Đưa nghệ thuật rối nước vào học đường

05:11, 08/11/2014

Thời gian qua, Đoàn múa rối nước Sông Quê (Nam Trực) đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện những chương trình đưa loại hình nghệ thuật múa rối nước vào học đường. Thông qua tích trò, các câu chuyện kể về lịch sử, cổ tích, sẽ gieo vào các em những ước mơ, hướng các em đến những điều tốt đẹp của cuộc sống, nâng cao chất lượng học tập. Bên cạnh đó, việc đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường còn nuôi dưỡng nghệ thuật trong tâm hồn thế hệ trẻ, góp phần giáo dục thẩm mỹ, đào tạo công chúng kế cận cho từng thể loại nghệ thuật và sân khấu.

Đoàn múa rối nước Sông Quê, xã Hồng Quang (Nam Trực) biểu diễn múa rối phục vụ du khách tham dự Lễ hội truyền thống Đền Trần (TP Nam Định). Ảnh: Đức thiện
Đoàn múa rối nước Sông Quê, xã Hồng Quang (Nam Trực) biểu diễn múa rối phục vụ du khách tham dự Lễ hội truyền thống Đền Trần (TP Nam Định). Ảnh: Đức Thiện

Chúng tôi được tham dự buổi biểu diễn của Đoàn múa rối nước Sông Quê tại Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định). Chương trình với hơn 10 hoạt cảnh gồm nhiều tích trò gắn với những bài học của các em, gần gũi, thiết thực, phản ánh tâm lý, tình cảm tuổi thơ, giúp các em chơi mà học và mang tính giáo dục cao. Trong đó, đan xen giữa các tích trò, các diễn viên trong đoàn đã chọn lựa những giai điệu âm nhạc và lời thoại phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, những làn điệu chầu văn, hát chèo, quan họ có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tiêu biểu là các hoạt cảnh như: “Tễu giáo đầu”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Dệt vải trao con”, “Câu ếch”, “Chọi trâu” và “Cu Tí đánh hổ” (đây là tiết mục khá đặc sắc được các nghệ nhân cải biên từ câu chuyện cổ tích: “Trí khôn của ta đây”); “Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên - Mông” và các hoạt cảnh: cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử. Sau mỗi tiết mục, tiếng vỗ tay, tán thưởng của các em học sinh, giáo viên chính là dấu ấn thể hiện sự thành công và sự ủng hộ đông đảo của các em học sinh đối với chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối nước.

Anh Phan Văn Mạnh, Trưởng đoàn múa rối nước Sông Quê tâm sự: Ý tưởng đưa nghệ thuật múa rối nước vào học đường (bằng sân khấu thủy đình mi ni lắp ghép) được các diễn viên trong đoàn ấp ủ, xây dựng kế hoạch, tìm hiểu và dàn dựng các tiết mục, viết lời thoại, chọn âm nhạc có nội dung phù hợp với lứa tuổi học đường. Chúng tôi đưa nghệ thuật múa rối vào học đường mong muốn là mang đến một thế giới tưởng tượng phong phú (thông qua các tích trò), bằng cảm xúc nhận thức nghệ thuật giúp các em gợi mở suy nghĩ sáng tạo, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ. Khi dàn dựng chương trình múa rối nước phục vụ học sinh chúng tôi chú ý đến mức độ riêng cho từng lứa tuổi ở ba cấp học: Tiểu học, THCS, THPT. Cô giáo Trần Thanh Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết: Được xem các diễn viên Đoàn múa rối nước Sông Quê biểu diễn, học sinh nhà trường rất náo nức và thích thú. Là một giáo viên, tôi cũng rất ấn tượng về loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo của quê hương. Nhiều giáo viên và học sinh nhà trường lần đầu tiên được xem biểu diễn múa rối nước với những tiết mục, tích trò rất đặc sắc. Trong đó, tiết mục đánh cá, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu... mô phỏng một sinh hoạt đời thường của nhà nông Việt Nam. Trên nền nhạc theo điệu lưu thủy, cò lả, cảnh những con cá bơi lội tung tăng, nhảy vót lên thuyền, rồi người đi đánh cá với nơm, vó bè, vó tay, tất cả đều sinh động, tươi tắn như cuộc sống thực. Còn diễn viên trẻ Nguyễn Văn Hùng cho biết, sự cổ vũ nhiệt tình của các em học sinh là nguồn động viên, “tiếp lửa” cho anh chị em trong Đoàn múa rối nước Sông Quê thể hiện xuất sắc tiết mục, lột tả được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật rối nước, tích diễn. Sân khấu múa rối nước (thủy đình), với những hình thức sôi động, những câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút các em. Hơn 30 nhân vật rối, ngộ nghĩnh, đơn giản và rất gần gũi với đời sống như: Bác nông dân, ông lão đánh cá, cô tiên, con trâu, con cá, rồng, con vịt... qua những câu chuyện của thế giới lung linh huyền ảo đã giáo dục cho các em về môi trường, cuộc sống lao động, tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước. Qua con rối cũng có thể dạy cho các em những câu đồng dao, những làn điệu dân ca... Không chỉ là việc xây dựng kịch bản, tích trò có nội dung phù hợp với tuổi trẻ học đường, việc sáng tạo “sân khấu” biểu diễn lưu động tại trường học đòi hỏi các đoàn múa rối phải tìm tòi. Anh Phan Văn Mạnh cho biết: Sân khấu múa rối nước truyền thống đường kính có thể lên tới 10m, rất khó khăn di chuyển đến các địa điểm để biểu diễn. Vì thế, chúng tôi thiết kế “thủy đình” nhỏ hơn, mái đình được cải tiến còn 1 mái, bể được thiết kế hình bán nguyệt và làm bằng các chất liệu cao su, có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng.

Với những tiết mục có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật biểu diễn, đoàn múa rối nước Sông Quê cũng đã mang nghệ thuật độc đáo của quê hương biểu diễn tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của quê hương./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com