Xã Hồng Quang (Nam Trực) là địa phương có lịch sử phát triển lâu đời, nơi lưu đậm dấu ấn văn minh của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Toàn xã hiện có hơn 3.000 hộ với trên 14 nghìn dân; có 8 làng, thôn được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, gần 80% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Đặc biệt, thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Hồng Quang có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác tu bổ hệ thống di tích, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương.
Thủy đình rối nước làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang. |
Trên địa bàn xã có hệ thống di tích đền, đình, chùa phong phú, trong đó, có 9 ngôi chùa, 5 đình làng, 6 ngôi miếu, đền thờ và hàng chục giếng nước, cây đa cổ. Tiêu biểu như chùa, đình: Bài Cát, Đền Xám, Phúc Lâm, Ba Sạm, Mộng Lương, Lạc La, Trại Xám, Hóp, Rớn. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là đình Xám (hay còn gọi là đình Hát) ở thôn Lạc Đạo được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công. Đến thăm các làng cổ trên đất Hồng Quang, được ngắm những giếng làng cổ nằm bên sân đình, cây đa đầu mỗi thôn làng, chúng tôi cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa cổ truyền của vùng đất nơi đây. Về thăm làng Bàn Thạch những ngày cuối năm, tiết trời khá lạnh nhưng chúng tôi chứng kiến các nghệ nhân đằm mình trong làn nước thao tác tinh tế điều khiển con rối và không khí tập luyện say sưa, nghiêm túc của các đội múa rối nước chuẩn bị cho lễ hội năm 2015. Gắn bó với rối nước hơn 40 năm, anh Phan Văn Mạnh cho biết: Lễ hội rối nước truyền thống làng Bàn Thạch (còn gọi là làng Rạch) cứ 5 năm mở một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thành hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Qua câu chuyện với các vị cao niên trong làng, chúng tôi được biết, Bàn Thạch có hệ thống quần thể đền, chùa, tứ phủ và 14 ngôi từ đường. Nằm đối diện cổng đình là hệ thống giếng làng, cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi và đặc biệt, là “Thủy đình” cổ nhất cả nước. Bàn Thạch là một trong 3 làng múa rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) do nghệ nhân Mai Văn Kha đứng ra tổ chức. Bàn Thạch cũng là phường rối có nhiều tích trò, với hơn 40 trò cổ. Các tích trò của phường rối nước Bàn Thạch phản ánh sinh động cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống, tương thân, tương ái, mang ý nghĩa nhân văn. Bàn Thạch cũng là địa phương có công “giới thiệu” nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc ra thế giới. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương và làng rối Nguyên Xá (Thái Bình), các nghệ nhân làng Bàn Thạch được mời sang Pháp biểu diễn. Công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước ở Bàn Thạch được quan tâm, toàn làng có 5 đội múa rối nước với hơn 50 diễn viên thường xuyên đi biểu diễn tại các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhận thức đúng đắn ý nghĩa nhân văn của việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hồng Quang tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống các di tích và lễ hội trên địa bàn. Nhiều công trình di tích đền, chùa, miếu, từ đường được trùng tu, tôn tạo nguyên trạng, được bảo vệ, khai thác hiệu quả. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay xã đã tiến hành trùng tu hơn 30 hạng mục tại 7 di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng do nhân dân, con em địa phương và du khách tiến cúng, đóng góp. Tiêu biểu như các chùa Hóp, Phúc Lâm, Lạc La, đình và chùa Bàn Thạch. Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích xã Hồng Quang thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, từng bước khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với việc giáo dục truyền thống. Lễ hội đình Xám được tổ chức vào các ngày 17 và 19-8 âm lịch hằng năm với nhiều nghi lễ và phần hội độc đáo như rước kiệu, tế lễ, các cuộc thi đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, bơi chải, biểu diễn trống chèo, thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), các cuộc thi hát tại đình Xám còn diễn ra các tiết mục chầu văn, hát chèo, ca trù, các cuộc thi múa với những điệu truyền thống như: tũ tiên, tứ linh vũ, bồ đề tam túc vũ… Hiện nay, tại đình Xám còn lưu giữ 10 bài ca trù do Hương cống, Giám sinh Quốc tử giám thời Lê Nguyễn Xuân Vinh biên soạn theo các điệu “cung, thương, dốc, trăng, vũ” và 10 khúc hát do Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (1603-1678) chú thích. Truyền thống thi hát, múa tại đình Xám diễn ra từ lâu. Nơi biểu diễn lúc đầu mang đúng phong cách sân đình như bắc sàn gỗ, dựng cột tre. Triều Vua Khải Định năm thứ 8 (1916), nhân dân đã xây dựng một công trình phía trước theo kiểu bổ trụ bốn góc, các mặt thông phong để tiện cho các cuộc thi hát, múa không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Từ khi xây dựng công trình mới, các cuộc thi hát, múa được tổ chức long trọng với một quy mô rộng lớn hơn. Tên gọi đình Hát ra đời không chỉ gắn với công trình mới mà đã trở thành tên gọi quen thuộc cả khu di tích.
Trong thời gian tới, xã Hồng Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.
Bài và ảnh: Việt Thắng