trang trọng như: rước kiệu Ngọc Lộ, rước Nước tế Cá và hoà mình vào những hoạt động văn hoá đặc sắc như: chọi gà, đấu vật, võ thuật, múa sư - rồng... Bà Nguyễn Thị Oanh, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chia sẻ: Đi lễ đầu năm là một phong tục tốt đẹp, hướng con người nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện. Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, gia đình tôi lại đi lễ Chùa Đại Bi để cầu phúc, lộc, bình an. Mỗi người trong gia đình tôi đều tìm được sự thư thái cho tâm hồn sau một năm bộn bề, vất vả, bận rộn. Còn ông Vũ Công Cương, phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định) cho biết: Năm nào cũng vậy, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình tôi là đến Chùa Đệ Tứ và Chùa Cả dâng hương, xin lộc. Ở tuổi này, tôi chỉ mong có đủ sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Việc đi lễ đầu năm không chỉ giúp cho người dân Việt giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới cái “chân - thiện - mỹ”, tạo dựng niềm tin giữa đời sống con người với đời sống tâm linh, để các di sản văn hoá phát huy được giá trị tâm linh đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng