Những năm qua, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác giáo dục văn hóa kết hợp đổi mới đào tạo, xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Trực Ninh thực hành môn công nghệ ô tô. |
Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu và hiệu quả hoạt động ở cả lĩnh vực giáo dục văn hóa và đào tạo nghề, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trực Ninh hiện có 12 lớp với trên 400 học sinh. Trong công tác GDTX, nhiều năm liên tục, Trung tâm luôn đứng trong tốp dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi tốt nghiệp THPT và giáo viên dạy giỏi khối GDTX. Kết quả tuyển sinh đầu vào lớp 10 hàng năm luôn vượt chỉ tiêu được giao, học sinh đỗ tốt nghiệp THPT luôn đạt tỷ lệ từ 98% trở lên; trong đó có nhiều em đỗ vào các trường cao đẳng, đại học với số điểm cao. Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học văn hóa, Trung tâm đã làm tốt công tác liên kết đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhà trường đã liên kết với các trường nghề lựa chọn những nghề mà thị trường đang thiếu để dạy cho học viên trên cơ sở hướng nghiệp và đăng ký theo nguyện vọng, sở thích của học viên với đa dạng các nghề hàn, máy lạnh điều hòa không khí, công nghệ ô tô, may công nghiệp, may thời trang, điện dân dụng, tin học văn phòng… Công tác đào tạo nghề gắn với phương pháp, chương trình giảng dạy theo phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”, thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế để tìm kiếm việc làm. Hiện tại, các lớp dạy nghề của trung tâm được phân bố đều ở 2 cơ sở đặt tại thị trấn Cát Thành và xã Trực Đại, với đầy đủ trang thiết bị, máy móc được các trường liên kết chuyển về. 100% học viên khi vào học tại trung tâm đều được đăng ký học nghề theo nguyện vọng và được dạy nghề miễn phí. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng trung cấp nghề. Hàng năm, Ban giám đốc trung tâm đã làm tốt công tác đấu mối với các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện liên kết đầu ra cho học viên. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các em đều tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2021, trung tâm đã tuyển sinh và dạy nghề cho 100 học viên lao động nông thôn với các nghề may công nghiệp và chăm sóc, cắt tỉa, uốn cây cảnh. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về GDNN và làm tốt việc hướng nghiệp, phân luồng thông qua Phòng LĐ-TB và XH, Phòng GD và ĐT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, phụ huynh và học sinh; mở rộng, đa dạng hoá các ngành nghề, phối kết hợp với các cơ sở GDNN để liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Đồng chí Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Trực Ninh cho biết: “Công tác giáo dục văn hóa kết hợp đào tạo nghề của trung tâm thời gian qua đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Học viên tốt nghiệp THPT, lại có nghề trong tay để tìm việc làm. Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn giúp nhiều người dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương”.
Toàn tỉnh hiện có 2 Trung tâm GDTX cấp tỉnh và 9 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện. Sau thời gian chuyển đổi, các Trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh đều đã ổn định và phát huy hiệu quả bước đầu về một mô hình đào tạo mới. Hầu hết các Trung tâm đã chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về những bước đi trong thời gian tới, đặc biệt là có sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm cho người lao động. Các đơn vị đã phối hợp hiệu quả với các trường THCS, THPT và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực để tạo sự hứng thú, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự học, giúp học sinh vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự tin khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Để đảm bảo tốt việc dạy văn hóa gắn với dạy nghề, các Trung tâm cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và phát triển đội ngũ giáo viên; đa dạng hoá nội dung chương trình và hình thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người. Hiện tại, 11 trung tâm có 195 phòng học kiên cố; 28 phòng thí nghiệm; 13 thư viện; 907 máy tính; 100% trung tâm có các phòng học bộ môn. Cơ sở vật chất cảnh quan của các trung tâm được tăng cường, tu sửa khang trang; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao. Vì vậy hàng năm, bên cạnh việc dạy văn hóa, dạy nghề cho khoảng 6.000 học sinh, 6 trung tâm GDTX, GDNN-GDTX còn liên kết dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT cho 5 trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh với tổng số 3.138 học viên. Thực hiện liên kết, các trung tâm GDTX-GDTX đã dạy đủ 8 môn văn hóa theo quy định của Bộ GD và ĐT và tổ chức thi tốt nghiệp lấy bằng GDTX cấp THPT theo đúng quy chế, quy định. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, học sinh đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 97,01%. Các nghề được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề gồm 15 ngành nghề khác nhau. Nhiều học viên ra trường đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập tương đối ổn định. Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở các trung tâm GDNN-GDTX được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, giúp các em có được hai bằng sau khi tốt nghiệp. Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, để nhiều lao động nông thôn “ly nông không ly hương”, có được việc làm, góp phần ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Hồng Minh