Trước kia, cứ mỗi dịp xuân về, những đám hát chèo thường có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người dân thôn quê. Trước khi vở diễn bắt đầu, bao giờ cũng có nhân vật anh hề bước ra sân khấu múa gậy, múa đuốc, vừa để dẹp trật tự, vừa có lời chúc mừng đến khán giả. Sân khấu đơn giản chỉ là khoảng đất bằng phẳng nơi sân đình, sân chùa, được trải mấy chiếc chiếu hoa. Diễn viên là những người nông dân quanh năm lam lũ với ruộng vườn, tham gia văn nghệ vào thời gian rảnh rỗi. Song mỗi khi gánh hát chèo vào đám, bà con tới xem, vây kín ba mặt chiếu chèo. Ở đó, họ không chỉ được khóc, được đồng cảm, sẻ chia với những số phận bất hạnh của người nông dân thời phong kiến mà còn được cười sảng khoái, hả hê trước sự phản kháng của người dân đối với những áp bức bóc lột thông qua nhân vật anh hề. Trong từng vở diễn hay ở mỗi tích trò, tùy theo yêu cầu của khán giả, mỗi nghệ sỹ còn ứng khẩu biểu diễn hoặc pha trò vui. Những “miếng” trò hay, được người dân tán thưởng, các nghệ sỹ tiếp tục củng cố và sáng tạo làm cho vở diễn tăng sức hấp dẫn.
Hề chèo. Tranh của họa sĩ Tạ Huy Long |
Tiếng cười lạc quan yêu đời, tiếng cười châm biếm đả kích của vai hề chèo được xem là yếu tố quan trọng đối với các vở diễn chèo. Mặc dù, chèo truyền thống chứa đựng nhiều nội dung thẩm mỹ khác nhau: cái bi, cái hài, cái đẹp, cái cao thượng… và mỗi vở chèo chỉ có vài màn hài, lớp hài, yếu tố hài xen kẽ, song chính sự “điểm xuyết” ấy lại gây ấn tượng khó quên cho người xem. Các vai hề gây cười cho công chúng có nhiều loại: từ hề đồng, hầu phòng, lính canh, hề gậy, hề mồi đến phù thủy, thầy bói, xã dốt, hương câm, đồ điếc, thầy mù… Ở mỗi loại người cần châm biếm, chế giễu, người nghệ sỹ thường tập trung khai thác vài nét bản chất nhất để làm bật lên tính cách khôi hài của nhân vật. Cách thức gây cười của các nhân vật hề trong chèo dân gian cũng rất phong phú, đa dạng. Từ tên gọi ngộ nghĩnh, khác thường như: anh Nô, mẹ Đốp, cu Sứt, Toen Hoẻn, anh Khoèo…, đến cách hóa trang, điệu đi, dáng đứng, việc làm đều hướng đến mục đích gây cười tối đa cho khán giả. Đặc biệt, ngôn ngữ của hề chèo mặc dù chỉ là khẩu ngữ hằng ngày của nhân dân lao động được nâng lên nhưng đã đem lại những trận cười sảng khoái cho người xem. Ngoài những thủ pháp khôi hài như cách sử dụng tiếng “đế”, cách pha trò, hề chèo còn vận dụng mọi khả năng, phong phú của ngôn ngữ dân gian, lối nói vần vè, các lối chơi chữ, các câu nói lái, nói ngoa, nói phóng đại… Nhiều nhân vật tự giễu mình hoặc xưng danh, bộc lộ những tính cách đáng cười của mình. Các nhân vật hề gậy thường thích nói chữ, tự coi mình là người có tài đức, có tên tuổi, thích xưng là “Nhiêu” - một tước danh để gọi con nhà sang trọng, quyền quý ở nông thôn thời phong kiến. Trong vở chèo Kim Nham, anh hề sau khi xưng danh, tự biết cái tên Khoèo của mình không đẹp, muốn đổi tên nhưng lại nghĩ đến cái tên quá kêu và chỉ phù hợp với các cô gái thành thị (Tuyết Lan) khiến cho người xem được một trận cười thú vị. Những nhân vật hề chèo phần lớn là thành phần cùng đinh trong xã hội xưa song họ lại được nói tự do, phóng đại không giới hạn, dám cười nhạo và chửi khéo tất cả đám kỳ lý, tổ chức chính quyền của làng, xã. Chính tiếng cười châm biếm, đả kích của vai hề chống đối lại giai cấp thống trị, đề cao giai cấp mình khiến cho nghệ thuật chèo được người nông dân lao động thuở trước đặc biệt yêu thích, bởi nó giúp họ giải tỏa những ấm ức không thể nói ra khi sống dưới chế độ phong kiến hà khắc. Và ngày nay, hề chèo vẫn luôn gần gũi, gắn bó với người nông dân, giúp họ quên đi những vất vả, khó nhọc của cuộc sống lao động./.
Hồng Hạnh