Trống hội ngày Xuân

11:02, 12/02/2016
Từ lâu tiếng trống hội ngày Xuân đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Trong các lễ hội, âm thanh hối hả của tiếng trống như thúc giục nhân dân trong xóm ngoài làng tới dự hội. Còn theo nhịp trống, các trò chơi truyền thống trở nên sôi động, rộn rã hơn… Những ngày này ở các địa phương trong tỉnh, hàng chục hội trống lại hăng say luyện tập, chuẩn bị các tiết mục đặc sắc biểu diễn phục vụ nhân dân trong các lễ hội Xuân.
Một buổi luyện tập của CLB trống hội Giao Hải tại khu di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Kiên Hành, xã Giao Hải (Giao Thủy).
Một buổi luyện tập của CLB trống hội Giao Hải tại khu di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Kiên Hành, xã Giao Hải (Giao Thủy).
Về di tích lịch sử - văn hóa đền Liêu Đông, xã Xuân Tân (Xuân Trường) những ngày đầu xuân, chúng tôi được nghe tiếng trống rộn ràng. Ở đây, trong khung cảnh “cây đa, giếng nước, sân đình”, người dân sau những ngày lao động vất vả lại cùng nhau say sưa luyện tập các điệu trống. Theo các bậc cao niên ở xã Xuân Tân, nghệ thuật đánh trống hội đã có gần 100 năm. Những “nghệ sĩ trống” nổi danh khắp vùng như các cụ Xuân Vũ, Văn Cáp vừa đánh trống giỏi, vừa có những điệu múa trống đẹp mắt. Sau một thời gian trầm lắng, năm 2007, ông Phạm Văn Vĩnh (64 tuổi), xóm Võ đã quy tụ những người có cùng đam mê tiếng trống và vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí thành lập CLB trống hội Xuân Tân. Do thanh niên ở địa phương đa số đi làm ăn xa nên tham gia CLB trống chủ yếu là hội viên Hội NCT. Hiện nay, CLB trống hội Xuân Tân có 23 thành viên, trong đó cụ Hữu Từ (77 tuổi), cụ Xuân Chiêu (76 tuổi) vẫn tích cực tham gia tập luyện cùng CLB. Để có tiếng trống đặc trưng, CLB đã mời những người thợ giỏi từ làng nghề trống Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) về đóng trống. Bộ trống của CLB không chỉ đảm bảo thẩm mỹ mà còn đáp ứng yêu cầu về âm sắc khi biểu diễn. Hiện CLB có 1 trống sấm, 3 trống đại và 8 trống vừa. Trống sấm lớn nhất với bề mặt có đường kính trên 1,5m, cao khoảng 1,7m, 2 mặt trống bịt da trâu, được đóng bằng đinh tre. Trống hội Xuân Tân dùng trong nghi lễ đình làng, gồm các bài như: trống rước, trống đón, trống múa dùi, trống bái, trống tái nghiêm...; mỗi bài có một cách đánh và mang ý nghĩa khác nhau nên đòi hỏi người đánh trống phải có niềm đam mê học hỏi. Trong quá trình biểu diễn, các thành viên đánh trống giỏi như các bác: Văn Vĩnh, Văn Ấn, Văn Tường có nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống… Bởi vậy trống hội Xuân Tân không chỉ có âm sắc hay mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem. Nhờ khả năng biểu diễn các bài trống, CLB trống hội Xuân Tân được mời đi biểu diễn ở các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam. Những ngày này, các thành viên trong CLB đang hối hả luyện tập để kịp biểu diễn trong những ngày Tết cổ truyền với các chương trình khai Xuân, mừng thọ đầu Xuân, lễ hội mùa Xuân… Làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhất là vào mỗi dịp xuân sang. Trong thời khắc đêm Giao thừa, ở đền Ngoài, mở đầu tục rước lửa là tiếng trống chiêng vang vọng khắp làng, thúc giục người dân đến sân đền hành lễ. Rồi ánh lửa bập bùng trên tay mỗi người hòa cùng tiếng trống rộn rã của hội múa rồng theo con đường về đền Trong thờ Đức Thánh Hai. Tiếng trống linh thiêng trong đêm Giao thừa không chỉ có ý nghĩa xua tan điều rủi trong năm cũ mà còn nhắc nhở các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Ở các từ đường dòng họ trong làng vào trưa mùng một Tết hoặc chính rằm, khi con cháu hội tụ đông đủ, các phẩm vật cung tiến đã xếp đặt trang nghiêm thì những hồi trống vang lên báo nghi thức bắt đầu cho buổi lễ. Cầm dùi đánh trống thường là trưởng họ hoặc bậc cao niên. Hiện nay, phường trống Vĩnh Lại gồm 10 thành viên, chủ yếu các cụ cao tuổi, nổi tiếng với các bài trống cổ truyền như: Trống tiến