Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ niềm tin, sức mạnh đoàn kết dân tộc

08:04, 16/04/2016

Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam là tôn thờ, thành kính tổ tiên, từ thờ tổ tiên trong mỗi gia đình, thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, thờ cúng ông tổ của một làng xã tại các đình làng, miếu làng… Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ hàng nghìn đời nay là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; rồi đến thờ cúng tổ tiên chung của cả dân tộc, đó là các Vua Hùng - người đã có công khai sơn phá thạch, ngăn thú dữ, chống giặc ngoại xâm, lập nên Nhà nước Văn Lang có chủ quyền của người Việt cổ.

Từ bản sắc văn hóa hun đúc tự ngàn xưa...

Trong ký ức tâm linh của người dân, hình ảnh Vua Hùng được khắc họa là ông vua mở nước, dựng làng, rồi trở thành ông Tổ của người Việt, sinh ra bọc trăm trứng nở ra 100 người con trai khôi ngô tuấn tú - hình thành nên nghĩa đồng bào. Hàng nghìn đời nay, người Việt đã lập đền thờ cúng ông Tổ chung các Vua Hùng với hàng nghìn di tích ở khắp mọi miền đất nước.

Đoàn con Lạc, cháu Hồng trong ngày dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: PV
Đoàn con Lạc, cháu Hồng trong ngày dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương.

Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước người Việt Nam luôn luôn tôn kính và tâm niệm các Vua Hùng là ông Tổ, lấy đó làm điểm tựa tinh thần, làm đức tin thiêng liêng vào uy linh tổ tiên để chiến thắng thiên tai, thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Từ thời Thục Phán dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh khi Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi, thề sẽ trọn đời bảo vệ giang sơn mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói, trông nom lăng miếu tổ tiên. Đến thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán cũng đọc lời thề trên sông Hát:

“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”

Sách Đại Việt lược sử và Đại Việt sử ký toàn thư đều khẳng định nguồn cội của dân tộc Việt Nam tổ tiên là các Vua Hùng. Thời Hậu Lê còn cho soạn “Ngọc phả Hùng Vương” có ghi từ đời nhà Minh, Lê, Lý, Trần rồi đến triều đại Hồng Đức vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa, ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái tưởng nhớ công lao của đấng Thánh tổ xưa. Đến năm 1920, sau khi tiến hành tu sửa lớn, tuần phủ Phú Thọ và các quan tri phủ, tri huyện đều làm lễ Vua Hùng và cho phép năm làng xung quanh thờ tự Vua Hùng là Hùng Lô, Cao Mại, Sơn Vy, Hữu Bổ, Xuân Lũng tổ chức rước kiệu vào lễ hội Đền Hùng, đồng thời tổ chức các trò chơi dân gian trong lễ hội.

Đội rước kiệu xã Hùng Lô và hình ảnh 100 con Lạc, cháu Hồng.
Đội rước kiệu xã Hùng Lô và hình ảnh 100 con Lạc, cháu Hồng.

Lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ đạo lý, từ truyền thống của dân tộc Việt Nam giàu lòng yêu nước, kiên cường bất khuất chống kẻ thù. Nó cũng trở thành động lực tinh thần cho cả dân tộc.

 … Đến biểu tượng dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh

Năm 1943, Mặt trận Việt Minh đã treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên gác chuông trước cửa chùa Thiên Quang trên núi Hùng để tuyên truyền cách mạng, kêu gọi toàn dân đánh đổ Nhật - Pháp. Năm 1946, quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền, thay mặt Chính phủ về dự lễ hội. Khi lễ Tổ, Cụ đã dâng thanh gươm và một tấm bản đồ Việt Nam cẩn cáo với Vua Hùng, với dụng ý kiên quyết chống giặc ngoại xâm giữ trọn tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình.

Ngày 19-9-1954, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Hùng với câu nói bất hủ:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Quyết định sửa đổi, bổ sung điều 73 Bộ Luật Lao động cho người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm) để thực hiện  tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên. Càng ngày, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương -  Lễ hội Đền Hùng càng được thực hiện quy mô và trang nghiêm. Năm 2012, Tín ngưỡng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính phủ đã có quy định về Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, xác định đó là một trong những ngày lễ trọng của cả dân tộc. Bộ VH, TT và DL có hướng dẫn về nghi thức, thời gian, trang phục của lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ 10-3 ở Phú Thọ và thống nhất đồng loạt tổ chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đền thờ Vua Hùng. Đối với  các địa phương khác không có đền thờ Vua Hùng cũng tổ chức nghi lễ trong ngày Giỗ Tổ mùng 10-3; lễ phẩm gồm bánh chưng, bánh dầy, hương hoa, nước, trầu cau... Từng bước đưa giỗ Tổ Hùng Vương -  Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong những lễ hội mẫu của cả nước và là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cao nhất của người Việt.

