Những năm qua, hoạt động khám chữa bệnh bằng đông y phát triển, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn có một số phòng khám đông y hoạt động không có giấy phép, hoạt động “chui”, chất lượng thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… gây ảnh hưởng đến uy tín của các cấp Hội Đông y cũng như sức khỏe lâu dài của người bệnh.
Cơ sở đông y gia truyền của lương y Đoàn Đức Thiện (Ý Yên) có đầy đủ giấy chứng nhận điều kiện hành nghề. |
Theo quy định của Bộ Y tế, khi lương y muốn được chữa bệnh phải bảo đảm đủ chứng chỉ hành nghề (được công nhận là lương y) và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (về cơ sở vật chất, trang thiết bị…). Còn với những lương y gia truyền phải bảo đảm 3 đời làm nghề, có uy tín, đã chữa bệnh cho 200 người. Trên thực tế, có lương y dù chưa đủ điều kiện hành nghề, chưa có giấy phép, không có trình độ chuyên môn vẫn hoạt động, tự nhận mình là “lương y”. Điều này dẫn đến thực trạng “loạn” phòng khám đông y. Ngoài ra, theo nhiều lương y có tiếng trên địa bàn tỉnh, có những cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thuốc mua tại các cửa khẩu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thậm chí có những loại thuốc được tẩm ướp hóa chất dùng trong quá trình bảo quản, chế biến để chống ẩm mốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Nguy hại hơn, nhiều loại dược liệu giả, trộn với hóa chất độc hại xảy ra tràn lan, ảnh hưởng hiệu quả điều trị và sức khỏe người bệnh. Chị Phạm Thị Hương ở huyện Nam Trực, cứ như thói quen, mỗi khi bị cảm là đến nhà người quen bắt bệnh, bốc thuốc. Cơ sở này không treo biển hiệu, không mở phòng khám, không có giấy phép hoạt động. Có lần, sau khi uống thuốc, chị bị đau bụng phải đi bệnh viện khám và chị đã bị ngộ độc do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Không chỉ cơ sở hành nghề “chui” mà ngay cả việc quảng cáo các bài thuốc gia truyền của các “lang vườn” trên mạng xã hội cũng cần được quản lý chặt chẽ. Một bộ phận người dân không hiểu biết, thấy quảng cáo “đánh” trúng tâm lý nên đã tin tưởng đặt thuốc khiến “tiền mất tật mang”. Công tác quản lý các cơ sở hành nghề đông y vẫn còn nhiều khó khăn như: lực lượng thanh tra y tế đã được củng cố và kiện toàn song vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu khối lượng công việc. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền tại một số địa phương còn chưa kịp thời; công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra tại một số nơi thiếu chặt chẽ. Việc xử lý vi phạm tại một số địa phương cũng chưa nghiêm, đặc biệt là tại tuyến cơ sở ít xử phạt hành chính mà chủ yếu nhắc nhở…
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai Công văn số 34/CV-HĐY ngày 5-4-2021 của Trung ương Hội Đông y Việt Nam về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng rà soát những trường hợp đang hành nghề khám chữa bệnh bằng đông y trên địa bàn phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm, không để tình trạng loạn “Thần Y”, có hiện tượng tự xưng là “ Lương y” chữa bách bệnh trên mạng xã hội, quảng cáo thuốc đông y không có nguồn gốc rõ ràng, không có đăng ký của cấp có thẩm quyền cấp, khám chữa bệnh không có giấy phép, vượt quá khả năng… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thống văn hóa nền Đông y Việt Nam, uy tín của tổ chức Hội Đông y, cán bộ, hội viên, kinh tế và sức khỏe của nhân dân. Ngoài ra, Hội Đông y tỉnh cũng tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi... Duy trì thường xuyên việc sử dụng các chế phẩm y học cổ truyền trong điều trị bệnh. Tiếp tục kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và quản lý Nhà nước về đông y ở các tuyến. Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu… góp phần phát triển nền y học cổ truyền tương xứng với vai trò và tiềm năng sẵn có. Hội Đông y các huyện và thành phố cũng đã chủ động phối hợp với Phòng y tế, Trung tâm y tế các huyện và thành phố tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các văn bản pháp quy của Bộ Y tế đến cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường lực lượng thanh tra y tế, nhất là những người có chuyên môn về y học cổ truyền để tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền, đặc biệt nguồn dược liệu đầu vào. Ngoài việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc y học cổ truyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, y tế các địa phương với các cơ quan liên quan nhằm kiểm soát tất cả các quá trình từ khâu tạo giống, chăm bón, nuôi trồng đến thu hái, bảo quản, lưu thông, sử dụng dược liệu được ngành Y tế đẩy mạnh. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân khi phát hiện các cơ sở vi phạm, cá nhân lợi dụng danh nghĩa lương y để kinh doanh bất hợp pháp, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để kịp xử lý.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự cẩn trọng của người dân khi thăm, khám và chữa trị bệnh sẽ góp phần nâng cao uy tín, chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa