Những năm qua, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống ở huyện Giao Thuỷ luôn được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; phát huy hiệu quả phục vụ đắc lực nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nhà truyền thống xã Giao Tiến có gần 200 hiện vật, hình ảnh và tài liệu gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các bậc danh nhân, các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ cách mạng đã có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Được xây dựng năm 2014 trên nền của ngôi đình làng cổ, nhà truyền thống xã Giao Tiến có diện tích 150m2, được chia làm 5 phần trưng bày: hình ảnh, hiện vật về công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước; tài liệu về những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; danh hiệu Anh hùng LLVTND, chân dung Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lãnh đạo xã qua các thời kỳ và những người có công chiến đấu bảo vệ quê hương; hình ảnh về các sắc phong dưới các triều Trần, Lê, Nguyễn… Mỗi phần trưng bày đều khai thác các hiện vật, hình ảnh thể hiện tính khoa học, tính thẩm mỹ, làm nổi bật truyền thống và những nét bản sắc riêng của mảnh đất, con người Hoành Nha xưa (xã Giao Tiến ngày nay). Khi nhà truyền thống được đưa vào sử dụng, UBND xã Giao Tiến đã vận động các hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử để trưng bày. Đến nay, nhà truyền thống xã Giao Tiến đã sưu tầm được nhiều cổ vật có giá trị, tiêu biểu như: Con dấu “Hộ lại” dùng để quản lý hộ khẩu, cấp giấy cho nhân dân đi lại (thời kỳ kháng chiến chống Pháp); cùng các cuốn “Hoè Nha Lục” bằng chữ Hán, Nôm (thế kỷ XV)… Việc trưng bày, sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật từ công tác xã hội hoá đã đưa hoạt động của nhà truyền thống đi vào ổn định, số người đến tham quan ngày càng tăng. Mỗi năm, nhà truyền thống có khoảng hơn 100 lượt người đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Du khách tham quan nhà lợp bổi của tầng lớp trung nông đầu thế kỷ XX tại Bảo tàng Đồng quê (xã Giao Thịnh). |
Bảo tàng Đồng quê là nơi lưu giữ hơn 10 nghìn hiện vật lịch sử qua các thời kỳ. Hằng năm, Bảo tàng thu hút hằng trăm lượt du khách ở các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Thành phố Hà Nội… đến tham quan, trải nghiệm. Bảo tàng do bà Ngô Thị Khiếu cùng chồng là Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền - nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh xây dựng. Với diện tích trên 6.000m2, Bảo tàng Đồng quê được chia làm 3 khu trưng bày: trong nhà, ngoài trời và khu văn hoá ẩm thực đồng quê. Điểm nhấn của bảo tàng là khu trưng bày trong nhà gồm 4 tầng; trong đó, tầng 1 là nơi lưu giữ kỷ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về QĐND Việt Nam. Những hiện vật tại đây được bố trí độc lập theo các chủ đề: Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh - Biên giới phía Nam - Đảo Trường Sa - hoạt động của lực lượng Công binh, Hải quân… Tầng 2 trưng bày theo chủ đề “Cây lúa với đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc Bộ”, tái hiện cuộc sống của người nông dân, diêm dân, ngư dân với các hình ảnh, hiện vật là những loại công cụ nông nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản, làm muối, dệt chiếu, mây tre đan, mộc... Tầng 3 trưng bày hàng nghìn hiện vật bằng đồng, gốm, sành, sứ có niên đại 2000 năm đến nay. Trong đó có khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh bằng đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hơn 1 tạ tiền xu, 2kg tiền giấy Đông Dương các loại… Tầng 4 là thư viện thu nhỏ với hơn 1.000 đầu sách các loại... Khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng gồm 4 loại nhà tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ từ thời phong kiến đến nay gồm: Nhà mái rạ tường đất của tầng lớp bần cố nông, nhà lợp bổi của tầng lớp trung nông, nhà xây lợp ngói nam của tầng lớp địa chủ, nhà gác tường lợp ngói tây của người dân nông thôn Bắc Bộ (thế kỷ XX). Từ khi đi vào hoạt động (tháng 12-2012), Bảo tàng Đồng quê là “địa chỉ văn hoá” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đối tượng tham quan của bảo tàng chủ yếu là học sinh của các trường THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn huyện Giao Thuỷ và các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh. Bên cạnh việc tham quan không gian cổ xưa làng quê Bắc Bộ, các em học sinh còn được tham gia trải nghiệm các nghề truyền thống của địa phương như: dệt chiếu cói, tham gia trực tiếp vào các công đoạn chế biến những món ăn dân dã như: cơm quê, bánh đa, bánh đúc, bánh khúc, bánh gai, canh cua, cà muối, cá kho nồi đất, gà ri, lợn mán, nem nắm…
Thực hiện Đề án của Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, NVH, CLB”, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử thông qua hoạt động của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống ở huyện Giao Thuỷ bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH, TT và DL, Phòng GD và ĐT phối hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tham quan, học tập cho học sinh các cấp tại bảo tàng, nhà truyền thống nhân các ngày lễ kỷ niệm của dân tộc như: Chiến thắng (30-4), Quốc khánh (2-9), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12)… Trong các tiết học ngoại khoá, giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của địa phương. Để nâng cao chất lượng hoạt động, các bảo tàng, nhà truyền thống ở huyện Giao Thuỷ thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm tạo dấu ấn và thu hút khách tham quan như: đầu tư phương tiện, trang thiết bị, mi-crô, loa, màn chiếu… phục vụ các đoàn học sinh các trường học tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương. Hiện nay, ở một số xã trên địa bàn huyện như: Giao Hà, Bạch Long, Giao Long, Hoành Sơn, Thị trấn Ngô Đồng…, hệ thống phòng truyền thống cũng là những “trang sử” sinh động phản ánh quá trình đấu tranh cách mạng của quê hương. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện phòng truyền thống; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã do cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, giáo viên hoặc những người am hiểu về lịch sử, văn hoá của địa phương đảm nhiệm.
Việc phát huy vai trò của bảo tàng, nhà truyền thống ở Giao Thuỷ đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách và ý thức trách nhiệm công dân, có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử, cách mạng của quê hương, nhất là đối với thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng