Toàn tỉnh hiện có 349 di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 80 di tích quốc gia và 267 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành VH, TT và DL tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, huy động các nguồn lực bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh công tác thanh tra, tuyên truyền về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại lai ở các di tích. Qua đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa có nguy cơ xuống cấp đã được bảo tồn, tôn tạo đúng nguyên trạng; nhiều linh vật thuần Việt được gìn giữ, góp phần phát huy bản sắc dân tộc.
Để gìn giữ nét kiến trúc cổ truyền dân tộc, từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích, thời gian qua, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã được trùng tu tôn tạo. Tiêu biểu như di tích Đền - chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được khởi công trùng tu, tôn tạo đầu năm 2016 với tổng kinh phí 18,33 tỷ đồng do Sở VH, TT và DL là chủ đầu tư công trình. Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn ngoại, tòa tiền đường các đền, chùa chính, khu thờ Mẫu, nhà thờ tổ, nhà giải vũ nội, ngoại; các hạng mục tôn tạo gồm: hạng mục cửa, sân, mái, tường bao. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Đại Bi đã được phê duyệt với các hạng mục tu bổ là tam quan, tam bảo, nhà mẫu, nhà tổ; hành lang tả hữu với các phương án tu bổ được thiết kế chi tiết. Năm 2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1742/QĐ-UBND phê duyệt giai đoạn 2 dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần” tu bổ 5 di tích quan trọng gồm: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Chùa Phổ Minh, Đền Bảo Lộc, Đình - miếu Cao Đài bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp. Hiện nay, Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) đã được trùng tu nhà giải vũ đông, tây với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ nguồn công đức của nhân dân và du khách thập phương. Đình - miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) trùng tu các hạng mục: tiền tế, trung đường, hậu cung với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Biểu diễn Võ cổ truyền trong lễ hội truyền thống Đền Trần năm 2017 tại Đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng (TP Nam Định). |
Cùng với công tác trùng tu, tôn tạo, hiện nay nhiều di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn bảo tồn được những mảng chạm khắc cổ phản ánh nét đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ. Ở huyện Ý Yên, nơi nổi tiếng có các làng nghề mộc, đúc đồng, những nghệ nhân đã thổi hồn trong từng chi tiết nghệ thuật chạm khắc ở các di tích trên địa bàn, đặc biệt ở các di tích thời Lê - Nguyễn. Đền Ninh Xá, xã Yên Ninh có hồ bán nguyệt, hệ thống nghi môn, hòn non bộ được tạo dáng đẹp trang trí nhiều đề tài: nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý cùng các câu đối nhấn nổi bằng chữ Hán. Phần chạm khắc tập trung chủ yếu ở các vì kèo, cửa ra vào tòa chính tẩm và đặc biệt mảng chạm ở vì hậu đốc với các đề tài: long chầu, mẫu long giáo tử, ly con nép dưới ly mẹ. Tất cả đều được ẩn hiện trong cụm đao mác, lá hỏa với kỹ thuật chạm bong cầu kỳ, tỉ mỉ… Đình La Xuyên được xây dựng theo hình chữ Đinh. Hệ thống vì tại tiền đường được thiết kế theo phong cách chồng rường giá chiêng.
Tại đây các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại. Trung đường và chính tẩm có các hình tượng con rồng, tứ quý, tứ linh… trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét. Ở phía bắc đình La Xuyên là ngôi phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh được thiết kế theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh. Hệ thống vì gỗ lim tại công trình này cũng được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc các đề tài tứ quý, tứ linh, lá lật… với nhiều kiểu dáng, đường nét khác nhau thể hiện sự sáng tạo, trình độ điêu luyện của một làng nghề truyền thống. Ở Hải Hậu, nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc có sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa văn hóa nội đồng, văn hóa thương mại và văn hóa biển... Chùa Lương, xã Hải Anh được chạm khắc nhiều hoa văn mang tính biểu tượng nông nghiệp, một cầu ngói cùng 9 cầu đá bắc qua dòng chảy giữa các làng nửa nông nửa thương. Chùa Phúc Hải, xã Hải Minh ngoài vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, còn có hệ thống tượng Phật khá phong phú được chạm khắc, sơn thếp lộng lẫy, tiêu biểu là các pho tượng Tam Thế, Phật Bà, Thích Ca, Cửu Long... cùng các cỗ kiệu, long đình, đại tự, cửa võng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền. Ngoài ra, ở vùng đất này còn lưu giữ tượng nhiều vị thần linh mang yếu tố biển và thương mại như: Càn Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, Tứ vị Thánh Nương, Mẫu Liễu, Vua cha Bát Hải... Một số tượng được thể hiện khác hẳn trong vùng nội đồng, như tượng Vua cha Bát Hải có từ thời Nguyễn được chạm ngồi trên bệ do ba con rắn biển kết thành...
Thực hiện Công văn số 2662 của Bộ VH, TT và DL ngày 8-8-2014 về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”, Sở VH, TT và DL đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra tại các điểm di tích, tuyên truyền giới thiệu các linh vật thuần Việt thông qua các cuộc triển lãm được tổ chức ở Bảo tàng tỉnh. Qua đó, giúp công chúng nhận diện, hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị nhân văn, thẩm mỹ thông qua hình tượng linh vật thuần Việt. Phong trào tìm hiểu, nghiên cứu về các biểu tượng, linh vật thuần Việt đã thu hút đông đảo người dân, nhất là những người yêu cổ vật. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất linh vật trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền đã chuyển sang chế tác các sản phẩm thuần Việt. Hiện tượng cung tiến tràn lan vào các di tích được hạn chế tối đa, đặc biệt chấm dứt hiện tượng cung tiến tượng sư tử đá ngoại lại vào các di tích lịch sử - văn hóa. Một số di tích sau khi được tuyên truyền nhắc nhở đã tự di dời, gỡ bỏ sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích… hiệu quả, đồng bộ. Tỉnh ta được Bộ VH, TT và DL đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Những nét thuần Việt trong các di sản văn hóa vật thể ở tỉnh ta đã phản ánh phong phú đời sống tinh thần truyền thống của nhân dân. Trải qua thời gian, những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình kiến trúc, linh vật thuần Việt vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa và trí tuệ của tiền nhân./.
Bài và ảnh: Viết Dư