Phong trào xây dựng "Văn hoá - nông thôn mới" ở Giao Thủy

05:12, 21/12/2018

Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Giao Thuỷ đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí cụ thể, phù hợp thực tiễn mỗi địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều giá trị văn hoá truyền thống trong các làng quê được gìn giữ và phát huy.

Hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện thường xuyên hướng dẫn các xã, thị trấn bình xét, đề nghị công nhận các danh hiệu: “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”, “Xóm (tổ dân phố) văn hóa - nông thôn mới”, “Xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới”. Các nội dung, tiêu chí của phong trào được đưa vào hương ước, quy ước để cộng đồng dân cư cùng thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: cổ động trực quan, tuyên truyền trên Đài phát thanh, Cổng thông tin điện tử huyện, Đài truyền thanh các xã, thị trấn; thông qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể. Năm 2016, toàn huyện có 33 tập thể, 19 cá nhân được UBND huyện tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (2000-2015).

Tiết mục múa hát ca ngợi Đảng và Bác Hồ do đội văn nghệ tổ dân Lâm Hạ, Thị trấn Quất Lâm biểu diễn nhân dịp đón bằng công nhận “Tổ dân phố văn hóa - nông thôn mới”.
Tiết mục múa hát ca ngợi Đảng và Bác Hồ do đội văn nghệ tổ dân Lâm Hạ, Thị trấn Quất Lâm biểu diễn nhân dịp đón bằng công nhận “Tổ dân phố văn hóa - nông thôn mới”.

Trong xây dựng gia đình văn hoá, các xã, thị trấn đã phát triển phong trào trong các tổ chức đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh với phong trào “Gia đình hội viên gương mẫu”, Hội Người cao tuổi với phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... Đặc biệt, phong trào “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ được các địa phương đẩy mạnh với nhiều hình thức sinh hoạt câu lạc bộ như: Gia đình hạnh phúc, không sinh con thứ ba, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, phụ nữ với pháp luật... Với sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa - nông thôn mới” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Việc thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ dân trong cộng đồng. Đến nay, toàn huyện có 53.293/61.088 hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá - nông thôn mới” (đạt 87,2%). Phong trào xây dựng “Xóm (tổ dân phố) văn hóa - nông thôn mới” ở Giao Thuỷ đã tạo được sự đồng thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân. Người dân với vai trò là chủ thể đã xác định được quyền lợi, trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới. Việc quy hoạch xây dựng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn luôn được công khai, minh bạch, lấy ý kiến từ nhân dân. Các hộ dân luôn chủ động chỉnh trang nhà cửa, ao vườn; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế… Hiện, cả 22 xã, thị trấn trong huyện đều được công nhận “Xã (thị trấn) đạt chuẩn văn hoá - nông thôn mới”; 303/332 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Xóm (tổ dân phố) văn hóa - nông thôn mới” (đạt tỷ lệ 91,3%). Huyện Giao Thuỷ là “điểm sáng” của toàn tỉnh về thực hiện hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đến nay, cả 332 xóm, tổ dân phố đều xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hoá. Nhiều địa phương triển khai quyết liệt, có hiệu quả cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” trong các đám cưới; tiêu biểu như: Thị trấn Quất Lâm, Thị trấn Ngô Đồng và các xã Giao Tiến, Giao Long, Giao Hà, Bình Hoà, Giao Phong, Bạch Long, Giao Thịnh…

Tháng 11-2018, tại hội nghị sơ kết phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” (giai đoạn 2015-2017), xã Giao Hà và xã Giao Phong là 2 địa phương tiêu biểu được UBND huyện công nhận “Xã văn hoá - nông thôn mới”. Ở Giao Hà, thực hiện phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới”, xã chỉ đạo xóm tích cực tuyên truyền, vận động gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh gắn với phát triển kinh tế. Các hộ dân trong các xóm tích cực tham gia phát triển kinh tế trang trại, gia trại và các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhờ chuyển đổi, đa dạng hoá các mô hình phát triển kinh tế, đến nay, hầu hết các hộ trong xã có cuộc sống khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%. Kinh tế phát triển, nhân dân có điều kiện đóng góp xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Năm 2018, số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá - nông thôn mới” ở xã chiếm 90,4%, cả 12 xóm trong xã đều được công nhận “Xóm văn hoá - nông thôn mới”. Xã Giao Phong có 100% xóm đạt chuẩn “Xóm văn hoá - nông thôn mới”, tỷ lệ gia đình văn hoá - nông thôn mới ở xã hằng năm luôn đạt trên 90%. Phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” đã mang lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn trong xã được nhựa hoá, bê tông hoá, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng; 1 nhà văn hoá xã, 11 nhà văn hoá xóm được xây dựng khang trang, đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá” trên địa bàn huyện Giao Thuỷ cũng được đẩy mạnh với các tiêu chí: xây dựng nền nếp, tác phong làm việc có kỷ luật; thực hiện tốt nội quy cơ quan; giao tiếp văn minh, lịch sự, có tinh thần trách nhiệm với công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nề nếp, kỷ cương cơ quan, doanh nghiệp được giữ vững, an ninh trật tự được đảm bảo, các phong trào văn hoá văn nghệ, thể thao, môi trường và điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện. Đến nay, toàn huyện có 135/162 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 83,3%).

Kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” ở huyện Giao Thuỷ là các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tâp trung chỉ đạo đầu tư có trọng điểm cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá ngang tầm các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Trọng tâm là đẩy mạnh xã hội hoá nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hoá xóm và tủ sách nhà văn hoá xóm, phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, tăng cường giáo dục các giá trị truyền thống văn hoá, truyền thống cách mạng, xây dựng con người mới. Đến nay, cả 22 xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng nhà văn hóa trung tâm quy mô trên 250 chỗ ngồi và trung tâm thể dục, thể thao; cả 332 xóm, tổ dân phố đều có nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng; trên 70% nhà văn hóa xóm có tủ sách, máy tính nối mạng để người dân nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức khoa học, pháp luật. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao ở các địa phương trong huyện phát triển mạnh. Toàn huyện hiện có 157 tổ, đội văn hoá - văn nghệ quần chúng; 5 câu lạc bộ văn học - nghệ thuật cấp huyện sinh hoạt đa dạng nhiều thể loại như: thơ, hát chèo, chầu văn, hát ví, hát giao duyên, nhạc kèn, trống hội… Các tổ, đội, câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ đều xây dựng quy chế, nguồn quỹ hoạt động từ sự đóng góp của các thành viên và thu nhập từ những buổi biểu diễn để mua sắm trang phục, các thiết bị hoạt động, góp phần tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Thành công của phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” ở huyện Giao Thuỷ là do sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc vận động sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh đã huy động các nguồn lực hỗ trợ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo tiền đề để địa phương phấn đấu, tiếp tục thực hiện tốt phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới”./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com