Lựa chọn, bố trí cán bộ quản lý công tác văn học - nghệ thuật

09:03, 04/03/2013

Năm 2008, Bộ Chính trị đã quyết định ban hành Nghị quyết 23 về công tác văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới. Đây là một Nghị quyết (NQ) quan trọng của Đảng bổ sung cho Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về lĩnh vực VHNT. Ngay khi NQ ra đời, Thường trực Ban Bí thư đã giao cho các ban của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan khẩn trương xây dựng các đề án thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ những khó khăn cho các Hội VHNT, bổ sung các chính sách về VHNT và văn nghệ sĩ đáp ứng với thời kỳ mới. Trong các giải pháp nêu trên, giải pháp xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hóa, VHNT đã được Ban Tổ chức Trung ương triển khai nhanh, kịp thời. Ban Bí thư đã ký và ban hành quyết định này vào tháng 2-2010, được dư luận trong các cấp ủy Đảng, chính quyền và đội ngũ văn nghệ sĩ hoan nghênh.

Vấn đề lựa chọn bố trí cán bộ quản lý VHNT luôn được các cơ quan của Đảng và Nhà nước quan tâm, coi là một mắt xích quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý VHNT. Đây không phải là một vấn đề mới trong công tác cán bộ của Đảng ta. Từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã chú trọng tập hợp lực lượng, trí thức, văn nghệ sĩ, cùng với nhân dân cả nước để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Năm 1943, Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời. Tiếp sau đấy, Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập, trở thành một bộ phận quan trọng của Việt Minh tham gia đánh thực dân Pháp, đuổi Nhật, vận động nhân dân chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc năm 1945.

Dưới ánh sáng của Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đảng đã tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức cùng với toàn dân đánh thực dân Pháp, đuổi Nhật giành độc lập cho đất nước, cho Tổ quốc. Đội ngũ văn nghệ sĩ ấy, bất kể họ thuộc tầng lớp giai cấp nào, với những khuynh hướng sáng tác khác nhau nhưng tất cả đều có một cái đích chung: hòa mình cùng với dân tộc, đồng lòng đứng dưới ngọn cờ của Đảng để chiến đấu cho độc lập tự do theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hai cuộc kháng chiến đã có không ít văn nghệ sĩ hy sinh trên chiến trường trong tư thế của một người chiến sĩ như: Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Lê Anh Xuân,... Và ở bất kỳ chuyên ngành VHNT nào cũng đều có những văn nghệ sĩ ra chiến trường.

Một buổi sinh hoạt CLB chèo xã Giao Thanh (Giao Thủy) tại chùa Thanh Quang.
Một buổi sinh hoạt CLB chèo xã Giao Thanh (Giao Thủy) tại chùa Thanh Quang.

Ngày nay, tổ chức các Hội VHNT đã trở thành một hệ thống từ Trung ương tới địa phương, tập hợp một đội ngũ với hơn bốn chục nghìn văn nghệ sĩ, trong đó văn nghệ sĩ trực thuộc các hội VHNT chuyên ngành Trung ương là 18 nghìn người. Nhiều tác giả đã được nhận giải thưởng trong nước và quốc tế. Một số đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về các tác phẩm VHNT xuất sắc trong những năm qua. Một số lượng lớn văn nghệ sĩ thuộc các ngành sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, múa rối, xiếc,... được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Hoạt động VHNT từ khâu sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm đã trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống nhân dân. Ở giai đoạn nào của cách mạng, Đảng và Nhà nước cũng luôn coi trọng đội ngũ cán bộ quản lý VHNT. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Tố Hữu, Tô Hoài, Đặng Thai Mai, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, KTS Nguyễn Trực... đều trở thành những người lãnh đạo chủ chốt của văn nghệ Việt Nam. Sau hòa bình năm 1954, khi hình thành các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các văn nghệ sĩ ưu tú nhất của đất nước tiếp tục trở thành những ngọn cờ đầu lãnh đạo các Hội VHNT. Ở miền Nam, trong chiến tranh, Đảng cũng cử những nhà văn hóa, văn nghệ sĩ ưu tú nhất xây dựng lực lượng, hình thành tổ chức văn nghệ trong vùng giải phóng. Đó là các nhà văn Bảo Định Giang, Giang Nam, Viễn Phương, Anh Đức, Quang Sáng, Lưu Hữu Phước... Ở một số địa phương, để đẩy mạnh các hoạt động VHNT, tổ chức Đảng cũng đưa một số các văn nghệ sĩ ưu tú về chỉ đạo quản lý phong trào. Hà Nội có nhà văn Tô Hoài, Hải Phòng có nhà văn Nguyên Hồng, Nam Định có nhà văn Chu Văn, nhà thơ Xuân Hoàng trụ bám ở đất lửa Quảng Bình, Trị Thiên Huế có các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức. Đà Nẵng, Quảng Nam có nhà văn Phan Tứ, Thanh Quế. Quảng Ngãi, Bình Định có nhà văn Thanh Thảo, Lệ Thu. Phú Yên, Khánh Hòa có nhà văn Giang Nam, Liên Nam, Đào Xuân Quý, Nguyên Hồ... Nam Bộ có Lê Chí,...

