Những năm qua, huyện Ý Yên đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; tạo nền tảng để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đến nay, 25/32 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng được NVH, 257/419 thôn, xóm có NVH.
Là vùng đất cổ với nhiều di sản văn hóa phi vật thể, Ý Yên là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật chầu văn và những làn điệu chèo mang đậm chất trữ tình, sâu lắng. Hiện nay, toàn huyện có trên 50 tổ, đội, CLB văn nghệ ở 32 xã, thị trấn; trong đó có 3 CLB văn nghệ được thành lập dưới sự quản lý của Trung tâm VH-TT-TT huyện gồm: CLB chèo Yên Phong, CLB dân ca Thị trấn Lâm, CLB chèo Yên Xá và hơn 20 đội chèo truyền thống, hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tiêu biểu là ở các xã: Yên Nhân, Yên Cường, Yên Ninh, Yên Trị, Yên Chính, Yên Phong… Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với các hoạt động thiết thực như: tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi hát chèo, cổ vũ, phổ biến các đội chèo, các tiết mục chèo đặc sắc trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở, nhiều đội chèo ở Ý Yên được khôi phục, phát triển. Được thành lập từ năm 2003, đến nay CLB chèo xã Yên Cường có 20 thành viên là những người đam mê hát chèo từ nhỏ và là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn nghệ quần chúng của xã như các anh: Kiều Văn Nguyện, Nguyễn Văn Hòa, các chị Hoàng Thị Tâm, Đinh Thị Duyên, Minh Chữ… Từ khi thành lập đội chèo, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong xã ngày càng được nâng lên. Ngoài CLB chèo, cả 14 làng trong xã đều thành lập được tốp văn nghệ hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như: làng Thức Vụ, làng Trực Mỹ, làng Đông Tiền… Các tốp văn nghệ của xã đều xây dựng quy chế hoạt động, tự mua sắm trang phục và các trang thiết bị cần thiết để hoạt động, biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, tết, các dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Ở xã Yên Đồng, hát chầu văn đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân gắn với lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá như: Phủ Quảng Cung, Phủ và chùa Đồi, Từ đường họ Phạm... Hằng năm, khách thập phương về lễ hội rất đông để thực hiện đời sống tâm linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu, được thưởng thức các làn điệu chầu văn và các giá hầu đồng. Toàn xã có trên 10 CLB hát văn với nhiều cung văn, hoạt động trên cơ sở tự nguyện, xã hỗ trợ một phần kinh phí. Với thế mạnh có nhiều thành viên biết hát dân ca nên CLB đã dàn dựng được các chương trình biểu diễn đa dạng phục vụ nhân dân. Các bài hát văn được soạn lời mới có giai điệu âm nhạc vui tươi, trong sáng, được chắt lọc từ nghệ thuật hát văn truyền thống mang hơi thở và nhịp sống đương đại, có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, cổ vũ toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều bài hát văn với những giá đồng mang âm hưởng dân ca được CLB dàn dựng và biểu diễn có sức lan tỏa trong đời sống, làm rộn ràng cả một vùng quê, xua tan mệt mỏi của người dân sau những giờ lao động vất vả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân. CLB dân ca Thị trấn Lâm là nơi tập hợp những người yêu thích nghệ thuật chèo, ca trù với gần 20 người là hạt nhân trong các đội văn nghệ quần chúng ở 10 tổ dân phố (TDP). CLB có thế mạnh là dàn dựng các trích đoạn chèo cổ, lồng ghép các tiểu cảnh về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa thời kỳ mới trong chương trình biểu diễn được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Bằng tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống, các thành viên trong CLB đã tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn, tự biên, tự diễn các vở chèo phục vụ nhân dân địa phương thông qua các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước đồng thời tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc và khu vực đạt nhiều thành tích cao. Cùng với CLB dân ca Thị trấn Lâm, hiện nay, cả 10 TDP trong thị trấn đều thành lập các tổ văn nghệ hoạt động hiệu quả, mỗi tổ có từ 5-10 thành viên. Hằng năm, vào mỗi dịp lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá, các đội văn nghệ quần chúng đều tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân.
