Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ xa xưa của mọi quốc gia. Đó là dịp để con người vui chơi, nghỉ ngơi, giao lưu và hiểu biết thêm lịch sử về cội nguồn xứ sở. Dù to, nhỏ, rộng, hẹp về quy mô và khác nhau về ý nghĩa, mỗi một lễ hội thường bao gồm phần lễ là phần nghi thức thể hiện quan niệm tín ngưỡng dân gian của cộng đồng và phần hội là phần vui chơi với các trò chơi dân gian, hát hò, diễn xướng… Chẳng hạn, thi hào Nguyễn Du đã viết về lễ hội trong Truyện Kiều: Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh/ Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân/ Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Với những người trẻ tuổi, thời nào cũng vậy, tham gia lễ hội luôn là một hoạt động đầy sức cuốn hút. Không ở đâu như trong lễ hội, giới trẻ được bộc lộ mình thoải mái nhất, được giao lưu với bạn bè và cũng là dịp để tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu bạn đời để tỏ tình, tiến tới xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc lứa đôi. Chúng ta hãy xem cô gái mới lớn hồi hộp náo nức đi trẩy hội Chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp. Cô dậy sớm khi hoa cỏ mờ hơi sương vấn đầu, soi gương, chuẩn bị trang phục: Khăn nhỏ đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh áo the mới/ Tay cầm nón quai thao.
Nghi lễ rước nước, tế cá trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần 2015. Ảnh: Xuân Thu |
Các lễ hội của chúng ta như Hội xuống đồng (lồng tồng), Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội gò Đống Đa, Hội Gióng, Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Phủ Dầy... đều thể hiện ý nghĩa đề cao sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp; biết ơn tổ tiên đã có công dựng nước, ca ngợi những người anh hùng đánh giặc giữ nước, ca ngợi chiến thắng; thể hiện văn hóa tâm linh…
Tham gia vào lễ hội, những người trẻ tuổi trước hết được tắm mình trong không khí trang nghiêm của phần lễ, biết được lịch sử của dân tộc mình, đất nước mình. Những bài học trong sách giáo khoa lịch sử được thể hiện một cách sinh động trong các hoạt động dâng hương, trong diễn văn kỷ niệm, trong hoạt động tái hiện chiến công của người anh hùng. Đó là ý nghĩa giáo dục lớn lao của lễ hội mà cả xã hội đều thừa nhận. Tuy nhiên, việc tổ chức phần lễ như thế nào để vừa đơn giản, vừa trang nghiêm, vừa có tác dụng giáo dục sâu sắc về lịch sử và văn hóa cho mọi người, đặc biệt là lớp trẻ thì không phải ban tổ chức lễ hội nào cũng làm tốt và chu đáo. Không ít các lễ hội chỉ làm phần này có tính chất “gọi là có”, sơ sài, chỉ chú trọng vào phần hội có tính chất vui vẻ, trẻ trung. Và không phải không có chỗ chỉ chú trọng đến “phần doanh thu”, cho nên ý nghĩa giáo dục bị xem nhẹ.
Tham dự lễ hội là tham dự vào hoạt động văn hóa của cộng đồng. Vì vậy đến lễ hội, mọi người cần có thái độ ứng xử văn hóa và thanh lịch. Không thể tùy tiện, muốn ăn mặc hay nói năng thế nào cũng được. Một số đền, chùa khi đến hội có người nhắc nhở về chuyện ăn mặc. Quần soóc quá ngắn, áo ba lỗ, áo cổ trễ… đến nơi thờ tự hẳn nhiên là không thích hợp. Đội mũ sùm sụp, đi giày, dép vào chỗ dâng hương chắc chắn là cũng không được phép. Không chỉ thế, việc nói năng, cư xử cũng cần thể hiện một cách lịch sự, văn minh.
Những chàng trai, cô gái ăn mặc đẹp để khiêng kiệu, cầm cờ, phướn đi trong đám rước. Những thiếu nữ quần áo mớ ba, mớ bảy đóng vai tướng sĩ trong hội cờ người. Những liền anh, liền chị hát hay, đàn ngọt trong các cuộc hát giao duyên, hát xoan, hát ghẹo hay quan họ… Các bạn trẻ thi tài trong việc ném còn, kéo co, đẩy gậy, thổi cơm thi, đua thuyền trên sông… đã đem đến cho lễ hội sự thanh xuân, tươi trẻ và hấp dẫn, thú vị. Nếu thiếu họ, lễ hội sẽ kém vui!
Nhìn chung, các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú, những người có học đều thể hiện là người thanh lịch trong các lễ hội. Tuy nhiên, cũng có một số ít bạn trẻ chưa làm tốt việc này nên gây ra hiện tượng chưa đẹp hoặc phản cảm. Có những bức tượng ở khu di tích không hẳn nghiêm ngặt như ở bảo tàng, song chỉ nên ghé bên cạnh chụp ảnh thì nhiều bạn trẻ lại trèo lên bệ, bá vào vai, vào cổ tượng để chụp ảnh, ghi hình. Nghĩ rằng như thế mới độc đáo, mới “bắt mắt”. Chắc mọi người vẫn còn nhớ những tấm ảnh đó đã bị cộng đồng mạng phê phán. Cũng không khó khăn để thấy, ở nhiều khu di tích, các bạn trẻ giẫm lên cỏ, tạo dáng trên cỏ một cách hồn nhiên để chụp hình, trong khi phớt lờ hoặc tỏ ra không biết đọc những dòng chữ ghi trên biển “Xin không giẫm lên cỏ!”. Một biểu hiện không lịch sự, thiếu văn hóa nữa là một số ít bạn trẻ thích khắc tên mình, bạn mình lên thân cây, mỏm đá, bức tường… để chứng tỏ rằng mình đã có mặt ở nơi đó.
Tuổi trẻ bao giờ cũng yêu thích hoạt động, ham thích vui chơi. Nhưng những người trẻ tuổi lại là những người đang có nhiệm vụ chính là học tập ở các trường học, làm việc ở các công sở, nhà máy, doanh nghiệp… Việc lựa chọn, tham gia lễ hội nào cho phù hợp với điều kiện thời gian và cả điều kiện tài chính của mình là vô cùng quan trọng. Quá đam mê lễ hội, tham gia quá nhiều lễ hội từ gần gũi đến xa xôi vừa hại sức khỏe, vừa tốn tiền bạc, lại ảnh hưởng đến học tập và công tác là điều cần tránh.
Lễ hội có văn hóa của lễ hội. Hoạt động văn hóa muốn trở thành nề nếp, tốt đẹp cần phải được giáo dục và quản lý tốt. Trong chương trình học tập của học sinh, sinh viên, trong các hoạt động ngoại khóa, học sinh, sinh viên cần được học về ý nghĩa của các lễ hội, thái độ đúng đắn, thân thiện và thể hiện nét đẹp văn hóa khi tham gia lễ hội. Về phía các nhà quản lý thì tổ chức lễ hội phải nhằm mục đích văn hóa và giáo dục, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng. Có như thế, lễ hội mới thực sự là hoạt động lành mạnh, bổ ích và góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần phong phú cho nhân dân, trong đó có giới trẻ./.
Theo: QĐND