Vại cà của mẹ

08:05, 31/05/2013

Ngày trước, ở quê tôi hầu như nhà nào cũng có một vại cà nén dùng để ăn quanh năm. Đây là món ăn truyền thống dân dã, rẻ tiền nhưng không kém phần hấp dẫn, nhất là vào những ngày hè nóng nực, khi được thưởng thức cùng với bát canh cua đồng nấu rau đay mùng tơi, thêm quả mướp hương đầu mùa.

Để có được vại cà ngon, mẹ tôi thường chọn những quả cà pháo nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay cái, sắc vỏ còn trắng, không non nhưng cũng không quá già. Vừa làm, mẹ vừa dạy tôi: Nếu cà còn non, chưa có hột thì khi muối xong sẽ bị mềm chứ không giòn, không để được lâu, cà già thì ruột đặc hột, muối xong cà sẽ bị hăng chứ không thơm và dai. Sau khi cắt sạch tai cà, mẹ rửa sạch sẽ, phơi khô trong bóng râm để cà chỉ đủ héo se vỏ là được. Vại dùng để muối cà là loại vại to, miệng rộng, làm bằng đất nung, màu nâu sẫm, nặng dễ đến trên dưới 10kg. Chiếc vại có từ đời bà nội tôi để lại, trơn bóng lên, đôi chỗ đã bạc màu vì mưa nắng. Mẹ tôi lấy nắm rơm khô, vò nát rồi rửa vại cẩn thận bằng nước mưa, phơi dưới nắng mặt trời. Công đoạn muối cà tưởng đơn giản nhưng cũng là cả một "nghệ thuật", cần phải có kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, khéo léo. Cứ một lớp cà, mẹ lại rắc một lớp muối mỏng - loại muối hạt trắng to, khô, sau đó đổ nước đun sôi để nguội pha chút đường trắng, ngập mặt cà chừng 5cm và đặt tấm phên mỏng đan bằng tre đặt lên trên lớp cà cuối cùng rồi dùng cối đá nén cho thật chặt, đậy kín nắp. Cũng có khi mẹ tôi thêm vào đó một ít giềng giã nhỏ cho thêm vị cay và thơm. Vại cà được đặt ngay ngắn trong góc bếp. Chừng hơn một tháng sau, mẹ tôi mới mở vại cà, lấy ra vài quả để "kiểm tra chất lượng" rồi lại cẩn thận nén lại như lúc đầu. Cái khó của người muối cà nén là làm thế nào để cà "chín", nước không có váng, quả cà không bị thâm, đậm mà không quá mặn, có thể dùng để ăn dần trong vài tháng mà vẫn không bị hỏng. Quả cà được nén chặt, dẹt lại nhưng lớp vỏ vẫn giữ được sắc trắng, không hăng, khi ăn giòn tan trong miệng. Thời đó, ở quê tôi hầu như nhà ai cũng khó khăn, kinh tế không dư giả, chợ lại xa nên vại cà nén được coi là "của để dành" cho cả năm, thay thức ăn mặn trong ngày đông tháng giá, mưa dầm, gió bấc, đặc biệt là vào những ngày giáp hạt hay mưa lũ. Bữa sáng của bố mẹ tôi có khi chỉ là bát cơm nguội với vài quả cà nén, vậy mà vẫn đủ sức lam lũ ngoài đồng cả ngày với cây khoai, cây lúa để nuôi chúng tôi trưởng thành. Đối với chúng tôi, vào mùa hè, sau buổi tan trường, trở về nhà được thưởng thức bữa canh cua đồng mẹ nấu, ăn kèm món cà nén thì bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến cả. Mùa đông, ngồi trong nhà, nghe gió rít qua khe cửa, quây quần bên mâm cơm với bát cà muối, anh em tôi có khi cũng "đánh bay" vài ba bát. Theo tháng năm, anh em chúng tôi lớn lên nhờ vào đôi bàn tay tảo tần của cha mẹ, nhờ cả vào những vại cà nén mặn - món ăn tưởng như đơn giản ấy đã nhắc nhở chúng tôi nhớ về một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của quê nhà, đồng thời dạy cho chúng tôi phải biết tiết kiệm, biết lo xa và trân trọng giá trị của lao động...

Giờ đây, cuộc sống ở nông thôn cũng đã thay đổi nhiều. Công cuộc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ và xây dựng nông thôn mới khiến đời sống của mọi gia đình đều khấm khá hơn. Chiếc vại dùng để muối cà vô tình bị bỏ quên ngoài góc vườn, góc bếp. Món cà nén muối mặn không còn được dùng làm thức ăn để dành trong cả năm nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn không thể quên món ăn dân dã, giản dị đó, để mỗi mùa đông tháng giá hay mỗi khi hè về, lại thấy thèm, thấy thương và nhớ quay quắt bữa cơm đầm ấm bên gia đình...

Thanh Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com