Xã Hải Anh là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi được coi là vùng đất khởi thuỷ của huyện Hải Hậu ngày nay. Trên địa bàn xã hiện còn nhiều dấu tích xưa như cầu Ngói, chùa Lương, đền Thuỷ tổ…; trong đó cầu Ngói là một trong 3 cây cầu có kiến trúc đẹp của cả nước.
Các đảng viên cao tuổi xã Hải Anh kể lại truyền thống mảnh đất quê hương Quần Anh cho thế hệ con cháu. |
Với mong muốn lưu giữ những hiện vật quý nhằm giáo dục cho thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn, năm 1978, mặc dù còn bộn bề khó khăn sau chiến tranh song Đảng bộ, chính quyền xã quyết tâm xây dựng Nhà truyền thống của xã. Đây cũng là một trong những nhà truyền thống đầu tiên của huyện và là một trong số ít nhà truyền thống còn duy trì hoạt động thường xuyên và phát huy hiệu quả đến ngày nay. Bác Vũ Văn Khánh, nguyên Bí thư Đảng bộ xã giai đoạn 1967-1978 và là người được giao nhiệm vụ trông coi Nhà truyền thống từ những ngày đầu mới khánh thành cho biết: Với gần 400 hiện vật được trưng bày theo 4 khu, nhà truyền thống đã tái hiện lịch sử của vùng đất Quần Anh từ xưa đến nay: Khu thứ nhất trưng bày các hiện vật thời kỳ tổ tiên mở đất, dựng làng, với nhiều hiện vật quý, trong đó có bộ sắc phong của các vị thuỷ tổ và bức Đại từ “Bảo chướng dân sinh” (nghĩa là đời sống nhân dân được bảo đảm và phát triển); khu thứ 2 trưng bày các hiện vật, tranh ảnh phản ánh đời sống, chiến đấu, lao động sản xuất của nhân dân Hải Anh qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; khu thứ 3 phản ánh quá trình thành lập tổ chức Đảng và những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ và nhân dân xã Hải Anh, hình ảnh các đồng chí bí thư đảng bộ xã qua các thời kỳ; khu thứ 4 trưng bày những thành tựu nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM của xã, trong đó nổi bật là bức ảnh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm mô hình cánh đồng 5 tấn vụ xuân đầu tiên trong cả nước của HTX Anh Tiến (năm 1968).
Để có được số hiện vật quý giá đó, những người có tâm huyết với nhà truyền thống của xã, hầu hết là các cụ cao niên đã dày công tìm kiếm, sưu tầm. Trong những năm 1980, đã có lúc nhà truyền thống xã Hải Anh trưng bày tới 1.700 tài liệu, hiện vật, tranh ảnh. Nhà truyền thống Hải Anh được bố trí tại 3 gian tiền đường của đền thờ thuỷ tổ, bên trong là cung thờ, bên ngoài là nơi trưng bày hiện vật. Hằng năm, người Quần Anh đi làm ăn, sinh sống ở khắp nơi về lễ tổ, dự hội, lễ Tết đều được tham quan, giới thiệu về lịch sử, truyền thống của quê hương. Đối với thế hệ trẻ của quê hương Hải Anh, nhà truyền thống là môi trường lý tưởng, là những bài học lịch sử sống động mà thế hệ cha ông đã dày công vun đắp. Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng bộ xã Hải Anh (1947-2012) và tiến tới kỷ niệm 125 năm thành lập huyện Hải Hậu (1888-2013), huyện Hải Hậu cùng với xã đã đầu tư 100 triệu đồng tu bổ, nâng cấp nhà truyền thống, khôi phục lại các hiện vật, tranh ảnh, tư liệu cũ và sưu tầm bổ sung thêm hiện vật trong thời kỳ từ năm 2000 đến nay.
Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, Nhà truyền thống xã Hải Anh đã đón nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trong đó có 9 đoàn khách nước ngoài, nhiều vị lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, nhiều sinh viên về lấy tư liệu làm đồ án tốt nghiệp. Lễ hội truyền thống làng Quần Anh được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch hằng năm, xã Hải Anh đón hàng vạn lượt người về lễ hội, tham quan các di tích lịch sử cầu Ngói, chùa Lương, thăm đền thờ thuỷ tổ, tham quan nhà truyền thống./.
Bài và ảnh: Phương Mai