Ở chợ cóc

02:02, 23/02/2012

Ta mặc cả từng đồng cho kỳ thích
Chợt ngước sang nhìn người bán… giật mình
Tay bà cụ run nhận từng bạc lẻ
Suýt nữa ta mua cả sự - vô - tình!

Bùi Sim Sim

 

Lời bình của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

“Ở chợ cóc” có lẽ là một tình huống thật mà người viết đã trải qua chứ không phải do hư cấu. Chuyện ấy vẫn thường gặp trong các chợ cóc ở thành phố. Những chuyện “nhỏ nhặt” như thế rất dễ bị bỏ qua trong xô bồ ồn ào của chợ búa, nhưng với nữ nhà thơ Sim Sim thì nó đã được níu giữ lại như một lần tự vấn của lương tâm. Chính sự tự vấn này đã làm trồi bật nên một tứ thơ hay mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Mua và bán là mối quan hệ giữa hai nhân vật trong bài thơ. Người mua xưng danh là “Ta”. Ta mặc cả từng đồng cho kỳ thích. “Ta”, theo tôi là một (người mua hàng) nhưng cũng có thể là nhiều (tầng lớp thị dân). Cái chất thị dân trong chừng mực nào đó đã nhiễm vào lối sống của không ít người. Đó là thói tự tôn hợm hĩnh và muốn coi thường hay bắt nạt người khác bị lép vế hơn mình. Thói mặc cả trong mua bán là chuyện thường tình, cả người quê hay người phố đều có. Nhưng mặc cả từng đồng cho kỳ thích thì chắc chắn người mua là thị dân rồi. Chỉ một câu thơ thôi, thói quen thị dân cộng với tâm lý mua bán của phụ nữ đã hiện lên rất rõ.

Nếu như không có cái phút Chợt ngước sang nhìn người bán… thì mọi chuyện rồi sẽ bình thản trôi đi như mọi bận và người mua chắc chẳng giật mình như thế. Cái giật mình ở đây là sự tỉnh thức bất chợt của lương tâm, của tình cảm con người. Cuộc sống bao giờ và ở đâu cũng cần sự cảm thông và chia sẻ. Mấy dấu chấm lửng (…) trong câu thơ có nhiệm vụ giấu nhân vật (người bán) đã làm cho người mua phải giật mình.

Nhân vật đó là ai vậy? Cũng chỉ cần một câu thơ như ống kính đặc tả ở cận cảnh, hình ảnh nhân vật thứ hai đã hiện ra rất nét. Run nhận từng bạc lẻ. Thiết nghĩ, nên phân tích kỹ hơn câu thơ thứ ba này. Hình ảnh tổng quát là bàn tay bà cụ nhận tiền của người mua. Chữ run nói lên sự già nua, yếu ớt của người cao tuổi và cả sự e dè, thiếu tự tin khi tiếp xúc với người thành phố. Bà cụ vốn là người thôn quê, chỉ quen thuộc với thửa ruộng mảnh vườn, chân chất mộc mạc nay vì hoàn cảnh thiếu thốn phải ra phố bán hàng (chắc cũng chỉ là rau củ mà thôi) nên thấy ai cũng ngại, thấy cái gì cũng sợ. Khác chi bà mẹ ra Hà Nội thăm con của nhà thơ Lê Đình Cánh: Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào. Phần lớn chúng ta đều có những người bà, người mẹ chăm chút tảo tần chiu chắt và cũng hiền hậu rụt rè như thế. Món tiền mà người mua trả cho bà cụ cũng chỉ là mấy tờ bạc lẻ, chẳng nhiều nhặn to lớn gì. Thế mà, bà cụ vẫn run run nhận từng tờ một. Động tác được thể hiện rất kỹ, rất chậm. Và chính cái động tác ấy đã như thôi miên người mua, hút hết tâm trí của họ vào đó. Chính động tác run run nhận từng bạc lẻ của bà cụ đã làm cho người mua sau cái giật mình bất chợt đã nghiêm khắc tự vấn mình. Một sự tự vấn rất kịp thời và sâu sắc bằng thơ: Suýt nữa ta mua cả sự - vô - tình! Trong món hàng không có sự vô tình này. Và, đương nhiên không ai bán cái đó cả. Sự vô tình ẩn giấu ở trong mỗi con người sống hời hợt nông cạn chỉ biết đề cao tiền của. Nó thường có trong những kẻ sống ích kỷ, chỉ biết mình mà thôi. Sự vô tình dễ dẫn tới vô tâm vô cảm. Sống là phải biết Thương người như thể thương thân như ông cha ta từng căn dặn.

Ý nghĩa xã hội của bài thơ tuy không mới nhưng vẫn rất nóng hổi khi trong cuộc sống sự vô tâm vô cảm đang ngày càng nhiều hơn…

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com