Hằng năm, tỉnh ta có hơn 100 lễ hội mùa xuân được tổ chức từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Trong đó, các lễ hội mùa xuân tập trung ở các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên và Hải Hậu. Nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức với quy mô lớn như Lễ Khai ấn đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội Hoa làng Vị Khê (Nam Trực), lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường)… Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý các lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự. Lễ hội Phủ Dầy được Nhà nước công nhận là một trong 5 lễ hội lớn của quốc gia, thu hút khoảng 1 triệu lượt khách/năm. Nội dung và hình thức của lễ hội Phủ Dầy đã được phục hồi, khai thác và phát huy được các giá trị di sản văn hoá truyền thống, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo đúng quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh. Để bảo vệ quần thể di tích và phục hồi lễ hội truyền thống lớn vào bậc nhất nước ta như hiện nay đó là sự nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành của Trung ương, của tỉnh. Theo thống kê, trong 15 năm khôi phục lễ hội Phủ Dầy, từ nguồn công đức của khách thập phương, các thủ nhang đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục công trình tại 19 di tích trong quần thể di tích Phủ Dầy với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Lễ rước trong lễ hội làng Hoành Đông (Giao Thuỷ). |
Đến với lễ hội mùa xuân như hội Chợ Viềng Xuân, Lễ Khai ấn, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội chùa Đại Bi… du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu may, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước mà còn được thưởng thức những giá trị nghệ thuật trong kiến trúc của các di tích lịch sử văn hoá. Được sự quan tâm, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ hội. Trong lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta, ngoài phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao với các trò chơi dân gian đặc sắc mang đặc trưng từng vùng, miền như: lễ hội chùa Đại Bi (Nam Trực), lễ hội chùa Hải Anh (Hải Hậu), lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng), lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen (Vụ Bản)... Các trò chơi như chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, kéo chữ… đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá dân gian đậm đà bản sắc dân tộc của từng địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, học tập, đáp ứng nhu cầu giải trí văn hoá lành mạnh cho người dân ở các vùng nông thôn. Tiêu biểu là hội "Trư kiên bảo" (hội chọn lợn), "Kê kiên bảo" (Hội chọn gà) và hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên) và một số lễ hội làng ở các huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc... Nguồn gốc của hội chọn vật gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng mùa màng bội thu của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình trạng đặt nhiều hòm công đức trong khu vực di tích; các dịch vụ, hàng quán bầy bán tràn lan, nạn hành khất; hiện tượng bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan di tích và làm mất đi vẻ linh thiêng và nét đẹp truyền thống của lễ hội. Các lễ hội chưa khai thác và phát huy được nhiều nét văn hoá dân gian độc đáo của địa phương. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế như thắp hương, đốt vàng mã quá nhiều trong lễ hội gây lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực di tích. Để thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý lễ hội xuân, ngày 5-1-2013, UBND tỉnh có Công văn số 02 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. Theo đó, UBND tỉnh giao cho các Sở VH, TT và DL, TT và TT, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện Kết luận số 51/KL-TW ngày 22-7-2009 của Bộ Chính trị (khóa X), Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL về việc quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Rà soát lại chương trình lễ hội, bảo đảm gìn giữ các giá trị truyền thống, hài hòa giữa lễ và hội, không để các hoạt động dịch vụ thương mại lấn át không gian thiêng liêng của lễ hội. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và các giá trị lịch sử của lễ hội; tổ chức an toàn, trang trọng hiệu quả, thiết thực; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản. Thực hiện tốt các Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tổ chức lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm. Đối với các lễ hội lớn như Lễ Khai ấn đền Trần, chợ Viềng Xuân ở Vụ Bản, Nam Trực và Nghĩa Hưng, lễ hội Phủ Dầy… Ban tổ chức lễ hội phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, nhất là phương án bảo đảm an toàn, an ninh trật tự. Thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT dân gian ở các lễ hội. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa lễ hội như rút thẻ, bói toán, cờ bạc trá hình, cúng thuê, mê tín dị đoan, đốt vàng mã, đặt hòm công đức quá nhiều, đặt tiền, đặt lễ tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, chèo kéo ép khách, kéo dài thời gian và tổ chức lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc