Khi bị liệt đôi chân, anh Hoàng Mai Thịnh, ở phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định) tưởng như mọi cánh cửa của cuộc đời đã đóng lại. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh Thịnh đã mạnh mẽ vượt qua, vươn lên trong cuộc sống.
Là con út trong gia đình có 4 chị em, Thịnh sinh ra và lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến năm học lớp 3, sau một đêm thức dậy, Thịnh đột ngột không ngồi dậy được nữa. Sau khi được đưa vào viện chụp chiếu và làm các xét nghiệm, Thịnh được chuyển sang Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Nam Định. Tại đây, bố mẹ em như ngã khụy khi nhận được kết quả Thịnh bị bệnh lao cột sống. Chữa trị hơn một tháng tại đây, Thịnh đã đi lại được bình thường và em tiếp tục quay trở lại lớp học. Tuy nhiên, trong một lần đi học về, ông Thìn là bố của Thịnh thấy con có biểu hiện cổ bị nghiêng về bên trái không xoay lại được dù không đau đớn, vẫn sinh hoạt bình thường. Từ đó, Thịnh bỗng dưng mang thêm cái tên “Thịnh Ngảnh” do các bạn trêu đùa đặt cho. Cũng chỉ được một thời gian ngắn ổn định để đến trường, một hôm đôi chân của Thịnh vạt sang một bên, không thể chạy nhảy như các bạn được nữa. Thịnh được bố mẹ cho đi tái khám và nhận kết quả căn bệnh lao xương chuyển biến nặng. Từ đây, Thịnh buộc phải dừng hẳn đến trường để theo bố chữa trị khắp các bệnh viện từ tỉnh đến Trung ương. Vốn là công nhân với đồng lương eo hẹp, gia đình lại đông con nên sau mỗi buổi tan ca, bố mẹ Thịnh lại thức đêm đóng gạch để đốt bán lấy tiền đưa em đi chữa bệnh. Để việc chữa trị chuyên tâm cho con nên ông Thìn xin nghỉ mất sức. Mỗi lần ngồi trên lưng bố đi bộ từ bến xe về bệnh viện, Thịnh thấy buồn nản vì làm khổ mọi người, nhất là Thịnh dần cảm nhận sẽ không thể cứu được đôi chân; mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác. Thịnh sống khép kín và thu mình lại; có thời gian trầm cảm khi không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai.
Tuy nhiên, sau những ngày chứng kiến sự vất vả của người thân, nỗi buồn ẩn sâu trong ánh mắt của bố mẹ, Thịnh dần có suy nghĩ khác: “Không còn đôi chân nhưng mình minh mẫn, dù có thế nào thì cũng phải sống tiếp, phải tự lập để bố mẹ bớt khổ”. Từ đó, Thịnh quyết tâm tìm cho mình một cái nghề. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cuối cùng Thịnh chọn học nghề sửa chữa ti vi, loa đài, vì đây là nghề phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe. Học nghề với một người bình thường vốn đã khó, huống chi với người khuyết tật thật chẳng dễ chút nào. Thế nhưng với sự giúp đỡ của gia đình, Thịnh đã hoàn thành việc học, làm được nghề khi ở độ tuổi 20. Ban đầu, Thịnh chỉ nhận sửa chữa cho người quen, hàng xóm không lấy công, nhưng dần dần nhiều người đã biết đến “thợ” và tìm đến để nhờ sửa chữa những đồ điện tử bị hỏng hóc trong gia đình. Với sức yếu, di chuyển khó khăn, việc sửa chữa ti vi, loa đài cần phải bê lên hạ xuống nên sau mấy năm làm nghề, Thịnh dần cảm thấy nản và buồn cho bản thân mình. Đúng lúc đó, một người bạn trước đây ở trọ tại nhà Thịnh hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh liên lạc lại với gia đình và mời Thịnh vào chơi. Được sự đồng ý của gia đình, Thịnh được bố đưa vào Sài Gòn gặp lại người bạn cũ. Ở nhà bạn một thời gian, được gặp gỡ nhiều những hoàn cảnh khó khăn mưu sinh, Thịnh dần ổn định tâm lý và đồng ý theo sự sắp đặt của bạn, ở lại học sửa chữa điện thoại từ một người thợ có tiếng. Sau 3 năm vừa học vừa làm tại tiệm sửa chữa, Thịnh quyết định quay trở lại quê và mở cửa hàng sửa chữa điện thoại tại nhà. Đến nay, đã hơn 10 năm gắn với nghề, cửa hàng của Thịnh luôn có nhiều khách hàng. Việc sửa chữa nhỏ, chạy lại phần mềm Thịnh đều miễn phí cho mọi người, chỉ có những máy bị hỏng nhiều cần thay thế hoặc mất nhiều công, anh mới nhận chút tiền công. Với Thịnh, hàng ngày được nói chuyện với mọi người và khiến mọi người cảm thấy hài lòng là niềm vui của bản thân. Điều đặc biệt, Thịnh rất ít khi sửa chữa ban ngày mà mỗi khi màn đêm buông xuống, từ khoảng 10 giờ đêm đến 3-4 giờ sáng Thịnh mới ngồi vào bàn, bởi đây là thời gian yên tĩnh nhất để tập trung vào phần mềm, vào những con chíp, vào những lỗi mà máy mắc phải. Sau khi mẹ mất, 10 năm nay, bố là người bạn đồng hành để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cùng Thịnh. Mỗi năm, Thịnh lại cùng bố vào Thành phố Hồ Chí Minh một hai lần, vừa để cập nhật những máy móc, công nghệ mới, vừa là dịp để cám ơn những người đã giúp đỡ, truyền nghề.
Ở độ tuổi 40, hàng ngày, trên chiếc xe máy ba bánh, Thịnh vẫn thường xuyên đến thăm nhà bạn bè, sửa ti vi, loa đài cho những người thân quen và tích cực tham gia các hoạt động tại Hội Người khuyết tật thành phố Nam Định. Với anh, vượt lên mặc cảm khuyết tật để yêu đời, yêu nghề sống ý nghĩa là lời cảm ơn, là món quà dành cho gia đình, người thân đã luôn đồng hành cùng anh trên mỗi bước đường đời./.
Hồng Minh