Huyện Mỹ Lộc có hàng trăm di tích, bao gồm đình, đền, chùa, miếu, từ đường dòng họ, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Nhà nước như: Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành; đền Bảo Lộc, đền - chùa Lựu Phố, xã Mỹ Phúc; đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận; đình Cả, xã Mỹ Trung; đình Đồng Mai, xã Mỹ Thắng… Cùng với các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh, tri ân công đức của các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân có công khai hoang, mở đất, chiến đấu bảo vệ quê hương.
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo. Năm 2009, đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận được Nhà nước đầu tư hơn 8 tỷ đồng để trùng tu đã phục dựng nguyên trạng ngôi đình cổ có nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách thời Hậu Lê. Thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa thời Trần tại Nam Định đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện Mỹ Lộc đã được đưa vào vùng bảo tồn đặc biệt của dự án như: Đền Hậu Bồi, đền Lộc Quý, đền Bảo Lộc, đền Lựu Phố, đền Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam. Căn cứ quy định của Luật Di sản văn hóa và quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của Bộ VH, TT và DL, Ban quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh đã phối hợp với Sở VH, TT và DL, Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nghiên cứu, đào thám sát và khai quật thăm dò tại các di tích, đã phát hiện nhiều dấu vết và hiện vật góp phần khẳng định phủ Thiên Trường là nơi phát tích và sáng nghiệp của Vương triều Trần. Trên cơ sở đó, dự án đã và đang triển khai thực hiện tu bổ, khôi phục, tôn tạo nhiều công trình, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Đình Sùng Văn, di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1997. |
Bên cạnh đó, huyện Mỹ Lộc luôn chú trọng công tác quản lý gìn giữ, phát huy giá trị của di tích. Đối với các di tích đã được Nhà nước xếp hạng, cấp uỷ, chính quyền các cấp đều thành lập ban quản lý di tích, đề ra quy chế hoạt động cụ thể để bảo vệ hiệu quả di tích. Ban quản lý di tích ở các xã, thị trấn chú trọng tuyên truyền giúp nhân dân và khách tham quan hiểu được giá trị của di tích. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương thực hiện tốt công tác kiểm kê, chống xuống cấp di tích, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Năm 2012, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tài trợ xây dựng cây cầu nối từ làng Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc vào khu lăng mộ Đức Thánh Trần với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và khách thập phương khi về dâng hương, tưởng niệm Đức Thánh Trần. Để phát huy giá trị của di tích, việc tổ chức lễ hội truyền thống luôn được địa phương quan tâm. Lễ hội đền Lựu Phố tổ chức vào ngày 7-7 âm lịch hằng năm đã khôi phục được nhiều hoạt động, nét văn hoá truyền thống đặc sắc như: dâng hương, tế lễ, rước kiệu, các sinh hoạt văn hóa dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo. Đền Bảo Lộc tổ chức nhiều kỳ lễ hội trong năm như Lễ Khai ấn ngày 14 tháng Giêng, lễ hội Trần Quốc Toản ra quân ngày 24 tháng Giêng, lễ hội Trần tháng 8 âm lịch… nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong lễ hội có các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian như múa rồng, múa sư tử, võ dân tộc, các trò chơi dân gian. Tại đền Cây Quế, xã Mỹ Tân (vừa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ngày 13-3-2013) hằng năm cũng diễn ra một số kỳ lễ hội với nhiều nghi thức phong phú, nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu nhất là kỳ lễ trọng vào ngày 22-8 âm lịch với nghi thức rước nước và thi bơi chải. Thông qua các hoạt động lễ hội, nhiều nghi thức, trò chơi dân gian được phục hồi đã giúp nhân dân địa phương và du khách thập phương hiểu thêm về giá trị của di tích và nhân vật được tôn thờ, người dân được thụ hưởng và tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa để tiếp tục gìn giữ cho đời sau.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương và lòng hảo tâm, công đức của người dân, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa ở huyện Mỹ Lộc đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của cha ông, đặc biệt là các di tích liên quan đến thời Trần ở tỉnh ta./.
Bài và ảnh: Lam Hồng