Huyện Trực Ninh hiện có 35 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng; trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hoá là nơi thờ phụng, ghi dấu công sức, tài năng của các thế hệ cha ông, phản ánh trung thực bản sắc văn hoá truyền thống từng địa phương. Hầu hết các công trình văn hoá tín ngưỡng ở Trực Ninh đều tồn tại từ lâu đời; đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc truyền thống.
Đền Xối Hạ thuộc quần thể di tích lịch sử - văn hóa Ba đồn binh thời Trần mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. |
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Ba đồn binh thời Trần (xã Trung Đông) được Bộ VH, TT và DL xếp hạng năm 1994. Ba đồn binh thời Trần gồm 3 ngôi đền cổ là: Đền Xối Thượng, Đền Xối Trung và Đền Xối Hạ. Cụm di tích hàm chứa giá trị lịch sử rất lớn, các ngôi đền được xây dựng trên nền các đồn binh thời Trần (đồn Thượng, đồn Trung, đồn Hạ) do nhân dân địa phương lập ra để tưởng nhớ 4 vị tướng: Trần Phạm, Bùi Khiết, Bùi Tuyết và Trương Long - những người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2 (1885). Cả 3 ngôi đền hiện còn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống. Đền Xối Thượng tọa lạc ở đầu thôn Xối Đông Thượng là nơi thờ tướng quân Bùi Khiết. Đền có 4 gian đều mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, xây dựng kiểu “tiền đao, hậu đốc” với các vật liệu truyền thống là: gỗ lim, gạch đỏ, ngói nam. Đền Xối Trung tọa lạc ở đầu thôn Xối Đông Trung, thờ tướng quân Bùi Tuyết, Trần Phạm và thần Bạch Mã. Ngôi đền có quy mô khá lớn, kiến trúc theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”. Các toà tiền đường, trung đường, cung cấm đều là những công trình kiến trúc ba gian với nhiều mảng chạm khắc rồng, lá hoa mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Đền Xối Hạ tọa lạc ở thôn Xối Đông Hạ là nơi thờ tướng quân Trương Long, Trần Phạm và phối thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tòa tiền đường 3 gian xây cuốn; trung đường 3 gian dựng bằng gỗ lim, được tu sửa lớn vào triều Vua Duy Tân năm thứ 3 (1909); cung cấm 4 gian xây quay dọc với trung đường, được tu sửa vào đời Vua Tự Đức năm thứ 33 (1880). Tại 3 ngôi đền còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như: ngọc phả, văn bia, câu đối, đại tự, đặc biệt là 45 đạo sắc phong (2 đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) và 43 đạo sắc phong thời Nguyễn). Đền Tuân Lục (xã Liêm Hải) được xây dựng từ thế kỷ XV, là nơi thờ phụng và tri ân công đức Thành hoàng làng là Quan huấn đạo Đỗ Công Hạo, phối thờ Trần Hưng Đạo, Triệu Việt Vương và một số vị thánh, thần khác. Tại di tích còn lưu giữ được hệ thống các đạo sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, cùng với đó là hệ thống các hiện vật như: Tượng thờ, ngai, bài vị, chuông đồng, sấu gỗ… có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình. Di tích Đền Tuân Lục được xây dựng trên một khuôn viên rộng với các hạng mục: Nghi môn, sân, vườn, giải vũ, công trình kiến trúc chính (tiền đường và cung cấm), lăng mộ, miếu thờ. Hiện nay, các hạng mục của đền có trên 20 gian lớn nhỏ đều được gia công bằng các vật liệu truyền thống. Dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo song các hạng mục, hiện vật của đền vẫn được nhân dân bảo vệ, giữ gìn nguyên mẫu làm tăng sự bền vững, đồng thời thể hiện ý thức, trách nhiệm của nhân dân địa phương đối với di sản văn hóa, lịch sử cha ông để lại. Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự) thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không, được khởi dựng từ thời Lý. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn có dáng vẻ, sắc thái riêng, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”. Chùa có nhiều nét khác với những ngôi chùa cổ ở Việt Nam bởi sự kết hợp khéo léo các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gô-tích của Gia-tô giáo. Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông Tây như: cổng chùa, Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, cầu cuốn, tam quan, Phật giáo Hội quán, Đền Thánh, Đền Mẫu, chùa chính, nhà Tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, gác chuông Kim Chung Bảo Các... Trong đó, Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao được xây dựng từ năm 1927 với 9 tầng, 8 mặt, cầu thang 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tiếp theo ngôi tháp là cây cầu cuốn cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (hồ Núi).
