Những năm qua phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta phát triển cả về chất và lượng. Đạt được kết quả đó, cùng với sự “vào cuộc” của ngành VH, TT và DL trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ở các địa phương trong tỉnh đều có những “nghệ nhân dân gian” am hiểu về các loại hình dân ca, dân vũ tham gia truyền dạy cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng.
Trung tâm Văn hóa 3-2 (TP Nam Định) thường xuyên tổ chức các lớp dạy ca, múa, nhạc cho những người có năng khiếu nghệ thuật. Lớp học thanh nhạc của Trung tâm thường xuyên duy trì từ 3-5 học viên đa dạng ở các lứa tuổi, ngành nghề như: giáo viên các trường mầm non, tiểu học, những hạt nhân văn nghệ của các CLB nghệ thuật, học sinh đang học THPT có hướng thi vào các trường văn hóa nghệ thuật… Lớp học đàn Oóc-gan của Trung tâm thường xuyên duy trì trên 10 học viên, có thời điểm lên gần 20 học viên vào dịp hè. Qua lớp học, một số người đã thi đỗ vào khoa Sư phạm âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh các lớp học năng khiếu, Trung tâm Văn hóa 3-2 còn duy trì các CLB văn hóa, văn nghệ như: CLB văn nghệ dân gian, CLB Tiếng hát CCB, CLB Văn nghệ CCB bộ đội Trường Sơn tỉnh… Ở CLB Văn nghệ dân gian có những nghệ sĩ từng gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp đã tích cực truyền dạy những kiến thức, kinh nghiệm cho những người có cùng đam mê, tiêu biểu như: NSƯT Thanh Thủy, NSƯT Tuyết Lành, các nghệ sĩ chèo Hồng Lê, Thanh Quế, Kim Oanh. NSƯT Tuyết Lành từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia. Với giọng hát lôi cuốn, giàu nội lực, trong quá trình công tác NSƯT Tuyết Lành đã giành 13 Huy chương Vàng tại các hội diễn đàn hát dân ca, ca múa nhạc chuyên nghiệp... của tỉnh, khu vực phía Bắc và toàn quốc. Tham gia CLB văn nghệ dân gian, mỗi năm, bà dạy từ 20-30 học viên, trong đó có nhiều người cao tuổi học thanh nhạc để có thêm kỹ năng biểu diễn, tự tin tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương. NSƯT Tuyết Lành và các thành viên trong CLB đã phối hợp với một số trường học trên địa bàn Thành phố Nam Định tổ chức biểu diễn các vở chèo cổ về đề tài lịch sử để bổ sung thêm các kiến thức lịch sử và truyền lửa đam mê nghệ thuật cho học sinh.
Cụ Nguyễn Thị Huề (ở giữa), xã Yên Phong, huyện Ý Yên đang hướng dẫn con, cháu các làn điệu dân ca. |
Ở Trung tâm VH-TT-TT các huyện, thành phố cũng diễn ra nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ cơ sở. Từ nhiều năm nay, phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Hải Hậu vẫn luôn nằm trong tốp đầu toàn tỉnh. Có được kết quả tích cực đó, Trung tâm VH-TT-TT huyện thường xuyên cử cán bộ đến từng xã, thị trấn hướng dẫn chuyên môn cho các đội văn nghệ. Anh Minh Thành, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT Hải Hậu nhiệt tình đến từng xã, thị trấn bồi dưỡng nhạc lý cho những người yêu nghệ thuật. Ngoài ra, anh mở lớp dạy đàn piano và thanh nhạc cho những người có năng khiếu. Nhiều học trò của anh đã tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc; tiêu biểu như: Lâm Bích Diệp, sinh viên Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội; Phạm Nhật Lệ và Hạ Băng Tâm, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương... Để tạo sân chơi cho những người đam mê âm nhạc, anh Thành cùng một số người yêu nghệ thuật đã thành lập Hội âm nhạc Hải Hậu gồm 234 nhạc công và gần 30 ca sĩ không chuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn 3 tháng một lần. Ở huyện Ý Yên, thời gian gần đây nhu cầu của các bậc phụ huynh ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Tiến, Yên Xá, Yên Ninh, Yên Khánh… cho con học các lớp năng khiếu nghệ thuật ngày một tăng. Trung tâm VH-TT-TT huyện đã mở nhiều khóa đào tạo năng khiếu cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Hiện nay, lớp múa của Trung tâm duy trì 20 học viên theo học. Từ các lớp năng khiếu, nhiều em trở thành hạt nhân văn nghệ của trường. Ở Vụ Bản, Trung tâm VH-TT và DL huyện đã mời các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định về tập huấn nghệ thuật hát chèo cho đội chèo làng Vụ Nữ. Lớp tập huấn đã thu hút 30 học viên là các thành viên trong đội và các hạt nhân năng khiếu về nghệ thuật chèo. Qua tập huấn, các thành viên đã biểu diễn nhuần nhuyễn các làn điệu chèo cổ, hát xẩm, hát văn, hoạt cảnh, giá đồng… dàn dựng các hoạt cảnh chèo phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương.
