Đời nhà Đường, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật cùng làm phó tướng của An Tử Thuận. Tính hai người vốn không ưa nhau; nhiều khi, tuy cùng đi với nhau một xe, ngồi với nhau một tiệc, mà vẫn như cừu địch, không ai đàm đạo với ai cả.
Sau Tử Nghi được lên làm tướng thay Tử Thuận, Quang Bật sợ Tử Nghi hại mình, quả cảm đến nói rằng: “Phần tôi chết cũng cam tâm, nhưng xin rộng lượng đừng hại đến vợ con tôi là kẻ vô tội”.
Tử Nghi thấy nói chạy ngay lại, cầm tay Quang Bật thưa rằng: “Tôi đâu dám đem lòng oán hận riêng mà nỡ hại ông. Hiện nay trong nước loạn lạc, vua tôi lo và nhục, không ông thì không ai gánh vác nổi việc thiên hạ”.
Nói xong nước mắt ràn rụa, rồi lại lấy những điều trung nghĩa khuyên răn, và lập tức cất Quang Bật lên làm chức Tiết độ sứ.
Từ đó hai người tuyệt nhiên không chút nào ghen ghét, ngờ vực nhau, chỉ cùng nhau một lòng đánh giặc, yêu dân, giúp vua trị nước.
Lời bàn: Thù riêng cá nhân là việc nhỏ mọn, nghĩa công đối với cả nước là việc rất trọng. Biết quên thù riêng để làm nghĩa công như Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật, thực là đáng khen. Nghĩ đến thân, đến nhà trước, đến quốc gia sau cũng là nghĩa, song nghĩa hẹp mà gọi là tư. Nghĩ đến quốc gia trước, đến thân, đến nhà sau cùng là nghĩa song nghĩa rộng mà gọi là công. Nước là cái thành để giữ thân, giữ nhà không biết trọng nước tức là khinh thân, khinh nhà vậy. Tiếc thay cho những kẻ chức trọng, quyền cao, đối với thân, với nhà, thì việc nhỏ mọn cũng lấy làm lo lắng quan tâm, mà đối quốc gia thì việc dù to lớn đến đâu cũng xem thường, xem khinh, chỉ thù hằn nhau, khuynh loát nhau, không biết đồng tâm hiệp lực lo liệu việc dân việc nước, thật là lầm to vậy./.
Theo Cổ học tinh hoa