Đến thời điểm hiện tại, học sinh lớp 9, lớp 12 toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình năm học, đang tích cực ôn tập để thi vào các trường THPT, thi tốt nghiệp THPT và lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng năm học 2022-2023. Trước “ngã rẽ” quan trọng này trong cuộc đời học sinh, hầu hết các bậc phụ huynh đều lo lắng và mong muốn con mình thi đỗ vào trường THPT công lập và học tiếp lên cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có đủ kỹ năng, tri thức để vượt qua các kỳ thi quan trọng có tính sàng lọc cao như vậy. Tuy nhiên, ngoài con đường học tiếp lên THPT, đại học, cao đẳng, còn nhiều “ngả đường” khác phù hợp năng lực các em, mang đến nhiều cơ hội lập nghiệp để các em lựa chọn. Với những học sinh có lực học trung bình, các em có thể nộp hồ sơ tuyển thẳng vào các trường THPT ngoài công lập hoặc học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Thị trường lao động không riêng ở tỉnh ta mà trên cả nước lâu nay vẫn tồn tại tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) trong một giờ ôn tập. |
Cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết: Trong cuộc họp phụ huynh học sinh lớp 9 cuối năm học 2021-2022 mới đây, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm (GVCN) tư vấn cho phụ huynh định hướng lựa chọn trường, ngành nghề cho con: Nếu học sinh học lực khá thì không nên thi THPT chuyên Lê Hồng Phong, dành thời gian để ôn thi các trường THPT khác. Giáo viên cũng tư vấn cho phụ huynh một số trường THPT công lập cụ thể theo các tiêu chí như địa bàn gần thành phố, phù hợp lực học, môi trường giao dục chất lượng… Đối với học sinh học lực trung bình nhà trường gợi ý phụ huynh nên cho con vào các trường dạy nghề theo hệ vừa học văn hóa, vừa học nghề. Với hệ này học sinh học trung cấp được miễn học phí, sau khi tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng trung cấp nghề. Sau 3 năm học sinh có thể tiếp tục học lên đại học nếu có năng lực và nguyện vọng. Thời gian học trung cấp cũng đúng bằng thời gian học THPT, khi tốt nghiệp lại có hai bằng; có tay nghề kỹ thuật có thể tìm việc làm ngay. Tại Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), nhà trường tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp bằng nhiều hình thức để học sinh lớp 12 có định hướng rõ ràng về con đường tương lai. Tuy nhiên, nếu như trước đây trường thường mời các chuyên gia ở các trường đại học về tư vấn giáo dục hướng nghiệp thì hiện nay nhà trường kết hợp nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Cụ thể, trường chú trọng thực hiện phương châm “tự tư vấn, tư vấn thường xuyên, phục vụ cho những gì mình cần như tổ chức Hội trại hướng nghiệp. Đây là hoạt động ngoài giờ lên lớp trong phạm vi toàn trường với mục đích hướng nghiệp. Ban tổ chức đưa ra các nhóm ngành nghề để học sinh tự tìm hiểu thông tin (các ngành nghề dự báo có nhu cầu nguồn nhân lực cao). Đơn cử như: Nhóm ngành an ninh - quân đội, nhóm ngành Giáo dục, nhóm ngành Kinh tế - tài chính, nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ thông tin, nhóm ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, nhóm ngành báo chí - marketing - truyền thông... Các lớp bốc thăm nhóm ngành nghề, mỗi lớp thiết kế 1 trại, tên trại, cổng trại, không gian trại và các hoạt động trong trại đều theo chủ đề của nhóm ngành nghề bắt thăm được. Qua quá trình tìm hiểu các thông tin để tham gia hội trại, học sinh có dịp trang bị sâu hơn kiến thức về ngành nghề, lĩnh vực, từ đó có định hình về hướng nghiệp của bản thân. Ngoài ra trường tư vấn hướng nghiệp thông qua tổ chức tham quan trải nghiệm thực tế giúp các em học sinh hiểu được giá trị của lao động, quá trình hình thành và phát triển của làng nghề, ngành nghề, vai trò của con người; thợ và thợ lành nghề, kỹ thuật cao trong quá trình ấy. Trường tổ chức cho học sinh đi tham quan các làng nghề như: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), nghề sắt Vân Chàng (Nam Trực), làng hoa Mỹ Tân (Mỹ Lộc); tổ chức tư vấn hướng nghiệp thông qua tổ chức tham quan, học tập, trải nghiệm tại các trường đại học: FPT, Bách khoa, Ngoại thương, Quốc gia Hà Nội, Kinh tế quốc dân…; phối hợp các trường đại học và các doanh nghiệp tổ chức “Tam giác hướng nghiệp” với Dự án “Tam giác Hướng nghiệp Hiệu quả” kết nối Trường THPT - Trường Đại học/dạy nghề - Doanh nghiệp.
