Giữa muôn hồng, ngàn tía của quất, đào, hoa, màu đỏ của những đôi câu đối, với những nét chữ tài hoa của các “ông đồ” thời hiện đại thành viên CLB Trí Đức thư pháp Nam Định ở chợ Hoa Xuân Thành phố Nam Định như điểm tô thêm cho sắc xuân trên đất Thành Nam. Trước ánh mắt của mọi người, “ông đồ” trẻ Vũ Xuân Tùng tự tin đưa ngòi bút quyện mực Tàu nhấn, thả trên nền giấy xuyến chỉ đỏ viết nên những chữ rất đẹp và có hồn. Anh Tùng mới 32 tuổi, nhưng hiện là ủy viên thường vụ CLB UNESCO thư pháp Việt Nam và là người sáng lập ra CLB Trí Đức thư pháp Nam Định. Anh được giới thư pháp trong nước đánh giá là người có trình độ kiến văn cũng như khả năng thư họa hàng đầu cả nước. Sinh ra ở Thành phố Nam Định, thuở nhỏ đi chợ hoa Xuân, nhìn cảnh những ông đồ cho chữ, Tùng đã yêu thích và tìm hiểu nghệ thuật thư pháp. Từ ước mơ đến khi là sinh viên Khoa Sư phạm ngoại ngữ tiếng Trung (Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), sau này ra trường đi học thêm thư pháp, anh luôn mong muốn tạo một sân chơi với những người yêu nghệ thuật ở quê hương Nam Định giàu truyền thống khoa bảng. Đến năm 2005, anh cùng một số người bạn thành lập CLB Trí Đức thư pháp Nam Định gồm 20 thành viên, gồm những họa sỹ, công chức Nhà nước, người kinh doanh, sinh viên… CLB đã mời nhiều nhà thư họa nổi tiếng như cụ Lại Cao Nguyện, các anh Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thắng, Kiều Quốc Khánh về giảng dạy. Có những buổi sinh hoạt CLB mượn địa điểm Thư viện tỉnh hay tại nhà của các thành viên thu hút gần 100 người yêu thư pháp trong tỉnh tìm hiểu, học tập về thư họa. CLB Trí Đức thư pháp Nam Định ra đời và đi vào hoạt động đã góp phần khôi phục lại hoạt động cho chữ tại chợ hoa Xuân Thành phố Nam Định, trong lễ hội Trần, hội thơ Nguyên Tiêu nhân ngày Thơ Việt Nam hằng năm của tỉnh, làm phong phú thêm cái đẹp, tinh túy văn hóa đặc sắc của cha ông trên quê hương Thiên Trường mỗi độ xuân về.
Cho chữ đầu xuân của CLB Trí Đức thư pháp Nam Định. Ảnh: PV |
Cùng với thời gian 6 năm khôi phục và phát triển nghệ thuật thư pháp, bên cạnh lớp người cao tuổi, đã xuất hiện nhiều người trẻ yêu thích và gắn bó với nghệ thuật này. Anh Triệu Thanh Sơn (SN 1983), cán bộ Đoàn của phường Trần Quang Khải (TP Nam Định) đã tìm đến thư pháp qua sự chỉ bảo của ông nội, tự học trong sách vở và từ các thành viên trong CLB Trí Đức thư pháp Nam Định để nâng cao trình độ. Với hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp, đến nay vốn kiến thức nhớ, thuộc trên 200 chữ Hán, vào mỗi độ Xuân về anh Sơn thường viết câu đối, chữ… làm quà tặng người thân, bạn bè. Cùng đồng trang lứa với anh Sơn, thư pháp trẻ Nguyễn Quang Nhương (SN 1983) hiện là giáo viên Trường THCS Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cũng có nhiều năm gắn bó với thú chơi tao nhã của cha ông. Anh cho biết: “Gắn bó với nghệ thuật thư pháp cũng là cách để tôi hiểu hơn nét đẹp truyền thống của cha ông và một phần để tự rèn luyện bản thân trong việc trồng người”. Với giới thư họa ở Thành phố Nam Định, nhiều người còn biết đến thư pháp trẻ Vũ Cao Sơn (SN 1986) ở đường Cù Chính Lan khi anh chọn nghề khắc chữ, triện… làm hướng đi cho hoạt động nghệ thuật của mình.
Sự xuất hiện của gần chục nhà thư pháp trẻ độ tuổi trên dưới 30 ở Thành phố Nam Định là tín hiệu đáng mừng bởi kiến thức Hán Nôm vô cùng rộng lớn, thư pháp uyên thâm, đặc sắc lại rất khó học. Để học được thư pháp, trước mắt người học phải thuộc các chữ Hán với số lượng khoảng 3 vạn từ mà các chữ đều không có một quy tắc hình thành, nghĩa là phải học từng chữ một. Hơn nữa, chữ Hán thường đa nghĩa, khó nhớ, còn các loại chữ cổ, chữ Phồn Thể đang bị mai một, rất ít người biết đến. Học chữ đã khó nhưng viết chữ càng khó hơn vì chữ gồm nhiều thể: Triện, Lệ, Hành, Khải, Thảo, trong đó kiểu Triện, kiểu Thảo được coi là khó nhất. Khi viết phải ở thế đứng, cánh tay phải “huyền trừu” tức là không được chạm bàn, đòi hỏi phải có sự khổ luyện. Bên cạnh đó, người viết còn phải thường xuyên học tập, rèn luyện từ những điều rất nhỏ như cách đưa tay, cách nhấn, cách nhả... Có nhiều nét sổ thẳng một đường từ trên xuống dưới tưởng đơn giản nhưng có khi phải luyện vài năm mới ưng ý. Hoặc đơn giản là việc chọn bút viết phải đầy đủ yếu tố “tiêm, tề, viên, kiện” (nhọn, xòe bằng nhau, tròn và cứng cáp). Đã vậy, dù học, dù viết thư pháp đến hàng chục năm nhưng nếu không rèn luyện ý chí cũng chưa đủ tự tin đứng trước đám đông để viết, bởi chỉ cần tay hơi run là chữ sẽ hỏng, điều này càng khó hơn với người trẻ tuổi.
Trong bối cảnh các nhà thư pháp của tỉnh ngày càng cao tuổi, tay yếu, thì để nghệ thuật thư pháp Nam Định tiếp tục duy trì, phát triển cần thu hút và tạo nhiều hoạt động hơn nữa để các nhà thư pháp trẻ tự tin, phát huy tài năng, như một nguồn mạch duy trì, phát triển thú chơi tao nhã, mang nhiều giá trị văn hóa của cha ông của vùng trấn Sơn Nam Hạ xưa giàu truyền thống văn hiến, hiếu học./.
Đức Thiện