Ngoài các lớp học ở các Trung tâm VH-TT-TT, nhiều diễn viên “gạo cội” trong phong trào văn nghệ quần chúng đã mở các lớp truyền nghề miễn phí cho những hạt nhân văn nghệ ở cơ sở. Bà Nguyễn Thị Hiên (67 tuổi), xã Trực Cường (Trực Ninh) có nhiều năm biểu diễn, truyền dạy nghệ thuật hát chèo, hát văn cho thành viên các đội văn nghệ trong và ngoài huyện. Sinh ra ở xã Hải Hà, ngay từ nhỏ bà Hiên đã theo gánh hát chèo địa phương đi phục vụ khắp nơi trong vùng. Năm 1974, bà lập gia đình và được ông nội của chồng khi đó là NSƯT Nguyễn Thanh Kỳ truyền dạy kỹ năng biểu diễn hát chèo. Từ năm 1976, bà Hiên cùng chồng đã dàn dựng nhiều ca cảnh chèo, sáng tác các bài hát văn và truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho những người đam mê. Năm 2012 sau khi chồng qua đời, bà Hiên tiếp tục gây dựng các đội chèo ở các xã: Hải Đông, Hải An, Hải Toàn... Ở huyện Xuân Trường, ông Đinh Quốc Việt và anh Nguyễn Văn Hiến ở xã Xuân Tân với khả năng biểu diễn thuần thục nhiều loại nhạc cụ dân tộc và các làn điệu chèo đã tích cực hướng dẫn cho nhiều hạt nhân văn nghệ trong và ngoài xã. Ở Thành phố Nam Định, bác Vũ Khắc Phùng (74 tuổi), Chủ nhiệm đội sáo trúc phường Lộc Hạ mở lớp dạy sáo miễn phí thu hút nhiều thanh, thiếu nhi ở địa phương tham gia. Hiện tại, lớp sáo của bác đã có gần 20 học viên.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều diễn viên, nhạc công không chuyên đang ngày đêm truyền dạy, phát triển phong trào văn nghệ ở địa phương, tiêu biểu như: Cụ Nguyễn Thị Huề, nghệ nhân Ưu tú Quang Lộc (Ý Yên), cụ Đặng Mạnh Yêu (Mỹ Lộc), Nguyễn Thị Hồng The (Nam Trực), Trần Thị Hồng Thân (Nghĩa Hưng), các ông Hoàng Cần, Phạm Uy (Hải Hậu), Viết Nhương (Nam Trực)… Họ luôn giữ vai trò “cố vấn” hướng dẫn các ca sĩ, diễn viên trẻ không chuyên hoàn thiện các kỹ năng biểu diễn, tự tin theo đuổi đam mê nghệ thuật. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần tạo ra những nhân tố mới trong phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương. Nhờ duy trì tốt công tác đào tạo hạt nhân văn nghệ cơ sở mà các làn điệu dân ca truyền thống như hát ru, trống quân, hát chèo, hát văn, ca trù được duy trì, phát triển thông qua hoạt động của các CLB, đội văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Viết Dư