Để "Dân ta phải biết sử ta"…

04:06, 03/06/2022

Sau gần 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, cuối tháng 12-1940, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong bộn bề công việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, năm 1942 Bác vẫn viết cuốn “Lịch sử nước ta”. Mở đầu là hai câu: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Bác nói nôm na nhưng sâu sắc như một lời hiệu triệu, nhắc nhở mỗi công dân Việt Nam, mỗi con Lạc, cháu Hồng phải có trách nhiệm tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử dân tộc, qua đó giữ gìn, phát triển giáo dục và khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau. Bác nói “phải biết” tức là nghĩa vụ, là mệnh lệnh, là trách nhiệm. Xét cho cùng lịch sử là những gì thuộc về quá khứ, nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. Biết quá khứ để rút kinh nghiệm, học tập, bảo lưu những giá trị tinh hoa, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. “Biết sử ta” không đơn thuần là ghi nhớ một vài mốc sự kiện, một vài chiến công hiển hách, một vài tên các vị tướng anh hùng mà phải tìm hiểu “cho tường gốc tích”. Nghĩa là phải biết đến tận “chân tơ kẽ tóc”. Càng biết nhiều, càng hiểu nhiều càng trân trọng giá trị lịch sử của dân tộc, nhớ ơn các vị tiền bối đã khai sinh nền móng nước nhà. Nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ không tiếc máu xương đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc và tự do của đất nước. Khi thấu hiểu được điều đó thì lòng yêu nước sẽ bùng cháy trong ta. Lòng tự hào tự tôn dân tộc sẽ lớn mạnh trong ta và ta càng có ý thức, trách nhiệm với quê hương, đất nước nhiều hơn. Lịch sử còn có giá trị về tri thức, khoa học, bảo lưu, chuyển giao lại cho con cháu.

Những năm qua, việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường đã đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT rất ít học sinh chọn môn Lịch sử. Trong nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT gần dây, dư luận không khỏi lo lắng khi điểm thi môn Lịch sử thường xếp cuối bảng so với các môn khác. Mặc dù thực trạng đáng buồn này được báo động từ lâu nhưng đến nay vẫn chậm chuyển biến. Số lượng học sinh chọn thi vào các trường khoa học xã hội nhân văn rất thấp so với các ngành khác. Thực trạng trên được lý giải, học sinh chán học môn Lịch sử. Vậy mà sắp tới ở bậc THPT, Lịch sử lại trở thành môn “tự chọn” nằm trong tổ hợp các môn khoa học xã hội khiến dư luận xã hội càng e ngại số học sinh chọn môn Lịch sử để học sẽ ít đi. Xu thế chọn ngành nghề hiện nay, các bậc phụ huynh luôn muốn hướng con em mình vào các trường thuộc ngành khoa học kỹ thuật, dịch vụ, ngân hàng, kế toán… dẫn đến học sinh không mặn mà với các môn khoa học xã hội. Cho nên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT, môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong tổ hợp các môn khoa học xã hội, khiến dư luận càng băn khoăn lo lắng.

Môn Lịch sử không trực tiếp làm ra kinh tế nhưng có vị trí, vai trò quan trọng trong các môn học của chương trình giáo dục phổ thông, góp phần vào việc hình thành sự đam mê tìm hiểu quá khứ của học sinh. Ở bậc THPT môn Lịch sử có những chuyên đề hữu ích như: chuyên đề giải phóng dân tộc, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc… giúp học sinh phân biệt được những sự kiện lịch sử của đất nước, của dân tộc cũng như của thế giới theo định hướng của nền giáo dục nước nhà. Thế nên, dư luận xã hội mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan có thẩm quyền nên đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc trong tất cả các chương trình phổ thông. Việc dạy môn Lịch sử cũng cần được cải tiến một cách thực sự. Ở bất cứ bài giảng nào, nếu không gợi được sự phát huy trí tuệ sáng tạo, sự liên tưởng khoa học... thì đều thất bại. Những bài học lịch sử nếu không đọng lại ở học sinh niềm tự hào dân tộc, niềm kính trọng các thế hệ ông cha đã anh dũng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thì vô ích. Thế nên mỗi người dân Việt Nam cần thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, học tập suốt đời Lịch sử nước nhà.

Thời đại ngày nay chúng ta không chỉ “tường gốc tích” mà còn phải coi đây là đường lối soi rọi cho con đường hội nhập của Việt Nam. Chúng ta “tường gốc tích” để tự hào, tự tin, không tự ti và cũng để nắm bắt thời cơ và thấy được nguy cơ trên con đường hội nhập. Đây là điểm tựa để hun đúc quyết tâm xây dựng và bảo vệ và kiến thiết nước nhà./.

Kim Cúc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com