Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH), tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng văn hóa, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra” - Đây là mục tiêu đề ra tại Kế hoạch 46 ngày 15-6-2022 của Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH về triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026.
Cảnh quan xã Xuân Phương (Xuân Trường) hôm nay. Ảnh: Viết Dư |
Phát huy truyền thống 44 năm điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” ở Hải Hậu gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục có bước tiến mới; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; đạo đức, gia phong của gia đình, dòng họ được gìn giữ, tinh thần đoàn kết cộng đồng ngày càng lan tỏa. Năm 2021, Hải Hậu là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 97,2%, tỷ lệ gia đình văn hóa 3 năm liên tục đạt trên 80%; tỷ lệ xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn xóm văn hóa theo Nghị định 122 của Chính phủ đạt 100%.
Triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, gắn nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng tỉnh. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 87% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; trên 97% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; hơn 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 100% làng, thôn, xóm có nơi sinh hoạt văn hóa. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh” được triển khai tích cực, đã lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự giác tham gia của mỗi người dân, địa phương, cơ sở. Toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 47 nhà văn hóa (NVH) cấp xã, 855 NVH thôn, xóm, tổ dân phố. Kinh phí trung bình từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/NVH cấp xã, 450-800 triệu đồng/NVH thôn, xóm, tổ dân phố. Nhiều địa phương đã có cơ chế khuyến khích xây dựng NVH thôn, xóm, tổ dân phố với mức hỗ trợ từ 50 đến 150 triệu đồng/1 NHV thôn, xóm, tổ dân phố; kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho NVH thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chú trọng tuyên truyền tới nhân dân, đưa vào quy ước, hương ước làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa, trở thành một tiêu chí trong bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên với việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, nhiều đám cưới đã được tổ chức theo hình thức tiệc trà, báo hỷ. Tại huyện Mỹ Lộc, một số xã đã thực hiện mô hình Đoàn Thanh niên tổ chức đám cưới cho đoàn viên thanh niên, xây dựng chương trình văn nghệ, sắp xếp đội hình nghi lễ theo tập quán truyền thống. Ở nhiều xã, thị trấn của huyện Vụ Bản, lễ cưới được tổ chức tại nhà văn hóa thôn, xóm do đại diện các cơ quan, đoàn thể làm chủ hôn. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy đã phát động cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn”, “Ăn cỗ không lấy phần” nhằm xóa bỏ tình trạng ăn cỗ lấy phần ở địa phương, được nhân dân đồng tình thực hiện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã triển khai mô hình điểm “Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang” tại phường Vỵ Hoàng (thành phố Nam Định) và nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Việc tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm; thời gian đưa tang bảo đảm đúng quy định của địa phương, không tổ chức ăn uống linh đình.
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa được quan tâm thực hiện. Với chủ đề phong trào: “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đưa ra các giải pháp đồng bộ mà trọng tâm là những việc làm thiết thực đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính, sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc. Gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH ở cơ sở”, phong trào “Xây dựng cơ quan văn hóa, đơn đơn vị trong sạch vững mạnh”, xây dựng cơ quan, đơn vị “Gương mẫu về mọi mặt”. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp tích cực có sức lan tỏa, gắn với trách nhiệm triển khai của từng ngành, từng đơn vị. Bộ CHQS tỉnh với chủ đề “Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh với xây dựng môi trường văn hoá” và “Tuổi trẻ với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”...; UBND thành phố Nam Định với chuyên mục “Du lịch - Dịch vụ”, “Video - Sự kiện”, “Thành Nam văn hiến”, “4 xin, 4 luôn”; Sở VH, TT và DL xuất bản các ấn phẩm: “Những điểm sáng trong xây dựng ĐSVH cơ sở ở Nam Định”; Cẩm nang Văn hóa - Du lịch Nam Định; Sở LĐ-TB và XH với chương trình hành động “Đẩy mạnh xây dựng văn hoá cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tình hình mới”; Ngành Y tế với phong trào “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Sở Nội vụ với không gian công sở xanh - sạch - đẹp và mô hình “Tổ công tác chuyên đề” để giải quyết hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của ngành; Sở KH và CN với hướng dẫn tổ chức xét duyệt các sáng kiến trong cải cách hành chính; huyện Hải Hậu với những phong trào như: “Xây dựng cơ quan văn hoá ngày làm việc 8 giờ có chất lượng, hiệu quả”, cuộc vận động: “Cán bộ công chức, viên chức nói không với tiêu cực”… các phong trào nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị, qua đó giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí hành chính, giảm bớt phiền hà cho nhân dân.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh cho biết: Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch 46 về triển khai Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026 là: Giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả Phong trào gắn với thực hiện Kết luận Số 75-KL/TU ngày 14-12-2021 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09-6-2016 về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Phấn đấu đến năm 2026, toàn tỉnh có trên 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 100% huyện, xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao và có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Trên 80% gia đình giữ danh hiệu Gia đình văn hóa; trên 70% thôn, xóm (tổ dân phố) giữ vững danh hiệu văn hóa; từ 80% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” ở khu dân cư gắn với việc xây dựng “xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em” góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh. Tiếp tục gắn kết thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể với các phong trào, cuộc vận động của từng ngành, cơ quan, đơn vị./.
Việt Thắng