Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay, toàn tỉnh có 70% cơ quan, doanh nghiệp được công nhận đơn vị có nếp sống văn hóa. Đại bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, doanh nghiệp.
Các đơn vị, cơ quan tham gia sôi nổi các hoạt động thi đấu thể thao nhân kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. |
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh hiện có 98 tổ chức cơ sở Đảng với 26 nghìn lao động. Đồng chí Nguyễn Như Hà, Bí thư Đảng ủy Khối cho biết: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 trong toàn khối được thể hiện nổi bật thông qua phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp và việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhờ xác định đúng hướng và làm tốt công tác tư tưởng, trong nhiều năm qua, cán bộ, CNVCLĐ thuộc Đảng bộ khối luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Căn cứ nguồn nhân lực và chiến lược sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CNVCLĐ về chuyên môn, nghiệp vụ; liên kết tổ chức đào tạo lại, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại. Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất" được các đơn vị doanh nghiệp quan tâm tổ chức thực hiện như: Sáng kiến cải tiến thiết bị sản xuất, thiết bị vận hành, quản trị kinh doanh; cải tiến mẫu mã sản phẩm; sáng kiến về quản lý giữ gìn vệ sinh môi trường. Qua đó, giúp các đơn vị doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều đơn vị có sáng kiến được đưa vào áp dụng, làm lợi cho doanh nghiệp và người lao động như: Cty Điện lực Nam Định, Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt lụa Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP Dây lưới thép Nam Định. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được doanh nghiệp quan tâm, tổ chức thường xuyên, cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNVCLĐ, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị; từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, văn nghệ của CNVCLĐ trong tỉnh. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng được 554 tủ sách pháp luật, tủ sách công nhân; 838 nhà văn hóa, 839 khu vui chơi giải trí, 165 nhà thi đấu thể thao; 978 sân bãi tập luyện thể thao; 312 phòng truyền thống. Cùng với việc đầu tư kinh phí xây dựng các nhà thi đấu, khu vui chơi giải trí, các cấp công đoàn còn tham mưu với chính quyền tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; thành lập hơn 350 đội văn nghệ CNVCLĐ; tổ chức 425 buổi hội diễn văn nghệ thu hút hơn 10 nghìn người tham gia. Hàng nghìn lượt CNVCLĐ được tuyên truyền về các chính sách, pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Các cấp công đoàn đã xây dựng và đăng tải 588 chuyên mục, phóng sự, tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nêu gương người tốt, việc tốt trong CNVCLĐ. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, công đoàn các cấp đã phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan thiết thực đến người lao động như: Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm thất nghiệp, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá và phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho CNVCLĐ; xây dựng và phấn đấu thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chế, quy tắc về nếp sống văn hoá. Đặc biệt, tuyên truyền, cổ vũ CNVCLĐ luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, sống và làm việc theo pháp luật, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng cơ quan văn hóa. Từ những phong trào thiết thực, cán bộ, CNVCLĐ đã tích cực học tập nâng cao trình độ học vấn, trình độ quản lý, chuyên môn, tay nghề và kỹ năng nghề nghiệp. Thực hiện nếp sống văn minh, đổi mới lề lối, tác phong làm việc đã trở thành nền nếp của cán bộ, CNVCLĐ khi tới công sở. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Cải cách thủ tục hành chính”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng”... gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được đông đảo cán bộ, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng với nhiều hình thức như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tấm gương, đạo đức của Bác; thi kể chuyện về Bác Hồ. Qua đó, tạo môi trường để cán bộ, CNVCLĐ phát huy tính sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua các phong trào thi đua đã có hàng nghìn đề tài, sáng kiến, biện pháp được áp dụng vào lao động sản xuất và công tác mang lại hiệu quả thiết thực; đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Sở VH, TT và DL, công đoàn các KCN, CCN tổ chức nhiều giải thể thao, hội diễn văn nghệ nhằm tăng cường tình đoàn kết và xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như “Tiếng hát người lao động”. Hoạt động xã hội, từ thiện thường xuyên được CNVCLĐ nhiệt tình hưởng ứng. 100% các đơn vị đã xây dựng quỹ “Mái ấm công đoàn”, tích cực hưởng ứng các hoạt động: phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp quỹ “Ngày vì người nghèo”, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng đời sống văn hóa trong cán bộ, CNVCLĐ có nơi, có lúc chưa thường xuyên, đồng đều, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có lúc, có nơi còn nặng về hình thức, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, chiều sâu. Mặt khác, việc nâng cao đời sống, quan tâm đến lợi ích của người lao động chưa cao, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là công đoàn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo điều kiện để người lao động tham gia. Việc xây dựng phong trào cần hoàn thiện về cơ chế, tiêu chí đời sống văn hóa, đẩy mạnh các cuộc vận động ở các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp về việc thực hiện và tuân thủ pháp luật lao động; xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến lợi ích chính đáng của người lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp và cán bộ, CNVCLĐ về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng ý thức kỷ luật lao động, tạo động lực cho CNVCLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa vững mạnh toàn diện./.
Bài và ảnh: Việt Thắng