Là vùng đất cổ, huyện Nam Trực hiện có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích được công nhận cấp quốc gia. Gắn với mỗi di tích lịch sử văn hóa là một lễ hội mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hằng năm, nhất là vào dịp mùa xuân, hội làng lại diễn ra tưng bừng, náo nhiệt khắp làng trên, xóm dưới, thúc giục bước chân người trẩy hội.
Lễ hội Đền Gin xã Nam Dương. |
Sau những ngày Tết, điểm đến đầu tiên được nhiều người lựa chọn là chợ Viềng Nam Giang diễn ra vào mùng 7 và 8 tháng giêng. Trong tâm thức dân gian, đi chợ Viềng là để mua sắm cầu may đầu năm. Vì vậy, dù bận rộn thế nào, ai cũng cố gắng có mặt ở chợ Viềng với mong ước sẽ gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống. Từ đầu cầu Vân Chàng kéo dài hơn cây số đến quá trung tâm huyện lỵ, nhất là trên bãi đất rộng hàng chục ha trước sân chùa Đại Bi, hàng hóa từ bốn phương đưa lại: đồ đồng của làng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến và của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh; hàng gốm từ Thanh Hóa, Thái Bình; đồ gỗ, đồ sơn mài của các làng nghề truyền thống La Xuyên, Cát Đằng (Ý Yên); hoa, cây cảnh từ các làng trồng hoa trong tỉnh và các tỉnh phụ cận được trưng bày như một cuộc triển lãm các thành tựu kinh tế, văn hóa của các vùng miền, khoe nét tài hoa, khéo léo của các tay thợ lành nghề. Đặc biệt, hội chợ Viềng xuân không thể thiếu đặc sản thịt bò thui và nhiều món ngon nổi tiếng của vùng đất đồng màu như bánh khúc, khoai lang lim chợ Chùa… Lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá được khôi phục tổ chức từ năm 2007 đến nay cũng đã thu hút rất đông khách đến tham quan. Đây là lễ hội mang sắc thái truyền thống văn hóa làng nghề với bề dày lịch sử trên 800 năm, được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng giêng. Ngoài việc tổ chức tế lễ, rước và các trò chơi dân gian, phần đặc sắc nhất của lễ hội là trưng bày và thi cây hoa, cây cảnh với hàng nghìn tác phẩm tham gia mỗi năm, tạo cơ hội để các nghệ nhân trong cả nước được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh. Lễ hội chùa Đại Bi vào ngày 20 tháng giêng cũng là điểm đến hấp dẫn cho khách thập phương vào dịp đầu xuân. Lễ hội diễn ra tại chùa Đại Bi được xây từ đời Lý với nhiều trò chơi dân gian như vật cù, chọi gà, cờ tướng… Đặc biệt, vào buổi tối có tiết mục múa rối cạn bằng 12 đầu rối được làm cách đây trên 200 năm. Ngoài ra, nhiều hội làng khác những năm gần đây đã và đang khôi phục được nhiều loại hình diễn xướng, trò chơi dân gian độc đáo như: biểu diễn múa rối nước ở làng Rạch, xã Hồng Quang, thi kéo chữ ở làng Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang. Những năm qua, các lễ hội trong huyện đã được tổ chức có quy mô, theo đúng quy chế lễ hội của Bộ VH, TT và DL; chú trọng khai thác các khía cạnh văn hóa dân gian, những nét đặc trưng riêng biệt của địa phương. Để thu hút khách du lịch đến với lễ hội, huyện luôn chú trọng công tác xúc tiến du lịch, đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; chỉ đạo ban quản lý các di tích lịch sử văn hóa tập trung phát huy những nét đặc sắc của từng vùng miền trong tổ chức lễ hội. Huyện cũng phối hợp với thanh tra Sở VH, TT và DL, Sở TT và TT tổ chức kiểm tra các hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội. Năm 2012, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện đã phối hợp với Nhà Văn hóa tỉnh khảo sát, thống kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn; lập hồ sơ “Hát rối chùa Bi” đề nghị Bộ VH, TT và DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn di sản. Phối hợp với Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh xây dựng hồ sơ sơ bộ nâng cấp di tích lịch sử cấp quốc gia cho đền Am, thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang; chỉ đạo, hướng dẫn ban quản lý di tích đền Tứ Giáp, xã Nam Cường tổ chức tu sửa tiền đường; khảo sát đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho một số đền, chùa trong huyện… Để chuẩn bị cho chợ Viềng xuân 2013 diễn ra vào ngày 16 và 17 tháng 2 (tức mùng 7 và 8 tháng giêng năm Quý Tỵ), huyện đẩy mạnh tuyên truyền, xuất bản sách: “Chùa Bi và không gian lễ hội chợ Viềng Nam Giang, Nam Trực”; tổ chức quy hoạch các khu, tiểu khu cho các hoạt động văn hóa thể thao, dịch vụ kinh doanh, trông giữ các phương tiện, khu vệ sinh công cộng; phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; phân bố các khu vực bán hàng đảm bảo hợp lý, khoa học. Tất cả nhằm tạo điều kiện cho du khách đến tham quan và tham gia các hoạt động lễ hội tại chợ, góp phần quảng bá với du khách trong và ngoài nước những nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề cũng như những thành tựu kinh tế, xã hội của huyện./.
Bài và ảnh: Lam Hồng