Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thời gian qua, cán bộ, hội viên Hội Nông dân (HND) Vụ Bản đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch, vừa khắc phục khó khăn, duy trì lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp HND phát động. Qua đó, đã phát hiện, nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Hội Nông dân Vụ Bản tuyên dương các điển hình nông dân tiêu biểu giai đoạn 2015-2020. |
Các cấp HND trong huyện đã vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “Cánh đồng lớn”; hình thành các mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, toàn huyện đã có 7 sản phẩm của hội viên, nông dân được đánh giá, xếp hạng OCOP. Trong đó, 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao là “Trà tươi hương chanh mật ong S24” của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại vật tư Minh Hằng, xã Quang Trung; 6 sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm: “Gạo sạch Bốn Thuận” của HTX chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng; “Trứng gà sạch” của HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh; “Dầu lạc nguyên chất” của cơ sở Tiến - Thuấn; Kẹo sừu châu, kẹo lạc cơ sở Lê - Giáp, xã Kim Thái và Khu du lịch sinh thái núi Ngăm, xã Minh Tân. Bên cạnh đó, HND huyện đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Hàng năm, các cấp Hội tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; bình quân mỗi năm đã có trên 20.150 hộ nông dân đăng ký, trong đó có trên 10.075 hộ đạt danh hiệu. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Trần Văn Rụ, xã Kim Thái với mô hình “Nuôi gà trắng thương phẩm theo tiêu chuẩn VIETGAP” quy mô từ 35-40 nghìn con; ông Trần Đăng Khôi, xã Minh Thuận với mô hình “Nuôi gà sạch”; ông Mai Công Chính, xã Hợp Hưng đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, mua 10 máy ấp trứng, hàng tháng cung ứng cho thị trường từ 12-15 vạn con giống; ông Trần Quang Huy, xã Trung Thành với mô hình trồng trọt, dịch vụ máy nông nghiệp; ông Phạm Đức Thuần, xã Tân Khánh với mô hình nuôi cá Koi. Đặc biệt ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng với mô hình nuôi thỏ giống New Zealand được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2015-2020. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân đã tích tụ ruộng đất thực hiện mô hình lúa - cá, trồng khoai tây xuân, sản xuất lúa nông sản, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch với Công ty TNHH Toản Xuân...
Để nhân rộng điển hình làm kinh tế giỏi, những năm qua, các cấp HND trong huyện đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, chú trọng đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội đã nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, tập trung nguồn lực đầu tư cho các mô hình hoạt động có hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn Quỹ cấp huyện đạt trên 1,2 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã thẩm định và giải ngân cho 27 dự án cho 40 hộ vay để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân vay vốn. Tổng dư nợ từ Ngân hàng NN và PTNT là 287 tỷ đồng cho 2.850 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 75,9 tỷ đồng cho 2.696 hộ vay. Trong 3 năm qua, HND huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 220 lao động nông thôn tại các xã Minh Thuận, Hợp Hưng, Hiển Khánh, Cộng Hòa, Liên Minh, Đại Thắng. Các xã, thị trấn phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề cho 605 người, tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm đạt 85%, bình quân thu nhập từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Các mô hình câu lạc bộ “Nông dân với internet” được thành lập đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các thành viên đã biết khai thác thông tin kỹ thuật, thị trường để ứng dụng trong đời sống và sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các cấp HND trong huyện còn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, Hội đã hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 3 mô hình HTX, 8 mô hình tổ hợp tác. Qua đó đã gắn kết nông dân cùng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung, góp phần hình thành 11 mô hình “Cánh đồng lớn” với diện tích 562ha và 4 mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao gồm: mô hình “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1HN88” tại HTX Bảo Xuyên, xã Liên Bảo; Tổ hợp tác “Sản xuất lúa sạch” Quang - Luyến xã Liên Bảo; mô hình trồng ngô ngọt, xã Tân Khánh; mô hình trồng sen công nghệ cao, xã Minh Tân. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Trung ương HND Việt Nam khóa VII “Về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, đến nay, toàn huyện có 4 tổ hội nghề nghiệp với 51 thành viên tham gia.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Vụ Bản tiếp tục vận động hội viên nâng cao chất lượng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với việc thực hiện Đề án số 05/ĐA-UBND, ngày 26-10-2017 của UBND huyện về “Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp huyện Vụ Bản giai đoạn 2017-2020”, góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tích tụ ruộng đất bằng các hình thức hợp pháp để đầu tư sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy mô, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại; tham gia xây dựng vùng sản xuất tập trung theo quy mô cánh đồng lớn; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hiệu quả./.
Bài và ảnh: Lam Hồng