Những năm qua, Trung tâm Văn hóa 3-2 (Sở VH, TT và DL) đã làm tốt chức năng bồi dưỡng những tài năng nghệ thuật. Với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm về chuyên môn, các lớp năng khiếu được Trung tâm tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho các học viên ở mọi lứa tuổi tới học tập, sinh hoạt nghệ thuật.
Tiết mục múa của học viên lớp năng khiếu Trung tâm văn hóa 3-2. |
Đến phòng dạy múa, chúng tôi được chứng kiến 20 học viên đang say sưa thực hành các vũ điệu. Chị Nguyễn Ngọc Quyên, giảng viên múa cho biết: Các em luôn được giảng viên chỉ bảo tận tình, định hướng loại hình múa phù hợp với khả năng và lứa tuổi. Khó nhất là môn ballet, các động tác khó chủ yếu là giữ thăng bằng chân, độ thẳng của chân và tròn của cánh tay, rèn luyện các động tác mà người bình thường không làm được... Bởi vậy, vừa dạy kiến thức nhưng giảng viên phải là những nhà tâm lý, biết động viên các em vượt qua cảm giác đau cơ bắp trong quá trình tập luyện. Khác với môn học múa ballet đòi hỏi cơ thể học viên phải mềm mại, “dịu dàng”, múa dancesport giúp cơ thể năng động vì hoạt động nhiều, phù hợp với trạng thái hiếu động của các em. Với đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, nhiệt tình và thân thiện được đào tạo bài bản của Trung tâm, sau khóa học các em đều cảm nhận được ngôn ngữ hình thể và biểu diễn đầy cảm xúc. Trong lúc đón con gái Đỗ Ngọc Diệp (8 tuổi) đang theo học lớp múa tại Trung tâm, chị Nguyễn Thị Huệ, đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) chia sẻ: Từ khi bắt đầu học lớp 1 cháu đã bắt đầu bộc lộ năng khiếu ca - múa - nhạc. Mỗi năm chị đều cho con theo học các môn năng khiếu ở Trung tâm. Đến nay, Ngọc Diệp là hạt nhân văn nghệ tích cực của lớp và của phường mỗi dịp hội diễn, hội thi văn nghệ. Lớp học ghita của Trung tâm đều đặn duy trì 15 học viên. Giảng viên của lớp học là nhạc sĩ Ngọc Hùng. Suốt 20 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với cây đàn ghita, nhạc sĩ Ngọc Hùng đã 3 lần đạt danh hiệu Nghệ sĩ xuất sắc của tỉnh. Với tâm huyết muốn phát triển phong trào đàn ghita cổ điển, nhạc sĩ Ngọc Hùng đã hết lòng hướng dẫn các em từ cách gảy, cách nhấn nhá dây đàn để nốt nhạc du dương, có hồn. Nhờ vậy mà nhiều học viên nhí cũng như những học viên lớn tuổi đều biểu diễn thuần thục trong các chương trình văn nghệ do Trung tâm Văn hóa 3-2 tổ chức. Nhiều tài năng ghita đã trưởng thành như: Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Văn Trọng, Trần Phúc Linh ở Thành phố Nam Định đều thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia; Huy Hoàng đoạt giải Nhất Tài năng trẻ Ghita Festival 2004, giải Nhì Ghita Việt Nam mở rộng năm 2012. Hiện nay, ở lớp học có em Trần Duy Hoàng, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Nam Định) đã theo lớp học ghita 5 năm. Theo đánh giá của nhạc sĩ Ngọc Hùng, Hoàng có tiềm năng lớn về phong cách biểu diễn đàn ghita. Tuy mới học lớp 5 nhưng Hoàng đã có thể biểu diễn độc tấu ghita những bản nhạc của hệ trung cấp, tiêu biểu như các bản nhạc “Dân xứ Argentina”, “Vũ khúc Argentina”... Nhạc sĩ Ngọc Hùng chia sẻ: Trong quá trình học ghita, những em có tiềm năng âm nhạc sẽ được tham gia sinh hoạt cùng CLB Ghita của Trung tâm. Tại đây, các em có điều kiện giao lưu, học hỏi thường xuyên về kỹ năng biểu diễn, định hướng tạo dựng phong cách cá nhân. Thành lập từ năm 2002, CLB ghi ta đến nay đã có 40 hội viên. Hằng tháng trong các buổi sinh hoạt, các thành viên CLB sẽ nhận xét ưu, nhược điểm từng bài biểu diễn để rút kinh nghiệm. Để hoàn thành tốt những buổi biểu diễn của CLB, các thành viên luôn kiên trì tập luyện, có những tác phẩm tập vài năm mới đạt độ “chín”. Trong CLB, nhiều thành viên còn rèn luyện kỹ năng với một cây đàn ghita có thể mô phỏng nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt… thông qua việc biến đổi âm sắc, để những buổi biểu diễn thêm sinh động.
Lớp học thanh nhạc của Trung tâm thường xuyên duy trì từ 3-5 học viên. Cô Đoàn Xuân Thủy, giảng viên thanh nhạc cho biết: Được tiếp cận sớm với âm nhạc sẽ giúp tâm hồn trẻ thêm phong phú và yêu cuộc sống. Khóa học giúp cho các em hoàn thiện những kỹ năng như: tự tin hát trước đám đông; tham gia các hoạt động tập thể, văn nghệ, giao tiếp với bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh. Học viên học thanh nhạc đa dạng ở các lứa tuổi; có những em đang học THPT và định hướng thi vào trường văn hóa nghệ thuật nên bắt đầu ôn luyện từ đầu cấp. Em Lưu Hoàng Linh, học sinh một trường THPT trên địa bàn Thành phố Nam Định đã theo học thanh nhạc gần 1 năm chia sẻ: Nhiều người nghĩ rằng, học hát chỉ để luyện giọng cho hay nhưng ngoài ra người học còn rèn luyện được nhiều đức tính. Từ dáng đứng, ngôn ngữ, cách làm chủ bản thân, cách tập trung, sự tự tin, mạnh dạn đứng trước đám đông. Ở lớp học Oocgan anh Vũ Chí Thanh và anh Viết Cả đều là những cán bộ có chuyên môn vững vàng. Lớp học duy trì đều đặn trên 10 học viên và có thời điểm lên gần 20 học viên vào dịp hè. Qua lớp học, nhiều học viên đã thi đỗ vào ngành sư phạm âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như các em: Nguyễn Thị Luyến, Trần Thị Hằng...
NSƯT Kiều Dư, Giám đốc Trung tâm Văn hóa 3-2 cho biết: Việc mở các lớp năng khiếu nghệ thuật đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng, định hướng thẩm mỹ cho các em, qua đó phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng trở thành hạt nhân phong trào cho hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các trường học, địa phương. Cùng với việc chuyên tâm giảng dạy, Trung tâm còn tổ chức các chương trình ca - múa - nhạc, tạo sân chơi văn hóa lành mạnh cho các học viên, giúp các em có điều kiện thực hành, nâng cao kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Thời gian tới, ngoài mở các lớp năng khiếu tại chỗ, Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc cử cán bộ xuống cơ sở bồi dưỡng, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng tại các địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư