Sau hơn 20 năm làm báo, lần đầu tiên tôi có vinh dự là 1 trong 63 tác giả, nhóm tác giả là hội viên của Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trong cả nước có tác phẩm được Hội Nhà báo Việt Nam lựa chọn in trong tập sách “Tác phẩm báo chí chọn lọc hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với các Hội Nhà báo địa phương năm 2020”. Đây thực sự là nguồn cổ vũ để tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa vì sự nghiệp báo chí mà tôi đam mê và lựa chọn theo đuổi bấy lâu nay.
Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) thử nghiệm thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho lúa. |
Năm 2020, qua thâm nhập thực tiễn đời sống kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tôi nhận thấy tình trạng có nhiều nông dân mong muốn có thêm ruộng để có thể tổ chức sản xuất lớn, sản xuất tập trung, quy mô nhưng khó khăn. Song lại có nơi để ruộng hoang hóa, kể cả nhiều diện tích trước đây là “bờ xôi, ruộng mật” nay để cỏ mọc um tùm. Thấy mà xót xa, lãng phí tài nguyên, tiềm năng đất nông nghiệp ở một địa phương nông nghiệp như Nam Định. Bám sát tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hình thức tập trung đất đai, tích tụ ruộng đất để phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo tiền đề thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích; đồng thời giúp người nông dân làm giàu bằng chính nghề nông tại quê hương. Tôi tìm về huyện Vụ Bản - địa phương vốn trước đây được xem là có ruộng đất manh mún nhất tỉnh nhưng hiện có nhiều hộ nông dân đang sử dụng hàng chục héc-ta ruộng để gieo cấy “đồng trà, đồng giống, đồng kỹ thuật thâm canh”, tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Đó là mô hình sản xuất lúa hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh thuê mượn ruộng của hơn 250 hộ dân ở 2 thôn Trung Cấp và Du Duệ với quy mô hơn 10ha; gia đình chị Trần Thị Luyến ở xóm 3, thôn Định Trạch, xã Liên Bảo cũng có vùng canh tác tập trung lớn với quy mô hơn 17ha. Nhờ có ruộng đất rộng, tập trung, đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, gia đình chị Luyến đã làm giàu từ chính nghề nông, với thu nhập bình quân hàng năm từ 300-350 triệu đồng. Tại xã Yên Cường (Ý Yên), Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các HTX nông nghiệp tích tụ ruộng đất, quy hoạch thành những vùng sản xuất giống lúa rộng 35ha; vùng sản xuất lạc thương phẩm, lạc giống rộng 32ha; vùng sản xuất rau an toàn rộng 20ha và vùng sản xuất khoai tây thương phẩm quy mô 25ha… Sau khi xuống cơ sở tìm hiểu thực tế, tôi tiếp tục làm việc với UBND các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Giao Thủy, ngành Nông nghiệp, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để có những nhận định, phân tích, đánh giá trung thực, khách quan và tương đối toàn diện về vấn đề tích tụ ruộng đất, phục vụ sản xuất nông sản hàng hóa. Trên cơ sở đó, tôi đã quyết định xây dựng đề cương, báo cáo Ban Biên tập, phòng chuyên môn để thể hiện tác phẩm: “Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa: “Mệnh lệnh” từ cuộc sống”. Loạt bài 3 kỳ nêu thực trạng người nông dân bỏ ruộng hoang; lý giải nguyên nhân, khó khăn trong tích tụ ruộng đất và tìm kiếm, đề xuất biện pháp giải quyết tình trạng để ruộng đất hoang hóa. Bài viết được duyệt, đăng trên trang nhất Báo Nam Định.
Sau khi báo phát hành đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc, ngành chức năng đánh giá cao và được Ban Biên tập Báo Nam Định động viên, khen thưởng bởi thông tin đăng tải phản ánh chân thực, khách quan, đa chiều, dễ tiếp nhận. Tác phẩm đã được Hội Nhà báo tỉnh lựa chọn hỗ trợ sáng tác từ nguồn kinh phí cho tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2020. Đồng thời được Hội Nhà báo Việt Nam quyết định lựa chọn in thành tập sách “Tác phẩm báo chí chọn lọc hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với các Hội Nhà báo địa phương năm 2020”. Kết quả này cũng là ghi nhận quá trình hơn 20 năm “đi đến, tìm hiểu và viết” của tôi. Bản thân tôi luôn suy nghĩ, có thể nhiều đồng nghiệp của tôi có tác phẩm đủ điều kiện để được in thành sách hơn mình, nhưng có lẽ mình là người may mắn hơn và được bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng tôn vinh. Tôi thực sự biết ơn và trân trọng điều đó! Sự tôn vinh, ghi nhận đó tiếp thêm cho tôi “động lực” để nỗ lực dấn thân, yêu nghề để có thể hoàn thành tốt hơn công việc của “người làm báo” Đảng.
Còn nhớ trước đây khi còn là cậu học trò, không được ai định hướng cho mình theo học ngành, nghề gì. Đọc sách, báo, xem truyền hình thấy nơi nào từ đất liền đến hải đảo đều có dấu chân phóng viên, tôi mong ước trở thành Nhà báo để được đi, được biết… nhiều nên đã quyết định thi vào Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong suốt hành trình đã qua, thời gian tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ để tôi nhận ra nhiều điều của người và nghề báo. Một trong những điều đó chính là phẩm chất quan trọng nhất ở một nhà báo là lòng yêu nghề. Chính lòng yêu nghề là cơ sở nền tảng cho những phẩm chất đạo đức khác. Phải có lòng yêu nghề mới có động lực thật sự để nâng cao khả năng chuyên môn. Có yêu nghề mới luôn luôn có khát vọng tìm kiếm đề tài, cách thức thể hiện, truyền tải thông tin một cách chân thực, sinh động đến với độc giả. Không có lòng yêu nghề thì không có nhà báo giỏi, nhà báo tốt, không có bài báo hay, chất lượng, mang đậm hơi thở cuộc sống. Trong mỗi lần tiếp xúc cơ sở, đặt vấn đề, thu thập tư liệu viết về một sự việc, sự kiện nào đó, người phóng viên phải chịu khó đi cơ sở, có cách tiếp cận phù hợp để có được những thông tin “đắt” cho bài viết của mình; đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức và phương thức truyền tải thông tin theo xu hướng mới. Do vậy, bản thân tôi vẫn luôn tự dặn mình phải nỗ lực, cố gắng từng ngày để có được những bài báo chất lượng… cống hiến độc giả.
Đó cũng chính là động lực để chúng tôi thêm yêu nghề, tiếp tục phấn đấu trau dồi đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, nỗ lực rèn luyện bản thân để vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp báo chí./.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên