Nam Trực khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống

07:04, 09/04/2016

Vào các buổi sáng chủ nhật tại sân đền thôn Trai, xã Nam Cường (Nam Trực) các thành viên trong đội múa rồng lại cùng nhau tập luyện. Tiếng trống thúc liên hồi, tiếng não bạt, tiếng vỗ tay hò reo cổ vũ vang một góc làng. Ông Cao Văn Yến, đội trưởng đội múa rồng thôn Trai cho biết: Nghệ thuật múa rồng ở thôn Trai đã có trên 50 năm. Sau một thời gian trầm lắng, năm 2004, đội múa rồng thôn Trai được thành lập với trên 40 thành viên. Được các cụ cao niên truyền dạy kỹ năng múa rồng truyền thống, các thành viên trong đội đã kiên trì tự học các kỹ thuật múa rồng trên băng, đĩa. Hiện tại các tiết mục múa rồng của đội khá đa dạng. Ngoài việc biểu diễn phục vụ nhân dân trong lễ hội của thôn Trai vào dịp tháng Giêng, đội múa rồng còn biểu diễn trong các sự kiện chính trị, văn hoá của địa phương.

Phường múa rối Nam Chấn, xã Hồng Quang biểu diễn múa rối phục vụ học sinh tại Bảo tàng tỉnh.
Phường múa rối Nam Chấn, xã Hồng Quang biểu diễn múa rối phục vụ học sinh tại Bảo tàng tỉnh.

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều xã, thị trấn ở huyện Nam Trực đã gìn giữ, khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát chèo ở các xã: Nam Thái, Nam Dương, Nghĩa An; múa rối nước ở xã Hồng Quang, múa rối đầu gỗ ở Thị trấn Nam Giang, múa tứ linh ở xã Nam Cường… CLB chèo xã Nam Thái được thành lập từ năm 1965, sau một thời gian hoạt động bị gián đoạn, năm 1989 bác Nguyễn Thị Hồng The, thôn Lạc Thiện đã vận động hơn 30 thành viên tham gia CLB chèo. Với sự nhiệt tình, tích cực tham gia của các thành viên, CLB đã dàn dựng được các vở diễn như: “Ngôi nhà ven sông”, “Tình quân dân” và sáng tác nhiều tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo phù hợp với từng chủ đề phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, năm 2002, vở chèo “Lòng” do CLB chèo Nam Thái biểu diễn tham gia “Hội diễn các làng chèo tỉnh Nam Định”  đã đoạt giải nhất... Đội văn nghệ xã Nghĩa An với hơn 10 thành viên chuyên dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật tổng hợp như: chèo, hát mới, hát văn…, nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Vào các kỳ lễ hội ở đền Nghĩa An, đội thường tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả các trích đoạn chèo cổ như: “Phạm Tăng ra trận”, “Chia tay giữa Châu Long và Dương Lễ”. Ở Thị trấn Nam Giang, nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh (hay còn gọi là Ổi Lỗi) trong lễ hội chùa Đại Bi (từ 20-23 tháng Giêng) đến nay vẫn được gìn giữ. Hiện nay, Hội múa rối Ổi Lỗi chùa Đại Bi có 40 hội viên ở 3 thôn Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư. Các thành viên trong Hội luôn có ý thức cao về việc trao truyền, gìn giữ một cách hệ thống và tương đối đầy đủ các nghi thức. Về lời ca và giai điệu, nghệ thuật múa rối Ổi Lỗi chùa Đại Bi đã bảo lưu được 26 bài, 32 làn điệu; nội dung ca ngợi công lao của Đức Thánh Từ và cầu cho đất nước thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền… Đặc biệt, “Thập nhị Thánh tượng” (12 tượng thánh gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ) dùng trong múa rối chầu Thánh có niên đại hàng trăm năm không chỉ có giá trị lịch sử, tâm linh mà còn giàu tính nghệ thuật tạo hình. Nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật múa rối chầu Thánh là bộ gõ gồm 1 trống cái (để cầm canh chuyển làn điệu); 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói (gõ theo trống cái), 1 trống bảng, 2 trống cơm, 2 thanh la. Anh Trần Xuân Bình, trùm phó phường múa rối Ổi Lỗi thôn Giáp Ba chia sẻ: Múa rối hầu Thánh có những bài văn khó hiểu, không dễ truyền dạy trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, tất cả các thành viên trong hội đều nhiệt tình, kiên trì truyền đạt lại cho lớp trẻ. Hiện nay, các thành viên trẻ của hội như anh Đoàn Văn Thắng (33 tuổi), thôn Vân Chàng, anh Đoàn Văn Lý (27 tuổi), thôn Giáp Ba hứa hẹn sẽ là những người tiếp nối, gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này của quê hương. Tại xã Hồng Quang, công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước ngày càng được quan tâm. Trong đó phường rối Nam Chấn còn giữ hơn 40 tích trò cổ, phản ánh sinh động cuộc sống với nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tiêu biểu như các tiết mục: “Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên - Mông”, “Cấy lúa”, “Đấu vật”, “Múa tứ linh”, “Chọi trâu”, “Múa sư tử”... Hiện nay, phường rối nước Nam Chấn đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện chương trình đưa loại hình nghệ thuật múa rối nước vào học đường. Thông qua tích trò, các câu chuyện kể về lịch sử, cổ tích, chương trình hướng các em đến những điều tốt đẹp của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường còn góp phần nuôi dưỡng nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ, đào tạo thế hệ công chúng kế cận cho từng thể loại nghệ thuật và sân khấu truyền thống. Mặc dù hầu hết các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian quần chúng hoạt động theo phương thức xã hội hóa, do các thành viên tự đóng góp kinh phí, nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn về chuyên môn, các cuộc thi, hội diễn văn hóa - văn nghệ quần chúng liên tục được tổ chức, đã tạo động lực để các CLB duy trì và hoạt động hiệu quả… Hằng năm, vào dịp lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hóa đền Xám xã Hồng Quang, đền Vân Cù - Giao Cù xã Đồng Sơn, đền Trần thôn Bái Dương, xã Nam Dương đều tổ chức hội thi hát ca trù, hát văn, biểu diễn rối nước. Phòng VH-TT huyện thường xuyên cử cán bộ nghiệp vụ bám sát phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn ban văn hóa các xã, thị trấn, các NVH thôn, các CLB, đội văn nghệ kết hợp các đoàn thể quần chúng xây dựng nhiều chương trình văn nghệ và tổ chức biểu diễn, giao lưu phục vụ nhiệm vụ chính trị, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân; phối hợp với CLB nghệ thuật, đội văn nghệ ở một số xã, thị trấn mở các lớp bồi dưỡng hát chèo, hát văn, ca trù; phối hợp với đội ngũ giáo viên âm nhạc, hội họa và các gia đình có truyền thống nghệ thuật mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc cho hàng trăm thanh, thiếu niên trên địa bàn, tạo lực lượng kế cận cho phong trào văn nghệ ở địa phương.

Để tiếp tục gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian, huyện Nam Trực cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương. Các xã, thị trấn cần quan tâm tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ, tạo điều kiện về nơi tập luyện và hỗ trợ kinh phí cho các CLB văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com