Một buổi luyện tập của CLB chèo xã Yên Cường Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật quần chúng vẫn được gìn giữ và bảo tồn trong đời sống của người dân. Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc, chủ nhiệm CLB nghệ thuật truyền thống Ý Yên được coi là “người giữ lửa”, làm “sáng đèn” những đêm diễn của đất chèo ở địa phương. CLB nghệ thuật truyền thống Ý Yên được thành lập năm 2002, với 17 thành viên nòng cốt nhưng khi cần, CLB có thể huy động hàng chục người có khả năng biểu diễn nghệ thuật chèo, ca trù, hát văn… đi phục vụ bà con ở nhiều địa phương. Nhiều thành viên trong CLB có khả năng tự viết kịch bản chèo và là những “tay” hát chèo, diễn viên chèo xuất sắc được người yêu chèo trong và ngoài huyện biết tới. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã dàn dựng được hơn 20 vở chèo và khoảng 30 tiểu phẩm, đủ các thể loại, đề tài như: “Đại Hồng chung Đàm Linh Tự”, “Kể chuyện Thành tổ linh thông”, “Cuộc gặp gỡ bất ngờ”, “Đường xuân”, “Tình qua xóm bạc”… và một số các bài hát ca trù như: “Ý Yên bức tranh quê”, “Trấn Sơn Nam địa linh”, “Nam Quốc sơn hà”… Ngoài ra, còn một số kịch bản chèo ngắn phục vụ nhu cầu tuyên truyền theo chủ đề như “Chuyện nhà anh Phởn” về đề tài dân số - KHHGĐ, xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hoá… và dàn dựng một số giá đồng. Các thành viên trong CLB đem hết tâm huyết và sự nhiệt tình của mình để chăm sóc, nuôi dưỡng CLB duy trì hoạt động. Năm 2012, CLB đã mở 4 lớp dạy hát chèo miễn phí ở các xã Yên Cường, Yên Tân, Thị trấn Lâm, Phòng GD và ĐT huyện và một số các lớp dạy hát ca trù miễn phí ở xã Yên Xá, mỗi lớp có từ 70-75 người tham gia. Kết thúc các lớp học, CLB đều tổ chức buổi công diễn thu hút đông đảo khán giả đến xem. Các thành viên trong CLB đều là hạt nhân phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. CLB nhiều lần được chọn tham gia liên hoan ca trù của Trung ương và tỉnh tổ chức đều đạt thành tích cao. Tại Liên hoan Chèo sân đình khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2016 vừa được tổ chức tại Hải Phòng, Đoàn nghệ thuật quần chúng của tỉnh tham dự liên hoan với vở diễn “Đất ấm tình quê” đã xuất sắc giành HCV cho vở diễn và 1 HCV, 1 HCB cho các vai diễn.
Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hoá các hoạt động văn nghệ quần chúng, góp phần gìn giữ và bảo tồn những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của quê hương, từ nhiều năm nay, Phòng VH-TT huyện phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định mở lớp tập huấn cho các xã, thị trấn. Tại các xã là “điểm sáng” về nghệ thuật chèo truyền thống của huyện như: Yên Nhân, Yên Cường, Yên Ninh, Yên Trị, Yên Chính, Yên Phong, các nghệ nhân cao tuổi với ý thức và tâm huyết gìn giữ nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy chèo cho con em trong làng và các vùng lân cận. Không ít “đội chèo gia đình”, “đội chèo họ tộc” ngày càng khởi sắc đã vượt qua “cổng làng” để đi biểu diễn phục vụ các lễ hội, các sự kiện chính trị thời sự trong và ngoài tỉnh. Hoạt động của các đội chèo còn được duy trì, phát triển bằng cách lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các CLB ở thôn, xóm như: CLB không sinh con thứ 3, CLB gia đình hạnh phúc, CLB tiền hôn nhân, CLB văn hoá nghệ thuật…
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ý Yên cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đội văn nghệ hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các tổ, đội CLB văn nghệ cần năng động, sáng tạo, tìm ra các phương thức hoạt động hiệu quả theo phương châm xã hội hóa để duy trì hoạt động./.
Khánh Dũng