Về miền Tây

08:08, 05/08/2016

Được sự đồng ý của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nam Định và để bổ sung kiến thức thực tế, củng cố những vấn đề lý luận mà học viên đã được nghiên cứu, trong các ngày từ 25 đến 28-7-2016, Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế tại miền Tây Nam Bộ cho học viên lớp Cao cấp Lý luận chính trị (CCLLCT) khóa 10.

Chuyến đi đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2016) nên trong lịch trình đoàn đã đến thăm các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Nhà tù Phú Quốc, đền thờ Nguyễn Trung Trực. Sau khi thành kính thắp hương tri ân những anh hùng liệt sĩ tại nhà tù, học viên lớp CCLLCT khóa 10 vào viếng thăm Khu di tích lịch sử Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc (Thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Nhà tù Phú Quốc có diện tích khoảng 400ha với gần 500 nhà giam, do thực dân Pháp xây dựng. Đây là nơi giam cầm hơn 40 nghìn chiến sĩ cộng sản, trong đó hơn 4.000 đồng chí đã hy sinh. Sử liệu đã ghi lại, tại đây, chúng đã “sáng tạo” tới 45 kiểu nhục hình tàn bạo nhất ngoài các đòn tra tấn dã man. Dù ngày ngày phải hứng chịu sự tra tấn dã man, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng, song các chiến sĩ cách mạng nhà tù Phú Quốc vẫn giữ vững quan điểm, kiên định lập trường dưới sự dìu dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đoàn đến thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở phía tây Thành phố Rạch Giá, là ngôi đền sớm nhất và lớn nhất trong số 9 ngôi đền trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (tên tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch). Ông được biết đến với chiến công vang dội đốt cháy tàu L’Espérance (Hy vọng) của Pháp năm 1861 trên vàm Nhật Tảo và trận đánh Rạch Giá (Kiên Giang) ngày 16-6-1868. Trận đầu tiên diễn ra vào năm 1861 trên vàm Nhật Tảo (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày nay). Ông và các nghĩa binh là nông dân làm đám rước dâu giả trên sông để tiếp cận và đốt cháy tàu L’Espérance của quân Pháp. Tiếng tăm vang dội của Nguyễn Trung Trực làm quân Pháp phải dè dặt và cũng giúp ông dễ dàng tập hợp được người yêu nước trong cộng đồng người Kinh, Hoa, Khơ-me ở địa phương. Trong trận đánh ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân xuất phát từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) đánh úp đồn Rạch Giá (Kiên Giang), gây hoang mang trong quân lính Pháp. Sau đó, giặc Pháp tăng cường quân càn quét, Nguyễn Trung Trực kéo quân về Hòn Chông - Kiên Lương rồi ra Phú Quốc để tiếp tục chiến đấu. Nhưng quân Pháp quá mạnh, ông bị bắt, cuộc kháng chiến của Nguyễn Trung Trực sớm kết thúc. Sau đó, ông bị giặc Pháp đưa ra pháp trường lúc mới tuổi 30. Trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã để lại cho đời câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi nhưng sự nghiệp chống giặc ngoại xâm lẫy lừng khiến ông được tôn xưng vị thần trong lòng người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

Tập thể lớp Cao cấp Lý luận chính trị tỉnh Nam Định khóa 10 trong chuyến đi thực tế miền Tây Nam Bộ.
Tập thể lớp Cao cấp Lý luận chính trị tỉnh Nam Định khóa 10 trong chuyến đi thực tế miền Tây Nam Bộ.

