Chủ động nguồn lực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

08:06, 22/06/2022

Theo lộ trình, năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai thực hiện đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Thời điểm này, ngành GD và ĐT tỉnh đã sẵn sàng tâm thế, nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao.

Nhân viên Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định kiểm tra danh mục sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chuẩn bị cung ứng cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Nhân viên Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định kiểm tra danh mục sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chuẩn bị cung ứng cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2022-2023, cấp tiểu học toàn tỉnh dự kiến có 227 trường tiểu học, 992 lớp 3 với 34.483 học sinh. Cơ sở vật chất đảm bảo mỗi lớp 1 phòng học văn hóa, mỗi trường có ít nhất 1 phòng dạy học các môn chuyên Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học; 100% các trường triển khai dạy học môn Tiếng Anh, Tin học đối với học sinh lớp 3 đảm bảo theo quy định. 100% các trường đảm bảo đủ giáo viên dạy văn hóa, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Tiếng Anh, Tin học và công nghệ đối với lớp 3. Tuy nhiên nhiều trường còn khu lẻ chưa có phòng riêng để dạy môn Ngoại ngữ, Tin học nên việc triển khai dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học còn gặp khó khăn. Ở cấp trung học, toàn tỉnh dự kiến có 226 trường THCS, 736 lớp 7 với 28.535 học sinh; có 57 trường THPT, 474 lớp 10 với 20.895 học sinh. Hiện cấp THPT chưa có giáo viên để triển khai dạy môn Mỹ thuật và Âm nhạc ở lớp 10. 

Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học này, Sở GD và ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện; đồng thời tích cực chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo thực hiện Chương trình. Về đội ngũ, Sở GD và ĐT đã chọn cử 201 cán bộ quản lý (CBQL), tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các cấp học tham gia các lớp bồi dưỡng của Bộ GD và ĐT về Chương trình GDPT 2018; tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí mua tài khoản LMS cho 100% giáo viên phổ thông trong tỉnh; chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tổ chức tập huấn theo quy định. Các Phòng GD và ĐT, các trường THPT đã tổ chức triển khai cho CBQL, giáo viên nghiên cứu Chương trình GDPT 2018, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và các nội dung mô-đun do Sở GD và ĐT tổ chức tập huấn. Đồng thời, Sở chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, thống kê đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hiện có. Từ đó xây dựng kế hoạch phân công giáo viên dạy lớp 6, 7, 10; ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, nhiệt tình, năng động và có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Sở cũng lưu ý các trường phân công giáo viên cần có chiến lược cho những năm tiếp theo. Căn cứ năng lực giáo viên, số lượng và cơ cấu giáo viên hiện có để bố trí, sắp xếp giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương cho phù hợp với thực tiễn nhà trường. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố sau khi tổ chức rà soát, thống kê, tham mưu UBND huyện, thành phố tuyển dụng, điều động, biệt phái CBQL, giáo viên đảm bảo đủ số lượng và chủng loại để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đối với giáo viên dạy Mỹ thuật và Âm nhạc lớp 10, Sở GD và ĐT đã dự kiến số lượng giáo viên cần tuyển phục vụ việc giảng dạy 2 môn trên và đã trình UBND tỉnh phê duyệt. 

Cùng với chuẩn bị nhân lực, Sở chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, thống kê thiết bị dạy học hiện có theo quy định của Bộ GD và ĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp THCS và cấp THPT. Xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung thiết bị dạy học phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, 7, 10 theo chủ trương tiết kiệm, tận dụng những thiết bị còn sử dụng được; sửa chữa, khắc phục những bộ thiết bị hỏng một phần. Chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn trong các nhà trường tăng cường khai thác tranh, ảnh, video, phần mềm tin học... và tự làm đồ dùng dạy học, chia sẻ dùng chung; tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Phòng GD và ĐT tham mưu UBND huyện, thành phố cấp kinh phí bổ sung mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường THCS trên địa bàn. Các nhà trường đã làm tốt công tác đầu tư sửa chữa và xây mới phòng học, phòng bộ môn. Hiện tại, bậc THCS có tổng số 3.013 phòng học, không còn phòng học tạm trong toàn tỉnh; khối phòng chức năng và công trình phục vụ học tập là 1.640; số phòng học bộ môn là 1.050. Bậc THPT có tổng số 1.449 phòng học, không còn phòng học tạm; khối phòng chức năng và công trình phục vụ học tập 583; số phòng học bộ môn là 419.

Việc triển khai biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương được thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch của UBND tỉnh đã xây dựng. Hiện tại, Sở GD và ĐT đã biên soạn, thẩm định xong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Nam Định lớp 3, 7, 10 và trình Bộ GD và ĐT phê duyệt. Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 3, 7, 10 cho năm học mới đã hoàn tất, đảm bảo đúng tiến độ. Mới đây UBND tỉnh đã ra Quyết định số 893/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh gồm 28 cuốn SGK lớp 3, 28 cuốn SGK lớp 7, 37 cuốn SGK lớp 10 để sử dụng trong các nhà trường từ năm học 2022-2023. Theo đó, các sách được chọn là của các Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm (của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Vinh, NXB Đại học Huế. Sở GD và ĐT đang phối hợp với các NXB tổ chức hội thảo, hướng dẫn các đơn vị sử dụng SGK. Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở đã tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; dạy bổ sung kiến thức; hướng dẫn xây dựng môn học, chuyên đề lựa chọn đối với lớp 10; hướng dẫn dạy các môn học mới. Cụ thể: Sở GD và ĐT tổ chức tập huấn trực tuyến xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, giáo viên cấp THCS trước khi bước vào năm học mới; tổ chức hội nghị chuyên đề từ cấp Sở đến cấp trường để thống nhất định hướng chung về việc xây dựng và triển khai kế hoạch bài học. Các nhà trường xây dựng video bài dạy phổ biến toàn ngành Giáo dục tỉnh cùng phân tích, rút kinh nghiệm tổ chức dạy học. Sở yêu cầu các trường THCS dạy bổ sung nội dung, kiến thức cho học sinh lớp 9 theo Chương trình GDPT hiện hành: xây dựng kế hoạch bổ sung những nội dung còn thiếu cho học sinh lớp 9 theo Chương trình GDPT hiện hành để có thể chuyển tiếp học lớp 10 Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả trước khi vào năm học mới. Sở cũng hướng dẫn các trường THPT xây dựng môn học, chuyên đề lựa chọn đối với lớp 10 để vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đồng thời, Sở ban hành các công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, 7 THCS và lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trong đó hướng dẫn cụ thể các đơn vị triển khai chương trình các môn học, đặc biệt là các môn học mới ở các khối lớp 6, lớp 7, lớp 10.

Phát huy kinh nghiệm và những kết quả đạt được của việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 6 những năm học trước, với sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường, toàn ngành GD và ĐT Nam Định thể hiện quyết tâm thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học tới./. 

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com