rượu, trống tế, trống thét, trống rước. Trăn trở trước sự mai một của nghệ thuật trống, thời gian qua, ông Nguyễn Viết Giai, một tay trống kỳ cựu của làng và các thành viên trong phường đã mở các lớp dạy đánh trống ngay tại đình Vĩnh Lại với mong muốn giữ gìn nghệ thuật trống truyền thống của làng. Ở xã Giao Hải (Giao Thủy), ngoài nổi tiếng với chiếu chèo truyền thống, vùng quê này còn được biết đến với các môn thể thao dân gian như: Vật, bơi chải, múa rồng… mà tất cả đều không thể thiếu tiếng trống cầm nhịp. Trải qua thời gian, khi những người đánh trống giỏi ở địa phương đã cao tuổi, thanh niên trong xã thường xuyên làm ăn xa nên tiếng trống dần thưa thớt và có nguy cơ mai một. Đầu năm 2015, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Trịnh Văn Vệ đã có sáng kiến phối hợp với Hội Phụ nữ và Ban Văn hóa xã Giao Hải vận động chị em phụ nữ thành lập CLB trống hội quê hương. Bên cạnh đó, ông còn trực tiếp vận động, quyên góp hàng trăm triệu đồng để mua sắm các loại trống, nhạc cụ, trang phục cho các thành viên CLB. Tháng 5-2015, CLB trống hội quê hương xã Giao Hải được thành lập với 36 thành viên nữ, tuổi đời từ 30-35. Khác với đánh trống thông thường, trong trống hội, tiếng trống được hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của những người biểu diễn. Được sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Nhà hát Chèo Nam Định, các thành viên trong CLB đã kiên trì luyện tập trong suốt thời gian dài từ các bài cơ bản đến nâng cao. Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ nhiệm CLB cho biết: Mỗi bài trống hội thường biểu diễn trong 7 phút với 3 phần: phần đầu tái hiện buổi mở đất dựng làng; phần 2 thể hiện khí thế đánh giặc giữ nước; phần 3 tái hiện giai đoạn xây dựng quê hương phát triển. Trong bài biểu diễn của CLB trống hội quê hương, phần mở đầu tiếng trống vừa uyển chuyển vừa biến hóa linh hoạt, thu hút sự chú ý của người nghe. Sau đó, tiếng trống từng hồi cấp báo giặc xâm lăng tàn phá, trống ngũ liên vang lên ban hiệu lệnh xuất quân thúc giục người người lên đường ra trận giữ yên bờ cõi. Phần kết của bài là tiếng trống khải hoàn, tiếng trống vui về non sông đất nước thái bình. CLB trống hội quê hương Giao Hải ngoài trình diễn những điệu múa trống đẹp mắt, âm thanh lôi cuốn, còn thể hiện sống động các tiết mục văn nghệ dân gian như hát chèo, hát văn. Sắp tới vào dịp hội làng mùng 6 tháng Giêng, tại khu di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Kiên Hành, CLB trống hội quê hương sẽ có những bài biểu diễn múa trống hay, tạo khí thế khích lệ nhân dân hăng say lao động sản xuất. Ở nhiều địa phương trong tỉnh vào ngày hội làng đầu xuân, nhân dân cùng tập trung thành dòng người đi nghe tiếng trống khai hội; xem đoàn rước đi quanh xóm làng cùng với múa rồng, múa sư tử, các hoạt động tế, lễ và tham gia các trò chơi dân gian... Nhờ có tiếng trống, các đội múa rồng, múa sư tử như được tiếp thêm sinh lực, khí thế để trình diễn những động tác hay và đẹp mắt. Đội vật thông qua tiếng trống mà trở nên quyết liệt hơn, tinh tế hơn với những miếng đòn quật ngã đối phương. Nghe tiếng trống, mỗi người như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đời thường. Đặc biệt, tiếng trống đêm giao thừa là khoảnh khắc để con người cảm nhận được sự giao hòa của đất trời trong thời khắc chuyển giao. Những lời chúc sức khoẻ, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn hòa cùng tiếng trống linh thiêng là ý nguyện gắn kết tình cảm cộng đồng để vượt qua những khó khăn thử thách trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Giá trị văn hoá của tiếng trống hội được kết tinh từ hàng nghìn đời nay mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người dân. Dù ở bất kỳ nơi đâu, dù đi ngược về xuôi nhưng ai cũng mãi nhớ âm vang tiếng trống linh thiêng, rộn rã. Sức xuân cùng âm hưởng tiếng trống hội truyền thống sẽ còn vang vọng mãi đến mai sau./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com