Tinh thần thượng võ thời Hùng Vương được 50 nam thanh niên xã Thụy Vân và phường Nông Trang tái hiện trong Lễ hội dân gian đường phố
Tinh thần thượng võ thời Hùng Vương được 50 nam thanh niên xã Thụy Vân và phường Nông Trang tái hiện trong Lễ hội dân gian đường phố

Cùng với việc tổ chức các nghi lễ trang trọng, khu Di tích lịch sử  quốc gia đặc biệt Đền Hùng được quan tâm đầu tư, tôn tạo với nhiều dự án quan trọng như mở rộng không gian lễ hội, trục hành lễ, quang cảnh quanh khu di tích, đường giao thông, quy hoạch khu bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe, công viên, hồ nước, nhà điều hành. Đặc biệt là các đền, chùa, sân trung tâm lễ hội được trùng tu nâng cấp rất đẹp mắt và trang nghiêm. Bên cạnh đó các công trình nghệ thuật như: Nhà triển lãm, nhà trưng bày hoa lan, bức tranh gốm “Ngày hội non sông” dài 36m, cao 4m là bức tranh gốm to nhất Việt Nam, vườn tượng trại điêu khắc quốc tế tổ chức cuối năm 2009, với chủ đề “Ấn tượng Đất Tổ Hùng Vương” với sự tham gia của 32 nhà điêu khắc đến từ 11 quốc gia ở tất cả các châu lục, tạo nên 34 tác phẩm điêu khắc đá hiện đại đặt xung quanh hồ Khuôn Muồi trong khu Di tích lịch sử Đền Hùng;… đã góp phần quan trọng, làm đẹp không gian, cảnh quan khu di tích, là nơi thưởng ngoạn, thư giãn cho khách thập phương về lễ tổ tiên và vãn cảnh Đền Hùng.

Điểm nhấn trong chương trình giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016 là Lễ hội văn hóa dân gian đường phố năm 2016 và chương trình nghệ thuật “Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn” do Thành phố Việt Trì tổ chức tối 12-4 (từ mùng 6-3 âm lịch).

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật “Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn” được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa vùng đất Tổ, giới thiệu tới du khách thập phương về quê hương, đất nước, con người Việt Trì - miền đất địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hóa. Đồng thời khẳng định sự nỗ lực, tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Việt Trì trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ Vua Hùng, góp phần xây dựng Việt Trì ngày càng phát triển, từng bước trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Màn trình diễn nghệ thuật múa lân, sư và rồng mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt
Màn trình diễn nghệ thuật múa lân, sư và rồng mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt

Sức hấp dẫn của lễ hội là những nét văn hóa dân gian đặc sắc, đặc trưng của vùng đất Tổ được gần 2.000 nghệ nhân dân gian, diễn viên và đại diện các tầng lớp nhân dân biểu diễn. Đến với lễ hội, người dân và du khách thập phương cuốn hút bởi màn trình diễn và diễu hành của đoàn nghệ thuật dân gian trên tuyến đường Trần Phú tới khu vực sân khấu Công viên Văn Lang. Đi đầu là đoàn rước kiệu và 8 xe mô hình với các biểu tượng văn hóa đặc trưng của tỉnh Phú Thọ như: “Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”; “Cha Rồng - Mẹ Tiên”; “bánh Chưng, bánh Dày”; “Hồng Hạc Trì”; “Cá Anh Vũ”; “Tinh thần thượng võ thời Hùng Vương”; “Lễ hội Tịch điền”; “Hát Xoan”… Bên cạnh đó, các nghệ nhân và diễn viên không chuyên phác họa lại các tích, trò chơi dân gian như: Cướp bông, ném chài; rước giải, hóa giải; ông Khiu, bà Khiu… Đan xen những loại hình nghệ thuật mang tính sân khấu biểu diễn là những vũ điệu rộn ràng, đầy màu sắc, âm thanh của các hoạt náo viên, các đoàn múa lân sư rồng...

Sau màn trình diễn và diễu hành đường phố, du khách thưởng thức chương trình nghệ thuật “Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc”. Chương trình nghệ thuật gồm 2 chương: Chương I: Âm vang Đất Tổ với những ca khúc ca ngợi công đức Vua Hùng và hoạt cảnh nhằm tái hiện nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ. Chương II: Việt Trì - Tiềm năng vẫy gọi với các ca khúc giới thiệu về mảnh đất Việt Trì thân thiện, mến khách và hình ảnh Thành phố Việt Trì hôm nay năng động, trẻ trung, tràn đầy sức sống mới.

Kết thúc chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa tầm cao với nhiều màu sắc đã khép lại Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì trong niềm hân hoan và xúc động của đông đảo người dân và du khách.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của dân tộc - là bản sắc độc đáo của văn hoá Việt và là di sản văn hoá tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc, có sức sống lâu bền và ngày càng lan toả mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngày 10-3 âm lịch hằng năm trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc, triệu triệu lượt người hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng./.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com