Sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố ở thành phố Nam Định: Những kết quả bước đầu

06:09, 19/09/2021

Cùng với các địa phương trong tỉnh, thành phố Nam Định đang tiến hành sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng (khóa XII). Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn (xóm), tổ dân phố đang được thực hiện theo đúng kế hoạch và yêu cầu đặt ra. 

Bí thư Chi bộ khu dân cư Hàng Tiện, phường Quang Trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố (ảnh 1); Cổng làng thôn Vỵ Dương, phường Mỹ Xá (ảnh 2).  Bài và ảnh: Văn Trọng
Bí thư Chi bộ khu dân cư Hàng Tiện, phường Quang Trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố.

Những thuận lợi, khó khăn 

Tổ dân phố số 4 Mỹ Trọng và tổ dân phố Gôi Mai Xá (phường Mỹ Xá) có vị trí địa lý liền kề, địa hình không bị chia cắt, phong tục tập quán phù hợp, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân thuộc diện phải sáp nhập theo Nghị quyết số 18-NQ/TW do không đảm bảo quy mô dân số quy định. Từ khi nhận được chủ trương sáp nhập, cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 tổ rất vui bởi sắp tới sẽ cùng chung một địa bàn; tổ dân phố quy mô hơn, việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống phúc lợi công cộng sẽ được nhân lên; việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở địa phương sẽ mạnh hơn… Đồng chí Hoàng Khắc Văn, bí thư chi bộ tổ dân phố Gôi Mai Xá và đồng chí Trần Thế Giỏi, tổ phó tổ dân phố số 4 Mỹ Trọng cho biết: “Do đặc điểm trước đây người dân của 2 tổ dân phố là cư dân thuộc 2 hợp tác xã nông nghiệp của xã Mỹ Xá nằm biệt lập giữa cánh đồng Mồ. Khi xây dựng Khu công nghiệp Hòa Xá tỉnh chỉ thu hồi diện tích đất nông nghiệp nên 2 tổ dân phố nằm lọt giữa khu công nghiệp; dân số mỗi tổ chỉ có trên dưới 110 hộ. Vì vậy khi thực hiện nhiệm vụ, tổ dân phố gặp những khó khăn trong quản lý điều hành, nhất là việc thực hiện xây dựng đô thị văn minh, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao... Việc sáp nhập tới đây là niềm mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 tổ dân phố”.

Nằm ở địa bàn trung tâm thành phố, phường Quang Trung có nhiều khu phố cổ, tổ dân phố hình thành theo các dong ngõ nên phường có 31 tổ dân phố nhưng chỉ có 2.499 hộ dân; cá biệt, có những khu như phố Hàng Tiện có tới 5 tổ dân phố nhưng chỉ có 336 hộ dân. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương do lãnh đạo khó tập trung, kịp thời và đặc biệt tạo tâm lý coi nhẹ, lơ là, chưa toàn tâm toàn ý khi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ tổ dân phố. Đồng chí Trần Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Quang Trung cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của thành phố về sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố, phường đã tổ chức hội nghị triển khai tới các chi bộ, tổ dân phố. Hội nghị nhận được sự đồng tình cao của các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố. Điểm thuận lợi của phường là 31 tổ dân phố hiện nay phân bổ tại 7 khu dân cư do 7 chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị nên thuận tiện cho việc sáp nhập. Bên cạnh đó, cán bộ các tổ dân phố hiện nay tuổi đã cao, hầu hết từ 65 tuổi trở lên, thậm chí có đồng chí năm nay đã 79 tuổi, muốn xin nghỉ từ nhiều năm trước nhưng nhân dân vẫn tín nhiệm bầu nên phải tham gia, nay được nghỉ ngơi là phù hợp”. Đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố của Đảng, lãnh đạo các phường Mỹ Xá, Lộc Vượng và các phường, xã trên địa bàn thành phố cho rằng: Việc sáp nhập sẽ đảm bảo sự công bằng về quản lý dân cư giữa các tổ dân bởi thực trạng hiện nay tại các địa phương có những tổ dân phố có tới trên 1.000 hộ dân, cán bộ tổ dân phố phải “xuống đường” giải quyết công việc của dân gần như cả tháng; tuy nhiên cũng có tổ dân chỉ trên 50 hộ thì phần việc của cán bộ chỉ giải quyết từ 3 đến 5 ngày là xong. Trong khi đó mức phụ cấp của mỗi vị trí là như nhau. Đặc biệt, sau sáp nhập sẽ giảm được bộ máy cán bộ cồng kềnh, giảm số lượng thôn (xóm), tổ dân phố, giảm số lượng cán bộ hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách, tạo thuận lợi cho công tác quản lý địa bàn; xóa được xóm, tổ dân “trắng” chi bộ hoặc chi bộ ghép, xóa được việc thiếu các tổ chức đoàn thể; từ đó phát huy được vai trò cộng đồng dân cư. Bên cạnh những thuận lợi, một thực tế khác cũng đặt ra từ việc sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn thành phố là khi địa bàn khu dân cư được mở rộng, công tác quản lý địa bàn đòi hỏi phải lựa chọn được những cán bộ có sức khỏe, trình độ, năng lực, tâm huyết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, các yếu tố khác biệt về văn hóa, nếp sống sinh hoạt cộng đồng; cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; tâm tư của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở… là những khó khăn, vướng mắc đặt ra, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Bí thư Chi bộ khu dân cư Hàng Tiện, phường Quang Trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố (ảnh 1); Cổng làng thôn Vỵ Dương, phường Mỹ Xá (ảnh 2).   Bài và ảnh: Văn Trọng
Cổng làng thôn Vỵ Dương, phường Mỹ Xá. 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố thành phố Nam Định cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố, thành phố Nam Định có 493 tổ dân phố và 18 thôn (xóm) có số hộ dân dưới 50% tiêu chí phải sáp nhập chiếm 87,95% tổ dân, thôn (xóm) trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ lớn, thời gian triển khai không nhiều, có phạm vi rộng liên quan đến các phường, xã, tác động đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở và nhiều người dân. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc với tinh thần khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn (xóm), tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Quá trình thực hiện phải đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng chống dịch COVID-19; hạn chế thấp nhất xáo trộn đời sống sinh hoạt và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân”. Thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phường, xã tổ chức sắp xếp, sáp nhập theo đúng trình tự; thực hiện rà soát và xây dựng đề án đảm bảo các điều kiện theo quy định. 

Thực hiện kế hoạch, hướng dẫn của UBND thành phố về sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn giai đoạn 2021-2022, các phường, xã đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về mục đích, yêu cầu và chủ trương tới các thôn (xóm), tổ dân phố, cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các phường, xã tăng cường các hoạt động, gặp gỡ, tiếp dân để kịp thời giải đáp những thắc mắc của nhân dân trong quá trình sắp xếp, sáp nhập để tạo sự đồng thuận. Hiện tại các phường, xã đang khẩn trương tiến hành các bước rà soát thực trạng và phân nhóm thôn (xóm), tổ dân phố theo tiêu chí quy định, xây dựng phương án sáp nhập, lấy ý kiến cử tri và trình HĐND phường, xã thông qua bảo đảm đúng thời gian, góp phần cùng UBND thành phố hoàn thành việc thực hiện phương án tổng thể và hồ sơ sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trước ngày 25-10-2021 để báo cáo UBND tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com