Trong chuyến đi, đoàn trực tiếp nghiên cứu thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ như Phú Quốc, Rạch Giá, Cần Thơ; các mô hình quản lý kinh tế - xã hội, du lịch nổi bật mang lại hiệu quả của các địa phương như: làng chài Hàm Ninh, khu du lịch Suối Tranh, nhà thùng nước mắm, chợ nổi Cái Răng, Vườn du lịch sinh thái Mỹ Khánh... Tiêu biểu phải kể đến huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), một quần đảo ở vị trí trung tâm của thị trường du lịch năng động của vùng Đông Nam Á, nằm tách biệt khá xa đất liền, bao gồm 27 hòn đảo lớn, nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan. Để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, ngày 5-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 178 phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam đất nước, từng bước hình thành một Trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngày 11-5-2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế - hành chính thuộc tỉnh Kiên Giang với cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2011-2015, huyện đã vận dụng sáng tạo những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và đã thu hút nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, khu đô thị, kinh tế biển, du lịch, thương mại và dịch vụ, tạo điều kiện cho ngành “công nghiệp không khói” phát triển. Đến nay, nhiều dự án, công trình lớn đã xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, giao thông trục chính nam - bắc đảo và hệ thống đường vòng quanh đảo, Cảng biển quốc tế An Thới, cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo, quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc… Tỉnh còn khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng, phát triển mạnh nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với Phú Quốc như các mô hình kinh tế - du lịch tìm hiểu nghề sản xuất nước mắm truyền thống từ nguyên liệu cá cơm than lưng đen có lịch sử hình thành phát triển gần hai thế kỷ; khám phá nghề nuôi trai lấy ngọc trên biển; giống chó xoáy Phú Quốc nổi tiếng; chiêm ngưỡng, trải nghiệm những vườn hồ tiêu tươi xanh mướt; thưởng thức hương vị đậm đà, say nồng của rượu sim và đặc sản bánh canh cá thu, ghẹ Hàm Ninh… Phú Quốc hiện đã trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tầm thế giới; thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước; kinh tế hằng năm luôn tăng trưởng ở mức cao và ổn định. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên và tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 1,2%. Với mục tiêu từng bước trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Phú Quốc tiếp tục đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, liên kết du lịch của Phú Quốc với các vùng trong và ngoài nước; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng; gắn phát triển du lịch với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đặc thù. Từng bước phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển. Tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ trên đảo như: đường giao thông trục chính nam - bắc đảo, hệ thống đường vòng quanh đảo, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng dịch vụ dầu khí... Đến Cần Thơ, thành phố thoáng đạt, tươi trẻ bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đô thị hiện đại nhưng vẫn mang hơi thở của vùng sông nước hiền hòa, chúng tôi hiểu được lý do vì sao Cần Thơ liên tục được lựa chọn đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lớn của khu vực và cả nước; ngày càng thu hút khách du lịch. Tạo được sức thu hút trên là nhờ Cần Thơ tạo lập được nhiều điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí được du khách yêu thích như: Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, chương trình nhạc nước tại bờ sông Cần Thơ, khu du lịch Mỹ Khánh, chợ nổi Cái Răng, vườn cò Bằng Lăng, đình Bình Thủy, nhà cổ Bình Thủy... Người dân và các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đã không ngừng gìn giữ, nâng cao chất lượng phục vụ các món ăn đặc sản mang đậm hương vị sông nước miệt vườn Cửu Long. Để mở đường cho thành phố phát triển, Cần Thơ đã ngày càng hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ, nối thành phố với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực hàng không, Cần Thơ cũng đã cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng Sân bay quốc tế Cần Thơ với các tuyến bay Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Đài Loan và trong tương lai không xa sẽ tiếp tục kết nối Cần Thơ với các địa phương khác trong cả nước và các nước trong khu vực. Để đẩy mạnh thu hút khách du lịch, Thành phố Cần Thơ đã đầu tư một số công trình văn hóa nghệ thuật mới như cầu đi bộ Ninh Kiều, trang trí đèn nghệ thuật trên cầu Cần Thơ, đường hoa, đường đèn ở đại lộ Hòa Bình, đường Quang Trung, đường 30-4... Hiện nay, Cần Thơ vẫn tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như trùng tu và xây mới hệ thống nhà hàng, khách sạn; không ngừng mở thêm các tour, tuyến du lịch mới nối trung tâm thành phố với các điểm du lịch nổi tiếng của vùng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch cũng như chất lượng phục vụ du khách.

Chuyến đi thực tế đã cung cấp nhiều kiến thức thực tiễn mở rộng cho các học viên lớp CCLLCT khóa 10. Hành trình về nguồn, thăm các di tích lịch sử văn hóa, mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thức sâu sắc hơn về sự hy sinh, công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần bất khuất, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chuyến đi nghiên cứu thực tế ở các cơ sở đã giúp cho học viên là cán bộ quản lý ở các địa phương, cơ quan, đơn vị thấy được những ưu, khuyết điểm trong quá trình triển khai những chủ trương chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở các tỉnh bạn, từ đó rút kinh nghiệm trong công tác của bản thân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp khả thi trong tổ chức các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com