Từ những năm 1990 trở lại đây, đội ngũ văn nghệ sĩ có tên tuổi, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ làm công tác quản lý VHNT ở các Hội Trung ương và địa phương ngày càng thưa vắng dần. Một thế hệ văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sau năm 1975 đang là lực lượng chính chỉ đạo, quản lý các Hội VHNT ở cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành phố. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền, qua mỗi kỳ đại hội đều cố gắng chọn lựa những cán bộ là văn nghệ sĩ tham gia vào công tác quản lý các hội. Đội ngũ cán bộ này, nhờ sự năng động và sáng tạo, tâm huyết với nghề tập hợp được đội ngũ văn nghệ sĩ, biết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan các hoạt động VHNT có nhiều thuận lợi. Điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lai Châu. Các tỉnh và thành phố ngoài việc lựa chọn bố trí cán bộ làm công tác quản lý VHNT còn bám sát chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động VHNT gắn với các nhiệm vụ chính trị ở Trung ương và địa phương, chăm lo cơ sở vật chất, chế độ, chính sách, đời sống anh chị em văn nghệ sĩ...

Song có một thực tế là trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ quản lý VHNT từ Trung ương đến địa phương ngày càng thưa vắng "những ngọn cờ", như Nghị quyết Trung ương đã nhận định: vừa thiếu lại vừa yếu.

Một trong những nguyên nhân tại nhiều cuộc hội thảo, ý kiến phát biểu phản ánh về vấn đề này, chỉ rõ: Ở một số cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là ở các địa phương chưa coi trọng quán triệt Quy định 284-QĐ/TW về công tác bố trí, lựa chọn cán bộ lãnh đạo ở các Hội VHNT. Biểu hiện của nó là: Một số các địa phương khi xem xét, lựa chọn bố trí cán bộ trong lĩnh vực quản lý VHNT không tính tới nghiệp vụ chuyên môn mà người cán bộ quản lý cần phải có. Thậm chí ở một vài nơi, một số cán bộ các ngành, thậm chí có ngành không liên quan gì tới công tác VHNT, cũng được điều chuyển sang làm quản lý văn hóa trong lúc chờ tuổi về hưu. Khi xem xét cán bộ quản lý VHNT ở nơi này, nơi kia không tham vấn các cơ quan Trung ương, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương để xem xét khả năng chuyên môn của cán bộ VHNT. Một số cán bộ làm công tác quản lý VHNT ở địa phương do thiếu chuyên môn, uy tín với các văn nghệ sĩ, không có đủ uy tín tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình chỉ đạo đại hội đã dẫn đến chuyện những đồng chí đó không được văn nghệ sĩ bầu vào Ban chấp hành như ở một vài địa phương đã xảy ra. Vấn đề phẩm chất đạo đức của người cán bộ khi được bố trí làm công tác quản lý cũng không được xem xét kỹ, dẫn đến tình trạng nội bộ mất đoàn kết, công tác quản lý hành chính, công tác Đảng yếu dẫn đến việc tổ chức các hoạt động VHNT không hiệu quả.

Đối với lực lượng chỉ đạo quản lý VHNT như trong Quy định 284-QĐ/TW đã chỉ rõ ngoài việc nắm vững quan điểm đường lối văn nghệ của Đảng đồng thời còn phải là người hiểu biết chuyên môn, tôn trọng tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ; phải có cái tâm, cái tầm của người cán bộ quản lý VHNT. Có một thực tế nữa là những năm qua ở một số các cơ quan VHNT từ Trung ương đến địa phương, khâu quy hoạch đội ngũ quản lý VHNT ít được coi trọng, ít được đào tạo bồi dưỡng, chỉ khi nào chuẩn bị cho đại hội, công tác lựa chọn, bố trí cán bộ mới được đặt ra. Chính bởi vậy, việc xác định bố trí cán bộ quản lý bị động, không được văn nghệ sĩ tín nhiệm, bầu không trúng trong đại hội.

Các Hội VHNT như NQ của Đảng đã xác định là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, do Đảng lãnh đạo thông qua các cơ quan của Đảng đồng thời được Nhà nước quản lý, hỗ trợ kinh phí để hoạt động. Nhưng hoạt động, điều hành ở các cơ quan Hội không thể giống như một cơ quan Nhà nước, do đặc thù của nó. Nhưng các Hội VHNT lại làm nhiệm vụ rất quan trọng là tuyên truyền, định hướng, giáo dục, hướng dẫn, đưa các quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông qua VHNT, để đến với các tầng lớp nhân dân. Song cơ chế chính sách đối với những người làm công tác VHNT tại các Hội, nhiều ý kiến cho rằng chưa thỏa đáng. Trong các Hội VHNT hiện nay, nhiều cán bộ đảm trách công tác Hội ngoài việc họ là một người nghệ sĩ, nhiều người có từ một đến hai bằng đại học, cao đẳng. Một số là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ theo sự phân công của tổ chức về làm công tác Hội nhưng chưa được ứng xử, đãi ngộ xứng đáng về chế độ tiền lương, phụ cấp. Đây cũng là một bức xúc đang được lãnh đạo các Hội VHNT từ Trung ương đến địa phương đặt ra tại nhiều cuộc hội nghị, thậm chí đã kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước nhưng chưa được đáp ứng. Đấy cũng là một lý do việc điều động, bố trí cán bộ sang làm cán bộ quản lý VHNT đang gặp nhiều khó khăn, thiếu sự khích lệ đối với những văn nghệ sĩ có khả năng chuyên môn, nhưng rất ngại, thậm chí có người còn thoái thác không muốn làm công tác quản lý các Hội VHNT trong tình hình hiện nay.

Hy vọng rằng, trong quá trình tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị tới đây về công tác VHNT, những khó khăn, vướng mắc nêu trên sẽ sớm được các cơ quan của Đảng, Nhà nước tháo gỡ./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com