Uy và đức

09:02, 16/02/2012

Tề Hoàn Công (đời Chiến Quốc) kéo binh tới địa giới nước Tống cùng với các nước chư hầu bàn việc tiến đánh. Quan đại phu là Ninh Thích thưa với Tề Hoàn Công:

- Chúa công phụng mạng thiên tử để hiệu lệnh các nước chư hầu, khiến cho người ta sợ uy, không bằng khiến cho người ta mến đức, cứ như ý tôi thiển nghĩ thì không nên tiến đánh vội. Tôi dẫu hèn mạt dám xin đem ba tấc lưỡi mà bảo được vua nước Tống phải giảng hoà.

Tề Hoàn Công bằng lòng. Ninh Thích ngồi chiếc xe nhỏ sang Tống. Quan đại phu nước Tống là Đái Thúc Bì nói với Tống Hoàn Công.

- Ninh Thích có tài ứng đối, bây giờ đến đây có lẽ để du thuyết gì đây. Chúa công chớ nên trọng đãi, hãy xem ý tứ, nếu hắn nói không hợp lẽ, tôi xin nhắc cái giải áo làm hiệu thì võ sỹ đến bắt hắn giam lại.

Tống Hoàn Công khen phải, truyền cho võ sỹ phục chung quanh rồi gọi Ninh Thích vào. Ninh Thích mũ cao áo rộng, ngang nhiên mà vào. Trông thấy Tống Hoàn Công, Ninh Thích chắp tay xá một xá. Tống Hoàn Công không đáp lại, Ninh Thích thở dài, than:

- Nguy thay cho nước Tống!

Tống Hoàn Công ngạc nhiên hỏi:

- Ta đây làm vua một nước, phẩm tước hơn cả các nước chư hầu, có việc gì mà nguy?

Ninh Thích thưa:

- Hiền hầu tự nghĩ xem so với Châu Công (một nhà chính trị hiền đức đời nhà Châu) ngày xưa thì ai hiền hơn?

- Châu Công là bậc thánh nhân, có đâu ta lại dám so sánh.

Ninh Thích nói:

- Châu Công ngày xưa giữa lúc thiên hạ thái bình mà còn phải hết lòng cầu lấy người hiền sỹ. Trong bữa ăn có người vào thì người vội nhả miếng cơm để ra tiếp đón. Trong lúc gội đầu, có người hiền đến thì người vội vẫy nắm tóc để ra chào mời. Nay hiền hầu là dòng dõi một nước đã mất rồi lại gặp phải thời buổi cạnh tranh, dầu có bắt chước như Châu Công hết lòng cầu kẻ hiền sỹ, còn sợ kẻ hiền sỹ không chịu đến huống chi lại còn kiêu ngạo tự đắc thì những lời nói trung thực bao giờ đến được trước hiền hầu. Như thế còn gì mà không nguy.

Tống Hoàn Công ngẩn người ra, vội vàng xích lại gần Ninh Thích bảo:

- Ta mới lên nối ngôi, chưa được nghe những lời dạy của những bậc quân tử, xin tiên sinh tha lỗi cho.

Lời bàn: Trong cuộc tranh bá đồ vương “mạnh được yếu thua”. Tuy vậy, uy chưa đủ mà yếu tố quyết định được việc bình trị thiên hạ là bằng đức. Có đức mới tạo được uy lực khi đức ấy thâm nhập vào nhân dân, hàng phục được kẻ thù. Uy do ở đức tạo ra thì uy mới chính, mới vững bền; trái lại, nếu uy mà không xây dựng trên nền tảng đạo đức thì uy ấy dễ tan vỡ.

Lấy đức đối xử với mọi người tạo thành một uy lực, hết lòng cầu kẻ hiền sỹ đó là hành vi của một người thật tâm muốn dựng nước, muốn bình trị thiên hạ./.

Theo Xử thế của Cổ nhân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com