Những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực quan tâm chỉ đạo, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Trong đó, phong trào xây dựng làng văn hóa đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, góp phần tạo sự gắn kết cộng đồng, tạo động lực cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong huyện.
Làng văn hóa Đồng Quỹ, xã Nam Tiến. |
Đến nay, toàn huyện có 215/397 thôn, xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Để đẩy mạnh phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, cùng với việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung, tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các thôn xây dựng quy ước nếp sống văn hóa. Các quy ước nếp sống văn hóa có nội dung phù hợp các quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo lý, đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong quá trình thực hiện phong trào, đã xuất hiện nhiều thôn, xóm điển hình trong phong trào xây dựng làng văn hóa của huyện như: thôn Khánh Hạ (Nam Thái), thôn Mỹ (Nam Hải), thôn Phú Cường (Nam Thanh), xóm Rục Kiều (Nam Hùng), thôn Vị Khê (Nam Điền)… Thôn Khánh Hạ có 100% đồng bào theo đạo Công giáo. Những năm qua thôn đã thực hiện tốt nếp sống văn hóa gắn với xây dựng NTM. Hệ thống đường làng, ngõ xóm của thôn đều được bê tông hóa; số hộ giàu trong thôn ngày càng tăng, không còn hộ đói. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt trên 90%. Xóm Rục Kiều là quê hương của Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu đã phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để thực hiện xây dựng làng văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Xóm luôn dẫn đầu xã về phong trào dòng họ, gia đình hiếu học; tiêu biểu như dòng họ Bùi có nhiều con em học hành thành đạt. Hằng năm, có trên 90% gia đình ở xóm được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Phong trào xây dựng Nhà văn hóa (NVH), khu thể thao thôn, xóm là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu “Làng văn hóa”. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 200 NVH thôn, xóm. Nhiều NVH thôn, xóm được xây mới trong năm 2014 như: xóm Tiền Phong, xã Nam Mỹ xây dựng NVH trên 300 triệu đồng; xóm 17, xã Nghĩa An xây dựng NVH gần 400 triệu đồng… Các NVH đều được trang bị trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Để nâng cao chất lượng hoạt động NVH, các thôn, xóm có NVH đều thành lập ban chủ nhiệm NVH, có quy chế hoạt động. Tại các NVH thôn, nhiều Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ quần chúng được thành lập tiêu biểu như hệ thống NVH thôn ở các xã Nam Thái, Nam Tiến, Nam Mỹ. Xã Nam Thái có nhiều mô hình CLB hoạt động theo hình thức xã hội hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: CLB chèo Nam Thái; Đội kèn đồng; Đội văn nghệ các xóm… Trong các ngày lễ, tết, các xã, thị trấn trong huyện đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi. Năm 2014, các CLB văn nghệ, CLB thơ trong huyện đã tổ chức được gần 500 buổi giao lưu văn nghệ, bình thơ, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Vừa qua, huyện đã tổ chức thành công Tuần lễ hưởng ứng văn hóa với sự tham gia của các xã, thị trấn và các ngành, đoàn thể trong huyện. Các tiết mục văn nghệ đều lồng ghép tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại các thôn, xóm trên địa bàn huyện luôn được quan tâm. Cùng với chính quyền cơ sở, các Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong huyện đã vận động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu tôn tạo các di tích. Tiêu biểu như: Đền thôn Tư, Thị trấn Nam Giang; Đền Y Lư, chùa Hưng Đễ, xã Nam Hoa; Đền Duyên Hưng, xã Nam Lợi. Huyện phối hợp với Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác trùng tu tại các di tích: Chùa Đại Bi với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng; Đền Xối Thượng, xã Nam Thanh trùng tu các hạng mục trị giá 150 triệu đồng; Đền Ông Nghè, xã Đồng Sơn được tu bổ với kinh phí 200 triệu đồng… Nhiều làng quê trong huyện vẫn gìn giữ các sinh hoạt văn hóa dân gian như: bơi chải, múa rối nước ở làng Rạch, xã Hồng Quang; kéo chữ ở Thị trấn Nam Giang... Ở làng Vị Khê, xã Điền Xá vào tháng giêng hằng năm còn lễ hội hoa - cây cảnh thu hút du khách gần xa đến tham dự. Đây là lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông tổ nghề Tô Trung Tự, người đã truyền dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho dân địa phương. Trong phần lễ có các nghi thức: tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa, cây cảnh tiêu biểu về đình làng, dâng hương ông tổ làng nghề. Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loài hoa quý, những cây cảnh độc đáo, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Nam Trực đã góp phần tạo sự gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư