Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.
Một tiết mục văn nghệ của CLB văn nghệ quần chúng xã Bạch Long tại Hội thi văn nghệ huyện Giao Thuỷ 2015. |
Ở huyện Giao Thuỷ, hát chèo đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân trong các dịp hội hè, lễ, Tết. Tại xã Giao Thanh, từ năm 1976 CLB chèo “Hương quê” đã được thành lập gồm 15 thành viên, hoạt động trên cơ sở tự nguyện. CLB đã dàn dựng thành công nhiều vở chèo “kinh điển” như: “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”... Cũng từ các làn điệu chèo cổ, các thành viên CLB chèo “Hương quê” đã tự sáng tác, dàn dựng các hoạt cảnh chèo phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương như: “Gieo gió gặp bão”, “Em đi làm kế hoạch”… Tại huyện Ý Yên, các tổ, đội, CLB văn nghệ được duy trì hoạt động ở cả 32 xã, thị trấn chủ yếu theo phương thức xã hội hoá. Tiêu biểu là CLB chèo Ý Yên được thành lập năm 2004, gồm 15 thành viên. Ngay từ những ngày đầu thành lập, CLB tham dự hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh và đã đoạt Huy chương Vàng. Với các hoạt cảnh chèo tự biên như “Chuyện nhà nông”, “Nghĩa tình”, “Khắc mãi tên anh” biểu diễn phục vụ khán giả các xã, thị trấn, CLB đã góp phần tích cực tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ở huyện Nghĩa Hưng, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh ở các xã: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Thành, Thị trấn Rạng Đông… CLB đàn hát dân ca Thị trấn Rạng Đông thành lập năm 2007, với nhiều nhạc công như các ông: Lại Xuân Viễn chơi đàn nguyệt, Nguyễn Hữu Lương chơi trống. CLB có nhiều tiết mục chèo và chầu văn đặc sắc như “Khúc hát văn Nghĩa Hưng”, trích đoạn chèo “Hát mừng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” biểu diễn phục vụ nhân dân. Đội văn nghệ quần chúng thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh nổi tiếng với nghệ thuật cải lương. Các trích đoạn trong các vở diễn: “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” được các thành viên trong đội thể hiện nhuần nhuyễn. Hằng năm, trong dịp hội làng tưởng nhớ công lao các vị tổ nghề, người có công trong việc quai đê, lập ấp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đội văn nghệ Hải Lạng lại dàn dựng nhiều vở cải lương có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất; tiêu biểu như các vở: “Bà mẹ sông Hồng”, “Trở về”… Phong trào văn hoá, văn nghệ ở Hải Hậu phát triển đa dạng ở nhiều loại hình nghệ thuật, có chiều sâu và diện rộng. Ở các xã có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như: Hải Châu, Hải Anh, Hải Tây, Hải Toàn, Hải Phúc, Hải Quang…, có nhiều cá nhân là hạt nhân văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn, góp phần làm nên chất lượng của phong trào. Nhiều người đã đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực như: Anh Hồng, Thu Hương, Huy Công, Thanh Nga, Thế Tài. Đội chèo làng Phú Văn Nam, xã Hải Châu có 16 diễn viên và nhạc công. Các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của quê hương, đất nước, những vấn đề hiện thực trong đời sống đã tạo cảm hứng để các thành viên trong đội sáng tác các hoạt cảnh chèo. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Hạt giống quê hương”, “Tìm lại mộ cha”, “Câu chuyện nhỏ làng tôi”, “Chỉ giới con đường”... Đội chèo làng Phú Văn Nam nhiều lần được tham gia hội diễn của huyện và của tỉnh; nhiều vở diễn đạt giải cao như: “Cái thước nghĩa tình”, “Con trâu phế canh”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Cô gái sông Lam”, “Long Vương vi hành”. Với lòng say mê nghệ thuật, đội ngũ diễn viên, nhạc công không chuyên hoạt động văn nghệ quần chúng ở xã Hải Châu nói riêng, ở huyện Hải Hậu nói chung đã góp phần nâng cao đời sống và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, văn nghệ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện.
Phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu là có sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát từ các CLB, tổ, đội văn nghệ. Vì thế, mỗi tiết mục văn nghệ quần chúng luôn đậm chất quê hương, trong sáng và chân thật. Nội dung các tiết mục văn nghệ tập trung vào các đề tài phản ánh những vấn đề hiện thực của đời sống, trong đó xây dựng thành công những gương sáng, nhân tố mới trên các mảng đề tài, lĩnh vực: thương binh, liệt sĩ; dân số - KHHGĐ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi; phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, nếp sống văn hoá… Thực tế cho thấy tại các địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Ở đó chất lượng các phong trào xây dựng Gia đình văn hoá, Làng văn hoá từng bước được nâng lên, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng NTM.
Để phát huy vai trò của phong trào văn nghệ quần chúng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tạo điều kiện để các CLB, đội, tổ, tốp văn nghệ quần chúng hoạt động như: hỗ trợ đạo cụ, loa đài, trang phục... Trung tâm văn hóa các huyện cần triển khai nhiều biện pháp nhằm duy trì tốt các hoạt động văn nghệ như: đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn nghệ, đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn nghệ; khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn nghệ truyền thống của địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho cán bộ cơ sở… Hằng năm tại các xã, thị trấn cần thường xuyên tổ chức liên hoan, giao lưu, biểu diễn văn nghệ… Ngoài ra, các tổ, đội CLB văn nghệ cần năng động, sáng tạo, tìm ra các phương thức hoạt động hiệu quả theo phương châm xã hội hóa để duy trì hoạt động, để phong trào văn nghệ quần chúng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng