Những đội múa tứ linh ở Hải Hậu

08:10, 26/10/2018

Huyện Hải Hậu hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó tiêu biểu là nghệ thuật múa tứ linh. Điểm đặc sắc của các đội múa tứ linh ở Hải Hậu là sự đầu tư bài bản từ đạo cụ, trang phục đến kỹ thuật biểu diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Hội Hoàng Kỳ Lân xã Hải Phúc (Hải Hậu) biểu diễn tại Phủ Tiên Hương (Vụ Bản).
Hội Hoàng Kỳ Lân xã Hải Phúc (Hải Hậu) biểu diễn tại Phủ Tiên Hương (Vụ Bản).

Nhiều đội múa tứ linh ở Hải Hậu có nhiều thành viên, phục vụ đắc lực các sự kiện văn hóa của địa phương, tiêu biểu như: hội lân sư rồng Kim Anh Đường xã Hải Chính, hội Hoàng Kỳ Lân xã Hải Phúc, hội múa rồng xã Hải Trung, hội múa rồng xã Hải Bắc, đội múa sư tử xã Hải Hưng, đội múa sư tử nữ xã Hải Đông, đội múa sư tử nữ xã Hải Cường, đội sư tử xã Hải Anh, đội sư tử xã Hải Thanh... Hội lân sư rồng Kim Anh Đường xã Hải Chính được thành lập năm 2015 do anh Nguyễn Tuấn Anh (20 tuổi) làm chủ nhiệm. Đam mê loại hình nghệ thuật múa tứ linh và từng ở Thành phố Hồ Chí Minh nên Tuấn Anh có điều kiện tiếp xúc, học hỏi các huấn luyện viên lân sư rồng. Về địa phương, Tuấn Anh đã tập hợp hơn 40 người có độ tuổi từ 15-33 thành lập hội múa lân sư rồng. Ngay khi thành lập, Hội đã đầu tư bài bản với 7 đầu lân, 2 rồng, 1 dàn trống hội, 1 giàn Mai Hoa Thung với kinh phí trên 100 triệu đồng. Điểm đặc sắc ở Hội lân sư rồng Kim Anh Đường là màn biểu diễn múa lân Mai Hoa Thung. Đây là điệu múa khó nhất của nghệ thuật múa lân vì người múa lân phải biểu diễn trên 21 cọc sắt có chiều cao từ 1,5m đến 2,2m. Để có một bài múa, điệu nhảy đẹp mắt, người múa phải khổ luyện thời gian dài, người biểu diễn phải thực hiện các động tác phức tạp như đội đầu lân đứng một chân trên đùi, đứng trên tay hoặc vai của người giữ đuôi lân, rồi hai chân đứng trên đùi, quay 180 độ, nhảy ngồi lên đầu… Nếu mất tập trung hoặc phối hợp không hài hòa theo tiếng trống thì tai nạn trượt chân là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, để duy trì các bài biểu diễn, các thành viên trong hội luyện tập 3 buổi/tuần, mỗi buổi tập từ 2-3 tiếng tại nhà văn hóa xã Hải Chính. Là một trong những hội múa lân có tiếng, ngoài tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương, Hội còn thường xuyên được mời biểu diễn trong các sự kiện văn hóa lớn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình… Hội Hoàng Kỳ Lân xã Hải Phúc được thành lập năm 2011, nòng cốt là các thành viên lứa tuổi học sinh THCS, THPT. Cô Phạm Thị Oanh, xóm 5, xã Hải Phúc là người bảo trợ hoạt động của Hội cho biết: Ngày mới thành lập, hội đã tìm đặt đầu lân chuẩn về hình dáng, kích cỡ ở Thành phố Hồ Chí Minh; đặt mua bộ gõ gồm trống, thanh la, não bạt... ở những làng nghề uy tín và sưu tầm giáo trình dạy múa lân cho các thành viên luyện tập. Anh Hoàng Việt Tiến, 27 tuổi, người phụ trách hội lân cho biết: Ngoài niềm đam mê, các thành viên trong Hội với sức trẻ đã phát huy khả năng sáng tạo để luyện tập những kỹ thuật khó để thể hiện từng nét tính cách, hùng khí và sự dũng mãnh của lân. Đến nay, hội Hoàng Kỳ Lân đã có 5 đầu lân biểu trưng cho ngũ sắc kết hợp biểu diễn các bài: “Ngũ lân tranh hùng”, “Ngũ lân sum vầy”. Cùng với đầu lân, hiện nay Hội đã mua thêm 2 con rồng vải và thành lập đội múa rồng để kết hợp biểu diễn với những màn múa lân.

Hội Hoàng Kỳ Lân thường xuyên được mời biểu diễn trong các sự kiện nhân các ngày lễ, tết như: Kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Tết Trung thu, các lễ hội, khai trương cửa hàng... Nghệ thuật múa sư tử ở xã Hải Hưng đã có truyền thống gần 100 năm. Sau thời gian dài mai một, năm 2000, ông Phạm Đức Triều, xóm 19 đã vận động một số người dân địa phương thành lập đội múa sư tử. Đến nay, đội sư tử của xã gồm 22 thành viên; trong đó cụ Nguyễn Hữu Khương (87 tuổi) vẫn tham gia dạy đánh trống cho đội. Hiện nay, ngoài phục vụ các dịp lễ hội, các sự kiện chính trị ở địa phương, đội còn được mời tham gia biểu diễn ở các xã, thị trấn trong huyện. Ở xã Hải Đông truyền thống múa sư tử cũng có từ lâu. Bà Phạm Thị Tâm (62 tuổi), đội trưởng đội múa sư tử nữ cho biết: Thành lập năm 2005, đội múa sư tử nữ của xã là một trong những đội sư tử nữ đầu tiên của huyện. Đến nay, đội có 35 thành viên, độ tuổi từ 25-65 tuổi. Hiện nay, các thành viên trong đội không chỉ đóng một vai, mà còn biểu diễn nhiều bài múa có vũ điệu hấp dẫn, thể hiện những trạng thái khác nhau của sư tử: lúc hung dữ vồ mồi, lúc âu yếm bên con… Hội múa rồng xã Hải Bắc được thành lập năm 2011 có 24 thành viên chủ yếu là nữ, hoạt động dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa và sự đóng góp của các thành viên. Đến nay, các thành viên trong hội đã biểu diễn thuần thục các tiết mục múa rồng chầu, rồng cuốn thủy, rồng ấp… Ngoài những buổi biểu diễn phục vụ lễ hội xóm 4, lễ hội di tích lịch sử - văn hoá Đền chùa Xã Hạ, từ đường họ Nguyễn Vũ Đại Tôn, hội múa rồng xã Hải Bắc còn góp mặt trong dịp Tết Trung thu, mừng thọ đầu xuân, ngày hội văn hóa - thể thao, dịp Tết cổ truyền của xã…

Đồng chí Trần Ngọc Tuân, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hải Hậu cho biết: Để các đội múa tứ linh có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm, hằng năm vào Ngày hội Văn hoá - thể thao truyền thống của huyện được tổ chức vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 đều có nội dung biểu diễn lân sư rồng. Điểm thuận lợi trong việc phát triển các đội múa tứ linh ở Hải Hậu là người dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình trong hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, nhờ đó ổn định nguồn kinh phí hoạt động từ việc xã hội hóa. Ngoài tạo không khí sôi nổi, phấn khởi động viên nhân dân lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, hoạt động của các đội múa tứ linh ở Hải Hậu đã góp phần gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của quê hương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com