Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động. Trong đó đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hoá. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá...
Rước trong lễ hội truyền thống Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) năm 2017. |
Trên cơ sở những nội dung cơ bản trong Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 1-7-2016 để triển khai thực hiện. Trong đó nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các cấp, các ngành của tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền về giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hành phúc”. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa - NTM, tổ chức tốt việc bình xét, công nhận và biểu dương danh hiệu “Gia đình văn hóa NTM”. Toàn tỉnh hiện có 484.629/587.429 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 82,5% tổng số hộ gia đình). Nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào. Đến nay, toàn tỉnh có thêm 891 làng (thôn, xóm, TDP) được công nhận văn hóa (đạt 82,7% so với số đăng ký), nâng tổng số làng (thôn, xóm, TDP) được công nhận văn hóa trên địa bàn tỉnh lên 2.908 làng (thôn, xóm, TDP), đạt 80% so với tổng số làng (thôn, xóm, TDP). Với phương châm: “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, toàn tỉnh hiện có 2.859 NVH; 2.759 khu thể thao thôn, xóm; 140 NVH, 178 khu thể thao cấp xã. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM như: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… Huyện Trực Ninh cả 21 xã, thị trấn đều hoàn thành các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM. Để thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM, Ban chỉ đạo NTM huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn tham quan, học tập kinh nghiệm, vận dụng các mô hình “Văn hóa - NTM” vào thực tế ở địa phương. Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân làm tốt chức năng giám sát cộng đồng, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng NTM. Các xã, thị trấn trong huyện đều phát động phong trào thi đua xây dựng NTM giữa các thôn, xóm; phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, trưởng thôn, xóm, các đoàn thể, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo, dòng họ trong công tác vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công sức, kinh phí xây dựng cải tạo NVH xóm, xây dựng thôn xóm sạch đẹp, văn minh, đoàn kết... Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện có NVH, khu trung tâm văn hóa thể thao; trong đó xây mới, cải tạo 9 NVH, 5 khu thể thao xã; 100% thôn, xóm có NVH phục vụ nhân dân sinh hoạt cộng đồng, trong đó xây mới và nâng cấp 65 NVH và khu thể thao thôn, xóm. Ở Xuân Trường, để khuyến khích các địa phương sớm hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ các thôn, xóm, TDP xây dựng NVH với mức năm 2012 là 30 triệu đồng; năm 2013 là 20 triệu đồng; năm 2014 là 15 triệu đồng; năm 2015 là 10 triệu đồng/NVH. Nhiều xã đã hỗ trợ cho các thôn, xóm, TDP xây mới mỗi NVH từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Nhờ vậy, đến nay, 16/20 xã, thị trấn của huyện đã có NVH với sức chứa từ 250 chỗ ngồi trở lên; các địa phương còn lại đang nâng cấp, xây dựng; 278/312 NVH xóm, trong đó 149 thôn, xóm, TDP có NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH, TT và DL... Nhờ hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ ở khắp các địa phương trong tỉnh, các CLB, tổ, đội văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng. Toàn tỉnh hiện có gần 870 đội văn nghệ quần chúng, 60 CLB văn hóa, văn nghệ thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. Các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng hoạt động đa dạng, hiệu quả, góp phần tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Toàn tỉnh hiện có trên 2.300 di tích lịch sử văn hoá, trong đó 349 di tích đã được Nhà nước xếp hạng gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích quốc gia và 266 di tích cấp tỉnh. Từ nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp di tích thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo đúng quy định, bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa. Tiêu biểu như di tích Đền Chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được khởi công trùng tu, tôn tạo đầu năm 2016 với tổng kinh phí 18,33 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, Sở VH, TT và DL phối hợp với UBND huyện Nam Trực khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Đền Gin, xã Nam Dương với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng… Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh rất phong phú bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian… Trong đó tiêu biểu là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Hát ca trù, Nghi lễ chầu văn của người Việt, Nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng... Hiện nay, Sở VH, TT và DL đang tổng kiểm kê di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Trong đó tập trung triển khai thực hiện Dự án đầu tư “Xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại Nam Định” và lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản); xây dựng chương trình hành động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được Nhà nước ghi danh. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Xây dựng đề án bảo tồn một số loại hình văn hoá phi vật thể đặc trưng của Nam Định như: Ca trù, hát chèo, hát văn, múa rối cạn, múa rối nước... Tiếp tục lựa chọn các di sản văn hoá tiêu biểu lập hồ sơ đề nghị Nhà nước vinh danh ở tầm quốc gia. Tăng cường công tác tổ chức trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị các di sản văn hoá, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Nam Định.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá; ưu tiên quỹ đất và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và không gian vui chơi giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM. Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, nòng cốt là các câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hoá. Quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hoá có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hoá của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hoá; ưu tiên đầu tư nghiên cứu bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh... Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, mục tiêu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Viết Dư