Cùng với các nhà trường, các bậc phụ huynh cũng rất nỗ lực trong việc tìm kiếm sự lựa chọn phù hợp năng lực, sở trường của con em mình. Chị Thu Vân ở đường Trần Thánh Tông (thành phố Nam Định) có con đang học lớp 9 một trường THCS trên địa bàn phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) cho biết: con có học lực khá nên chị muốn con học tiếp THPT, sau khi tốt nghiệp THPT cháu muốn học gì, làm gì thì mới tiếp tục tính. Nhưng con trai chị lại rất thích học trung cấp nấu ăn ở một trường cao đẳng trên địa bàn thành phố Nam Định. Gia đình chị đã phân tích cho cháu là việc học nghề để làm nghề sau khi tốt nghiệp THPT là quá sớm, cháu còn non nớt, chưa thể hiểu biết đầy đủ để quyết định hướng đi cho mình, vì thế nên lựa chọn việc bước tiếp vào THPT, rồi tính sau. Nhưng anh chị cũng tôn trọng quyết định của con, và để giữ tinh thần thoải mái cho con, anh chị chỉ bàn bạc, tham gia góp ý với con trên tinh thần động viên, tôn trọng quyết định của con, động viên con dần dần. Cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu) cho biết: Việc phân luồng, định hướng cho học sinh THCS là nhiệm vụ thường xuyên của nhà trường trong thực hiện kế hoạch năm học. Năm học này, thực hiện công văn của Sở GD và ĐT, nhà trường đã sớm xây dựng kế hoạch công tác hướng nghiệp, phân luồng tư vấn định hướng cho học sinh, nhất là các em lớp 9. Công tác này được giao cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện qua các giờ sinh hoạt, hoạt động ngoài giờ và giáo viên các bộ môn lồng ghép trong tiết dạy. Tuy nhiên, cô Lan cũng cho biết: Phân luồng, tư vấn, hướng nghiệp là một quá trình cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, lãnh đạo địa phương; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Công tác này cũng không thể làm ngày một, ngày hai mà phải làm thường xuyên, lâu dài mới có thể giúp học sinh và phụ huynh có suy nghĩ đúng đắn, từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Học tiếp THPT là con đường mà đa số học sinh sau THCS nghĩ đến, đó là hướng đi tất nhiên, nhưng thầy cô, gia đình cũng cần lắng nghe và hiểu các em, xem các em năng lực, sở trường là gì, thích ngành nghề gì để tư vấn cho phù hợp. Hiện nay với mô hình đào tạo của các trường nghề, sau khi tốt nghiệp các em vừa có bằng nghề, vừa có bằng văn hoá nên phụ huynh cũng yên tâm.
Thời điểm này, học sinh lớp 9 đã hoàn thành xong chương trình THCS, học sinh lớp 12 đang ôn thi tốt nghiệp THPT để chuẩn bị cho kỳ thi mang tính bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời. Do vậy, đây chính là thời điểm đặt ra cho các em và gia đình các em nhiều cân nhắc, suy nghĩ về việc lựa chọn ngành, nghề sao cho phù hợp với sở thích, đam mê, năng lực học tập, điều kiện của gia đình. Cùng với ôn luyện, các nhà trường đang nỗ lực tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh chọn đúng nghề, phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội. Tuy nhiên, đứng trước sự lựa chọn này, các em rất cần sự quan tâm, thấu hiểu, động viên, tư vấn của nhà trường và gia đình để hiểu thêm về các ngành, nghề phù hợp năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Làm tốt công tác này góp phần làm chuyển biến công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2025” của UBND tỉnh đề ra là: Phấn đấu đến năm 2025 “100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; Phấn đấu 100% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng”./.
Bài và ảnh: Minh Thuận