Ngày xưa, mỗi dịp Xuân về, mọi nhà lại bày ra những cỗ bài Tam Cúc để quây quần bên nhau, trông nồi bánh chưng tết trong cái lạnh mùa đông. Những lúc ấy, không khí gia đình vô cùng đầm ấm và yên bình. Chẳng sát phạt nhau mà chỉ để chờ đợi khoảnh khắc giao thừa đến.
Ngoài hiên, làn mưa xuân giăng trên thềm nhà, trên mái rạ, chú trâu nằm thảnh thơi nhai rơm mới. Lũ trẻ quây tròn bên nồi bánh đang sôi lục bục hay bên bếp lửa ấm nồng.
Chơi bài Tam cúc trong tranh dân gian Ảnh: Internet |
Người chơi Tam Cúc phần nhiều là phụ nữ, vì đàn ông thích đánh tổ tôm. Nhiều anh chị cũng tìm hiểu nhau từ những ván bài Tam Cúc như thế. Để rồi những đám đưa dâu, người ta vẫn nhắc về những lần hẹn hò trong cuộc chơi Tam Cúc năm xưa.
Chơi Tam Cúc đã là một trò chơi xa lạ, bây giờ khi nghe nói Tam Cúc, cứ ngỡ như nghe lại một chuyện cổ tích xa xôi. Thực ra, chơi Tam Cúc là một trò chơi phổ biến, dân dã, đặc biệt là trong những ngày Tết. Khi ấy, cả nhà sum họp đầm ấm. Bộ bài gồm những tướng, sỹ, tượng, xe, pháo, mã màu đen, đỏ. Một thời, có lẽ không chỉ đối với tôi mà với nhiều người, đã là xa xôi lắm!
Bây giờ, còn ai quây quần bên ván bài Tam Cúc để nghe những hơi thở của tình cảm thơ ngây, từ từ nhú mầm yêu thương, để cảm nhận được không khí gia đình đầm ấm, để quệt nhọ nồi lên mũi, lên má nhau? Ngồi bên nhau trong buổi đầu xuân, cùng vui buồn trong ván bài Tam Cúc là điều thú vị. Nhưng bây giờ, những khoảnh khắc ấy chỉ còn trong kỷ niệm, trong trí nhớ của những người có tuổi. Lâu lắm rồi không thấy ai nhắc lại bài Tam Cúc ngày Tết. Ngay ở làng quê bây giờ cũng chẳng còn mấy người chơi bài Tam Cúc. Chắc không nhiều người còn nhớ hay biết đến cách chơi, nói gì tới đám trẻ. Chỉ còn sót lại dăm câu thơ trong “Cỗ bài Tam Cúc” của Hồ Dzếch:
… Từ đó mỗi mùa đào nở
Pháo xe lại rộn cây bài
Có độ anh về, có độ
Vắng anh, em nhớ mong hoài…
Pháo tết đã không còn, bây giờ Tam Cúc cũng dần biến mất, tự nhiên ta thấy thiếu một điều gì đó rất đỗi thân thương mỗi khi Tết đến, Xuân về…
Bùi Hữu Cường