Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ học sinh tự tử với các lý do “để lại” là: áp lực học tập, áp lực cuộc sống và áp lực từ cha mẹ… gây lo ngại trong dư luận xã hội. Thực trạng này đòi hỏi sự chung tay của nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội để ngăn ngừa những sự việc đáng tiếc xảy ra, rèn luyện giáo dục lối sống, suy nghĩ tích cực cho thanh, thiếu niên.
Học sinh Trường Mầm non Nam Mỹ (Nam Trực) trong giờ ra chơi. |
Không thể phủ nhận cuộc sống của trẻ em, thanh thiếu niên hiện nay có nhiều điều kiện tốt hơn hẳn về cơ sở vật chất, khả năng tiếp cận toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội… Thế nhưng, việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong môi trường xã hội hiện đại cũng đặt ra không ít lo lắng khi bố mẹ cũng thường xuyên “quay cuồng” với các áp lực gánh nặng cuộc sống “cơm áo gạo tiền”, không có thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con. Bên cạnh đó, nhiều nguy cơ từ tai, tệ nạn xã hội; “gánh nặng” tâm lý kỳ vọng thành tích học tập của cha mẹ đặt ra cho con trẻ. Lịch học của nhiều học sinh từ bậc tiểu học tới THPT kín các ngày trong tuần, thậm chí kín các buổi trong ngày. Chưa kể nhiều cha mẹ không quan tâm đến tâm lý của con, thường xuyên áp đặt, ra lệnh, buộc con phải học và làm theo ý mình. Đặc biệt, trẻ em ở khu vực thành phố, các em thiếu sân chơi tự nhiên, không có không gian hoạt động trải nghiệm, thường xuyên phải ở trong nhà, tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại... khiến cuộc sống của trẻ gò bó, tù túng, không có “tương tác” thực tế. Trẻ dễ dàng trở thành “gà công nghiệp”, khó xoay sở với cuộc sống khi ở một mình sống với thế giới, các mối quan hệ tương tác ảo qua mạng. Từ đó trẻ dễ hình thành tâm lý và hành vi tiêu cực, không biết tự lập, kỹ năng sống kém… Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ quá bao bọc, bảo vệ con, tuy nhiên, đây lại không phải là cách nuôi dạy con tốt, bởi việc quá bao bọc, bảo vệ trẻ sẽ khiến trẻ hạn chế khả năng tự lập, hay dựa dẫm, ỷ lại, không có chí tiến thủ...
Để rèn luyện lối sống tích cực cho trẻ em, học sinh, các bậc phụ huynh và nhà trường cần tạo cho trẻ một môi trường sinh sống và học tập phù hợp để trẻ được khám phá, trải nghiệm, được tự mình thực hiện những công việc vừa sức, để trẻ tự quyết định trong những tình huống phù hợp. Cô giáo Trương Thị Mai Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) cho biết: Vào dịp Tết Trung thu, Lễ Giáng sinh hoặc Tết Nguyên đán hàng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, sân chơi trải nghiệm để trẻ vừa học tập, giải trí, vừa tìm hiểu phong tục tập quán truyền thống. Hình thức các hoạt động đa dạng, mới lạ, hấp dẫn học sinh, thu hút các em tham gia nhiệt tình, vừa giúp truyền tải kiến thức một cách tự nhiên cho các em, vừa giúp các em rèn luyện đa kỹ năng... Một số trường học còn tổ chức cho học sinh rèn luyện thân thể qua trò chơi đi bộ, chạy bộ, hoặc làm các sản phẩm STEM tái chế phế liệu để tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường. Chị Trần Thị My có con trai học tại Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) cho biết: Năm nào chị cũng khuyến khích con tham gia các hoạt động này bởi đây không chỉ là dịp để rèn luyện thể chất, cải thiện sức khoẻ mà còn là cơ hội cho cháu được hòa nhập cộng đồng, khám phá những điều mới lạ, có ích ngay từ chính không gian sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) thường tổ chức chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh với chủ đề “Chung tay xây dựng trường học sinh thái xanh - sạch - đẹp - an toàn” với sự tham gia của cả phụ huynh, học sinh và giáo viên nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em.
Cùng với nỗ lực của các nhà trường, các bậc phụ huynh cũng tích cực tìm không gian sống, sinh hoạt, học tập phù hợp cho con em mình, hoặc tìm kiếm kiến thức qua nhiều kênh thông tin phù hợp để giúp trẻ được trải nghiệm, sáng tạo phù hợp lứa tuổi. Chị Minh Thu, trú tại đường Điện Biên, phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định) chia sẻ: Con trai chị đang học lớp 6, tính cách khá nhút nhát. Mặc dù cháu đang theo học ở một trường khá tốt của thành phố nhưng học lực trung bình nên cháu luôn mặc cảm, tự ti. Do vậy vào dịp nghỉ hè, chị đăng ký cho con theo học các lớp dạy về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, đồng thời thời gian trống chị đăng ký thêm cho con các lớp học thể thao như bơi, bóng bàn... Chị cũng hỏi kinh nghiệm bạn bè về những khoá học phù hợp để rèn các kỹ năng và bồi đắp thái độ sống tích cực cho con. Sau hơn 2 kỳ nghỉ hè cho con tham gia các khóa học tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố, Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh, chị nhận thấy con đã dần tự tin, hoà đồng hơn, con cũng đã tự giác chia sẻ việc nhà với mẹ. Còn chị Phạm Hương, trú tại đường Nguyễn Trãi (phường Vị Hoàng) cho biết: Chị có 1 con gái và 1 con trai đều đang ở “tuổi teen” với những nét tính cách khá đặc trưng cậu con trai thì rất lỳ, còn con gái thì vô tâm, bướng bỉnh. Anh chị lại thường xuyên bận rộn công việc nên ít có thời gian gần gũi con. Do đặc thù công việc chị phải vắng nhà thường xuyên nên con chị sống khá khép kín, ít được trải nghiệm nhiều từ môi trường xung quanh. Để khắc phục anh chị cũng chịu khó đọc thêm sách, báo, tham khảo tài liệu trên mạng về cách chia sẻ, gần gũi con, giáo dục con cách sống độc lập, không dựa dẫm, ỷ lại... Chị đăng ký cho con theo học các lớp kỹ năng sống mà bạn bè giới thiệu là có hiệu quả, đồng thời chị sưu tầm các sách, báo nói về giáo dục giới tính, giáo dục thái độ sống tích cực để các cháu học hỏi, trau dồi kiến thức, từ đó bồi dưỡng những suy nghĩ tích cực, biết yêu thương, tự lập, thích nghi với mọi hoàn cảnh. anh chị cũng phân công, giao việc nhà cho con một cách công bằng. Từ những nỗ lực trên, các con đã dần thay đổi, dễ bảo hơn và biết quan tâm hơn tới mọi người trong gia đình. Anh chị cũng đã nhận thấy bản thân có sự kết nối, gắn bó hơn với các con.
Trước cuộc sống bộn bề và thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tất cả mọi người đều dễ dàng tiếp cận với khối lượng thông tin khổng lồ, nhưng không phải ai cũng biết cách kiểm soát và chọn lọc những thông tin có ích, đặc biệt là thanh, thiếu niên trong độ tuổi 6-15. Do vậy, nếu không được định hướng tốt trong lối sống, suy nghĩ, các em sẽ rất dễ bị cuốn theo cái xấu. Để rèn luyện thái độ sống tích cực, trẻ em cần được rèn luyện từ nhỏ, với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội để tạo được môi trường giáo dục đồng bộ, toàn diện cho trẻ em./.
Bài và ảnh: Minh Thuận