Giao Thuỷ bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá

09:06, 03/06/2016
Trên địa bàn huyện Giao Thủy hiện có 27 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trong đó có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 24 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tiêu biểu là: Đền chùa Hà Cát (xã Hồng Thuận); đền chùa Diêm Điền (Thị trấn Ngô Đồng); đền chùa Hoành Nha (xã Giao Tiến); đình làng Kiên Hành (xã Giao Hải); đình làng Hoành Lộ (xã Hoành Sơn), đình làng Khánh Thiết (xã Giao Yến)…
 
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm, Phòng VH, TT huyện phối hợp với Ban quản lý di tích và danh thắng (Sở VH, TT và DL) thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá và phân loại di tích, khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng. Các địa phương có di tích được xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích, thường xuyên cử cán bộ chuyên môn tham dự các lớp tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích, huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm kịp thời tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích bị xuống cấp. Trong 5 năm qua, nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Xã Giao Phong là địa phương có 4 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân địa phương và bà con khắp nơi, các di tích lịch sử - văn hóa đã được tiến hành trùng tu tôn tạo với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Tại chùa Bảo Hoa, đã trùng tu các hạng mục như khu thờ Mẫu, bái đường, trung đường và tam bảo với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Chùa Bình An được cải tạo, mở rộng khuôn viên, tường bao, cổng, dậu của chùa, đúc tượng với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Khi di tích đình Vuông bị xuống cấp nghiêm trọng, tháng 8-2014, cấp ủy, chính quyền xã Giao Phong đã chính thức khởi công xây dựng lại theo nguyên mẫu đảm bảo lưu giữ nét đẹp văn hóa của công trình lịch sử được xây dựng từ thời Nguyễn với tổng giá trị đầu tư gần 4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,6 tỷ đồng, con em xa quê ủng hộ hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều địa phương trong huyện đã làm tốt công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa; tiêu biểu như: Đình làng Thanh Khiết, xã Giao Yến thờ Đức thánh Triệu Việt Vương và các vị tổ có công lập làng. Đình được xây dựng với phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2011, được sự nhất trí của Sở VH, TT và DL và của huyện Giao Thủy, xã Giao Yến đã tiến hành trùng tu công trình với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Đền Hoành Đông, Thị trấn Ngô Đồng thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng và hai vị Cao Sơn Đại Vương, Đại Hải Đại Vương được trùng tu toàn bộ phần nội cung, tường rào, kè bờ mương và các công trình phụ trợ với kinh phí 1 tỷ đồng. Tại di tích đền, chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến, trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, một số hạng mục công trình đã xuống cấp. Trước hiện trạng đó, năm 2010, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL đã lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích với kinh phí 10 tỷ đồng chủ yếu từ sự phát tâm công đức của nhân dân địa phương.
Chùa Bình An, xã Giao Phong được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2008.
Chùa Bình An, xã Giao Phong được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2008.
Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm, Phòng VH-TT huyện và các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương thông qua việc tổ chức lễ hội gắn với các di tích; sưu tầm, phục hồi các trò chơi dân gian. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương. Tiêu biểu như: Nghi thức rước thánh “Nghinh quan hải” tổ chức trong các ngày 13, 14, 15 tháng 8 âm lịch ở đình Vuông, xã Giao Phong; lễ hội “Hạ điền” vào ngày 25-5 (âm lịch) tại đền Hà Cát, xã Hồng Thuận; tục “Thổi cơm thi” tại đền Hoành Đông vào ngày 15-2 âm lịch… Ngoài phần lễ, phần hội ở các lễ hội lớn như: hội làng Hoành Nha (Giao Tiến), hội làng Diêm Điền (Bình Hòa), hội làng Hà Cát (Hồng Thuận), hội làng Kiên Hành (Giao Hải)… diễn ra phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia với các trò chơi dân gian: bơi chải, cờ tướng, vật, võ… Nhằm phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, hằng năm, các trường học trên địa bàn xã đều tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích trong các giờ học ngoại khóa, đồng thời xây dựng kế hoạch cho học sinh tham gia các hoạt động chăm sóc cảnh quan di tích… Việc quan tâm khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương. 
 
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian tới, huyện Giao Thuỷ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá nhằm nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hoá. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn di tích, khôi phục và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com