Những ngày cuối tháng Chạp, sương mù dày đặc buổi sáng và cái lạnh tái tê lúc chiều xuống khiến những người con xa quê càng bồn chồn, mong chóng xong công việc để được về sum họp bên gia đình. Trong nỗi nhớ quê hương mỗi khi Tết đã đến thật gần bao giờ cũng gắn liền với đêm Giao thừa đầy háo hức của con trẻ và khung cảnh gia đình đầm ấm ngồi canh nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng.
Ảnh: Internet |
Đêm Giao thừa trong ký ức tuổi thơ tôi thật thiêng liêng và huyền diệu. Ngay từ chiều tối, chị em tôi được phân công ra giếng làng gánh nước đổ đầy vào bể. Người dân quê tôi quan niệm rằng, bể nước phải đầy thì năm mới làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Chị tôi sóng sánh đôi quang gánh với hai thùng nước đầy đi phía trước, mấy đứa lít nhít chúng tôi đứa xách xô, đứa xách ấm chạy phía sau, mong nhanh xong việc còn đi chơi. Sau một ngày hối hả bận rộn hoàn tất các công việc của năm cũ, cả nhà tắm gội tẩy trần bằng nước lá mùi rồi quây quần bên nhau trong bữa cơm tất niên ấm cúng. Mẹ tôi ân cần dặn dò các con những điều cấm kỵ khi năm mới đến, đặc biệt là không được chạy sang hàng xóm chơi như mọi ngày vào sáng mùng một khi chưa có người xông nhà. Xong xuôi, chị em tôi ngồi cuộn tròn trong chiếc ổ rơm ấm áp chơi tam cúc. Đứa nào thua bị quệt nhọ nồi lên mặt làm cho cuộc chơi thêm phần rôm rả, tiếng cười tiếng nói rộn rã cả nhà. Chơi chán, chúng tôi chạy xuống bếp, xung phong ngồi canh nồi bánh chưng với bố. Trong gian bếp nhỏ, khi nồi bánh đã sôi lục bục, bố tôi hãm những gộc củi nhãn cháy âm ỉ để bánh chín thấu, sau này không bị lại gạo. Lửa than đỏ rực xua đi không khí giá lạnh, làm má chúng tôi hồng như trái chín và có cảm giác râm ran vì nẻ. Thường thì chị em tôi không chờ đợi được lâu nên lăn ra ngủ trước khi bố tôi vớt bánh và đến lúc Giao thừa, mẹ phải chạy vào đánh thức. Chúng tôi lập tức tỉnh như sáo, vội vã khoác lên người bộ quần áo đẹp mẹ mới mua cho vào phiên chợ cuối năm còn thơm nức mùi hồ. Trong thời khắc thiêng liêng, ông tôi thắp thêm một tuần hương mới lên bàn thờ tiên tổ. Mùi hương trầm thoang thoảng chậm rãi lan tỏa trong không gian khiến mọi người càng có cảm giác trang trọng, ấm cúng. Sau khi chúc Tết ông bà, bố mẹ, chị em tôi được ưu tiên ăn ngay chiếc bánh cóc còn nóng hổi. Có năm, tôi còn được theo ông ra đình làng hái lộc. Ngày trước, khi làng xóm chưa có điện như bây giờ, đêm ba mươi Tết trời tối đen như mực, lại thêm mưa phùn, đường đất lầy lội nên đi đâu cũng phải xách theo cái đèn chai. Hai ông cháu dò dẫm ra đình trở về nhà, trên các đường dong ngõ xóm, tiếng người đi hái lộc chào hỏi, chúc mừng nhau râm ran không ngớt.
Biết bao đêm Giao thừa đã qua đi nhưng mỗi năm, trước khi thời khắc Giao thừa đến, lòng tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác náo nức, hân hoan, mong chờ. Bởi sau phút sang canh là mùa xuân tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, là một năm mới hứa hẹn thật nhiều tốt lành ở phía trước./.
Lam Hồng