Mặt cầu lát gạch cổ dẫn vào Chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Bên trái Chùa Trình là Đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937 thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ. Bên phải Chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937 là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Chùa chính cao 29m, được cấu tạo theo thế “cửu trùng” gồm 9 tòa khác nhau, nhiều tòa ngang, dãy dọc liên kết thành một khối tổng thể thổng nhất. Nét nổi bật của công trình tín ngưỡng này là kiểu uốn khung, cuốn vòm dáng dấp hoa sen cách điệu được xây dựng bằng vật liệu vôi, cát và mật. Với toàn bộ thành phần kiến trúc cơ bản của một ngôi chùa bao gồm: tiền đường, thiêu hương, thượng điện đều nằm trong một bình diện hình chữ nhật, có chiều dài 31,6m, rộng 14,7m thì đây là một phong cách quy hoạch chùa chưa từng thấy ở nơi khác. Kim Chung Bảo Các chùa được nhận định là một khối kiến trúc bề thế, lộng lẫy và cổ kính tương xứng với tên gọi. Gác chuông này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc truyền thống trong việc đúc các chuông chùa Việt với kỹ thuật hiện đại phương Tây. Tuy vật liệu chủ yếu để kiến tạo hình khối là xi măng, sắt thép nhưng cảm giác bức bối, nặng nề của bê tông không làm phai nhạt nét uyển chuyển, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Phong vị mộc mạc, tôn nghiêm của loại hình kiến trúc chùa vẫn toát lên từ một công trình kiến trúc tinh vi, cầu kỳ, có dáng dấp cung đình bề thế…
Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá các di tích đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, hằng năm, huyện Trực Ninh đều chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban quản lý di tích, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý những cổ vật, di sản gắn với di tích; đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích. Nhiều di tích có nguy cơ xuống cấp đã được bảo tồn, tôn tạo đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Tiêu biểu như: Đền - Chùa Phúc Ninh (xã Trực Cường) được xây dựng, cải tạo nhà khách, nhà thờ tổ, đường vào di tích và các công trình phụ trợ: cổng, tường bao với kinh phí gần 5 tỷ đồng do nhân dân và khách thập phương đóng góp. Đền Xối Thượng (xã Trung Đông) nằm trong quần thể di tích Ba đồn binh thời Trần được trùng tu toàn bộ phần nội cung, tường rào, kè bờ mương và các công trình phụ trợ với kinh phí 500 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 300 triệu đồng. Năm 2008, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL đã lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cổ Lễ với kinh phí gần 25 tỷ đồng từ Chương trình “Mục tiêu quốc gia về văn hoá” và từ nguồn xã hội hóa. Năm 2009, di tích Chùa Cổ Lễ được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tu bổ Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, Đền Thánh, chùa chính, nhà khách, nhà tổ, tôn tạo hai hành lang tả, hữu... Ở xã Phương Định, năm 2014, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân địa phương, di tích lịch sử Chùa Cự Trữ đã được tiến hành trùng tu tôn tạo lại các hạng mục xuống cấp, mở rộng khuôn viên, xây thêm đình thờ tổ làng với kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Nghệ thuật kiến trúc dân gian qua các công trình tín ngưỡng ở Trực Ninh có giá trị lịch sử, văn hoá bền vững, thể hiện tài năng, trí tuệ và trình độ thẩm mĩ của các nghệ nhân xưa. Trải qua thời gian, những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình mang dấu ấn lịch sử của cha ông vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện sự trân trọng, thành kính trước những di sản văn hóa quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng