Về địa giới hành chính ngày nay, làng Đại Hoàng thuộc về tỉnh Hà Nam, nhưng từ xa xưa thì làng Đại Hoàng lại thuộc trấn Sơn Nam Hạ (TP Nam Định). Từ làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân xuống Thành phố Nam Định chỉ ngót 10 cây số, nên dân làng Đại Hoàng thường xuyên mua bán, giao dịch ở Thành phố Nam Định. Nhà văn Nam Cao thời thơ ấu từng học tiểu học ở Thành Nam. Sau này ông trưởng thành về sống ở quê để viết tiểu thuyết, truyện ngắn vẫn rất gắn bó với Thành phố Nam Định. Sau khi ông hy sinh, gia đình nhà văn Nam Cao xuống Thành phố Nam Định làm ăn. Như vậy tôi coi nhà văn Nam Cao cũng là người con của Thành Nam.
Về nhà văn Nam Cao, nhiều họa sĩ đã khai thác vẽ theo ảnh chân dung, ảnh chứng minh thư và một số họa sĩ vẽ về đề tài các nhân vật như cảnh Chí Phèo, Thị Nở bên lò gạch hoặc nhân vật Bá Kiến, Lão Hạc… Riêng tôi lại khai thác về đồ vật. Tôi luôn quan niệm người họa sĩ phải sáng tạo tác phẩm từ cảm xúc của mình. Tôi thổi hồn vào một số đồ vật được khắc họa trong các tác phẩm của Nam Cao để gợi lại hình ảnh về nhà văn. Trong tác phẩm Lão Hạc, tôi vẽ một cái ấm đất chuyên hãm nước vối với chiếc điếu cày. Trong tác phẩm Chí Phèo, tôi vẽ chiếc đèn chai với bông hoa chuối đang nở để diễn tả cuộc tình Chí Phèo và Thị Nở. Còn khi khắc họa hình tượng nhân vật giáo Thứ trong tiểu thuyết “Sống mòn” tôi vẽ chiếc bút cắm trong lọ mực bên cạnh bản thảo tiểu thuyết “Sống mòn”, cạnh góc tường là một buồng chuối ngự đặc sản của Đại Hoàng, nhìn qua khung cửa sổ là cả một khu vườn chuối dưới ánh trăng rằm vàng rực… Toàn bộ bức tranh toát lên nét quê của nhà văn Nam Cao. Bức vẽ này, tôi đã tặng ông Trần Hữu Thực là con trai thứ hai của nhà văn. Và bức tranh đó hiện nay đang được treo tại Nhà lưu niệm nhà văn Nam Cao ở làng Đại Hoàng.
Tôi coi bức tranh của mình là tấm lòng để tưởng nhớ đến nhà văn tài ba Nam Cao của quê hương./.
Hoạ sĩ Hồ Y